Lào Cai: Kết quả kiểm tra, đánh giá 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2021/NQHĐND của HĐND tỉnh Lào Cai quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lào Cai về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, ngành du lịch của tỉnh đã có những bước chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND

UBND các huyện, thành phố, thị xã đã công bố thủ tục hành chính, ban hành văn bản triển khai thực hiện nghị quyết 06/2021/NQHĐND, tổng hợp nhu cầu vay vốn và đầu tư điểm du lịch. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền Nghị quyết số 06. Chi nhánh NHCSXH tỉnh, phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện công khai các chính sách quy định tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND, Nghị quyết số 12/2024/NQ-HĐND ngày 05/7/2024 của HĐND tỉnh Lào Cai. Triển khai tập huấn chính sách đến 100% các Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, các tổ chức hội đoàn thể, lãnh đạo UBND cấp xã. 100% điểm giao dịch xã của NHCSXH đặt tại các xã, thị trấn trên toàn tỉnh.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND

UBND tỉnh Lào Cai đã chuyển nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh uỷ thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh với tổng số tiền 61.000 triệu đồng. Ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo nội dung Nghị quyết: Từ năm 2021 đến tháng 02 năm 2025, UBND thị xã Sa Pa ủy thác qua ngân hàng chính sách: tổng kinh phí: 11.200 triệu đồng

Đối với chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch: UBND tỉnh Lào Cai đã chuyển nguồn vốn từ Ngân sách tỉnh uỷ thác qua Chi nhánh NHCSXH tỉnh với tổng số tiền 61.000 triệu đồng để cho vay hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Đến ngày 10/3/2025 Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã thực hiện cho vay hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng với số tiền là 40.034 triệu đồng với 417 khách hàng tạo việc làm cho gần 4.000 lao động trên địa bàn toàn tỉnh.

Đối với chính sách hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch: Các địa phương đã có kế hoạch triển khai xây dựng và duy trì hoạt động câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch, tổ chức mời các đơn vị nghệ thuật của tỉnh. Đến tháng 2/2025,UBND đã giải ngân chính sách hỗ trợ cho 22 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch với số tiền là 1.665 triệu đồng.

Hiệu quả của chính sách

Về mặt xã hội: Chính sách đi vào cuộc sống đã giúp nâng tầm “thương hiệu” du lịch cộng đồng của tỉnh Lào Cai; được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng với hơn 500 cơ sở lưu trú tại gia đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua hoạt động phát triển du lịch cộng đồng đã hỗ trợ khôi phục sản phẩm du lịch làng nghề, đội văn nghệ dân gian, sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với sinh thái,.. Phát triển, giao lưu văn hóa, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật,..Nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư cũng như tăng cường sự hợp tác, giao lưu văn hoá giữa các nhóm, thành phần dân tộc trong và ngoài khu vực,..

Về mặt kinh tế: Việc vay vốn làm du lịch cộng đồng góp phần giúp kinh tế gia đình cải thiện, thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 15 đến 20 triệu/hộ. Câu lạc bộ/Đội văn nghệ dân gian được thành lập tại các điểm du lịch đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chính sách hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại điểm du lịch quy định tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND đã được triển khai thực hiện; có 22 đội văn nghệ dân gian/câu lạc bộ văn nghệ dân gian tại điểm du lịch đã được nhận hỗ trợ kinh phí thành lập mới và duy trì hoạt động của đội văn nghệ với số tiền 1.665 triệu đồng. Câu lạc bộ/đội văn nghệ dân gian tại điểm biểu diễn phục vụ khách du lịch gần 200.000 lượt khách mỗi tuần.

Về mặt giới: Việc tham gia làm du lịch cộng đồng tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình nhất là phụ nữ trong gia đình,… đã giúp nâng cao sự tự tin, quyền bình đẳng cho nữ giới trong sinh hoạt gia đình cũng như trong các hoạt động của cộng đồng. Góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, giá trị văn hóa, thúc đẩy quyền bình đẳng trong đồng bào dân tộc vùng cao, đồng thời thể hiện được vai trò và khả năng quyết định các vấn đề kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình và xã hội.

Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND đã có tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện còn có những khó khăn, vướng mắc

– Triển khai Nghị quyết thời gian đầu còn lúng túng; số lượng và chất lượng dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú của người dân địa phương còn hạn chế. Chưa triển khai cho vay được điểm du lịch do thiếu hồ sơ pháp lý, cấp phép xây dựng, tài sản đảm bảo định giá thấp. Hiện tại mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại đang giảm thấp, lãi xuất cho vay của ngân hàng chính sách không còn đủ hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

– Chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng quy định mức vay đối với người lao động tối đa là 200 triệu/hộ chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn các điểm du lịch cộng đồng. Trên địa bàn toàn tỉnh mới có thị xã Sa Pa cân đối được nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay theo nội dung Nghị quyết 06 với số tiền là 11.200 triệu đồng.

– Điều kiện trình tự thủ tục cho vay áp dụng quy định cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng chính sách xã hội, đối tượng vay vốn phải là người lao động chưa có việc làm ổn định. Việc thực hiện các thủ tục thành lập các câu lạc bộ, đội văn nghệ còn chậm.

Nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc

– Việc triển khai thực hiện hiện chính sách tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, các địa phương chưa cân đối bố trí nguồn lực của địa phương cho vay theo nội dung của Nghị quyết được quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 5, điểm b Khoản 3 Điều 6; địa phương còn tâm lý trông chở ỷ lại từ nguồn vốn của UBND cấp tỉnh uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay vốn.

– Thông qua việc kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 06 tại cơ sở và phản ánh của một số doanh nghiệp nguyên nhân chính chưa triển khai thực hiện được chính sách vay vốn đầu tư điểm du lịch.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND đã có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn, phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn văn hóa dân tộc đã giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng dịch vụ và tạo động lực tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Phương Thảo

 

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons