Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai
– Lào Cai có lợi thế về vị trí: Lợi thế về vị trí địa kinh tế, địa chính trị, địa văn hóa; nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, là cửa ngõ của khu vực ASEAN trong tiến trình đi vào khai thác miền Tây Trung Quốc và là cửa ngõ của Vân Nam để tiến ra Biển Đông. Lào Cai có cơ hội thuận lợi để đón lượng khách lớn từ Trung Quốc đi du lịch tại các điểm du lịch ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực và đón khách quốc tế từ các nước đến Lào Cai và sang vùng Tây Nam Trung Quốc. Bên cạnh đó, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu là cặp cửa khẩu duy nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc hội tụ đủ các loại hình vận tải, như đường sắt, đường bộ, đường thủy và tương lai là đường hàng không. Đây cũng là điều kiện để Lào Cai phát triển loại hình du lịch biên giới, du biên mậu, du lịch cửa khẩu.
– Tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú: Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với đỉnh Fansipan – Nóc nhà Đông Dương, đỉnh Ky Quan San, vùng đất “mây” Ý Tý, cao nguyên trắng Bắc Hà, khí hậu mát mẻ rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái và khám phá, mạo hiểm. Chất liệu quý từ hệ thống di sản văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú, sắc thái văn hóa đặc sắc của 25 nhóm ngành dân tộc anh em đã hình thành nên hệ thống các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù như: ruộng bậc thang, chợ phiên, trình diễn nghề thủ công, các lễ hội văn hóa, du lịch cộng đồng…
Du lịch Lào Cai còn có những điều kiện thuận lợi khác để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Đó là hệ thống giao thông tương đối đồng bộ với đầy đủ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và tiến tới là đường hàng không. Hệ thống đường giao thông của Lào Cai đang hòa chung vào hệ thống đường giao thông xuyên Á. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược. Lào Cai cũng có môi trường chính trị ổn định, an ninh an toàn, đây là những yếu tố quan trọng để tạo điều kiện cho hoạt động du lịch phát triển.
Tiếp cận nhanh với sự phát triển của công nghệ 4.0, Lào Cai đang quan tâm triển khai ứng dụng và sử dụng bộ giải pháp du lịch thông minh về quản lý lưu trú, ứng dụng du lịch thông minh trên Smart Phone.
Thành tựu ấn tượng
Hết năm 2020, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng ngành du lịch Lào Cai vẫn đón trên 2,3 triệu lượt khách và đạt doanh thu khoảng 6.700 tỷ đồng. Cơ sở vật chất chuyên ngành có bước nhảy vọt về số lượng cũng như chất lượng. Hiện, toàn tỉnh có 1.310 cơ sở lưu trú, trong đó 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn 4 sao, 340 cơ sở dịch vụ homestay. Đến năm 2020 có 32 hãng lữ hành, bao gồm 30 hãng lữ hành quốc tế hoạt động tại Lào Cai. Tỉnh có 1 Khu du lịch quốc gia, 2 Khu du lịch cấp tỉnh và 30 điểm du lịch đã được công nhận.
Liên tiếp trong nhiều năm, du lịch Lào Cai được các đơn vị truyền thông có uy tín của thế giới đánh giá và xếp hạng cao. Sa Pa luôn nằm trong Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Đông Nam Á, Top 9 điểm đến được trông đợi nhất của thế giới và Top 5 điểm đến hấp dẫn nhất của Việt Nam. Gần đây nhất, kênh truyền hình National Geopraphic (Mỹ) đã bình chọn Hoàng Liên Sơn – Sa Pa đứng thứ 7 trên tổng số 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2019 và là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á năm 2019. Trong năm 2017, Sa Pa (thứ 10), thành phố Lào Cai (thứ 24), Bắc Hà (thứ 51) nằm trong danh sách 71 địa điểm hấp dẫn của Việt Nam theo bình chọn của mạng du lịch lớn nhất thế giới Trip Advisor (Mỹ). Cụm homestay Tả Van Giáy 1 được trao giải thưởng ASEAN về chất lượng đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch. Tuyến đi bộ ở Sa Pa (Trekking tours) được sách hướng dẫn du lịch Lonely Planet lựa chọn là 1 trong 10 con đường mòn tuyệt vời nhất thế giới. Sản phẩm du lịch chợ văn hóa Bắc Hà được Tạp chí Serendib (Srilanka) giới thiệu là 1 trong 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Ruộng bậc thang Sa Pa được Tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) bình chọn là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp, kỳ vĩ nhất châu Á và thế giới. Sun World Fansipan Legend liên tiếp hai năm 2019 và 2020 được World Travel Awards trao tặng danh hiệu “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới”…
Thách thức của du lịch Lào Cai
Cùng với những cơ hội lớn để du lịch Lào Cai cất cánh, Lào Cai cũng đối mặt với những thách thức không nhỏ. Lợi thế về vị trí cửa ngõ, đường biên giới trải dài cũng tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định về an ninh quốc phòng. Sự đa dạng hóa luồng khách quốc tế tạo nên sự phát triển cho du lịch nhưng cũng đặt ra những vấn đề về đảm bảo an ninh, chính trị.
Sự phát triển quá “nóng” về du lịch, nhất là lượng khách nội địa đặt du lịch Lào Cai phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông cục bộ, sự quá tải ở các nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ,…. nguy cơ biến đổi về chất của khách du lịch với sự gia tăng của lượng khách có khả năng chi trả thấp (khách du lịch đại chúng), nguy cơ giảm khách du lịch thu nhập cao, khách quốc tế; vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Việc khai thác tài nguyên du lịch một cách ồ ạt dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái và mai một di sản văn hóa truyền thống, xuất hiện hiện tượng “thương mại hóa” văn hóa, lai căng văn hóa.
Nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch tạo nên hình ảnh không đẹp về du lịch Lào Cai. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, nhất là nhân lực chất lượng cao. Chất lượng của các đơn vị lữ hành du lịch và đội ngũ hướng dẫn viên còn hạn chế. Hoạt động của các hiệp hội du lịch chưa thực sự phát huy hiệu quả. Các doanh nghiệp du lịch ở Lào Cai đang thiếu vắng vai trò của một “nhạc trưởng” để dẫn dắt các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Trong giai đoạn hiện nay tình hình dịch Covid -19 đang căng thẳng, du lịch Lào Cai và cả nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nhận định về những khó khăn thách thức trong phát triển du lịch giai đoạn dịch Covid – 19 này, ông Trần Sơn Bình – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho rằng: “Tâm lí khách du lịch đã có nhiều thay đổi, xu hướng tiêu dùng của du khách cũng thay đổi, yêu cầu du lịch an toàn được đặt lên hàng đầu nên sản phẩm du lịch cũng phải thay đổi theo để thích ứng, do vậy một số đơn vị sẽ gặp khó khăn, trong thiết kế các chương trình du lịch, các gói sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu thay đổi của du khách. Mặt khác du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ cho hoạt động du lịch bị ngưng trệ, “đóng băng”. Vì vậy để phục hồi lại hoạt động du lịch thì từng mắt xích của chuỗi cung ứng dịch vụ từ nhà hàng, khách sạn, vận chuyển, khu nghỉ dưỡng,… phải đồng thời cùng phục hồi. Bên cạnh đó nguồn nhân lực của du lịch bị thiếu hụt trầm trọng do đã có sự dịch chuyển khỏi địa phương và dịch chuyển sang lĩnh vực khác. Các chính sách, quy định đón khách của các địa phương có sự khác nhau – đây cũng là rào cản không nhỏ trong việc trao đổi khách giữa các địa phương. Ngoài ra khó khăn về cả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch còn hạn chế so với trọng điểm du lịch khác trong cả nước.”
Trước những khó khăn này ông Trần Sơn Bình cũng cho biết: “Để phục hồi du lịch, tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai quyết liệt và kịp thời các cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ của Chính phủ nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó có hỗ trợ ngành du lịch cụ thể như: Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, trợ cấp về tài chính cho người lao động trong ngành du lịch bị mất việc hoặc tạm ngừng lao động, các đối tượng bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19…. Hiện tại, UBND đã giao cho các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid – 19… Đồng thời để phục hồi ngành du lịch tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu du lịch, phát triển sản phẩm du lịch mới, sự kiện du lịch hấp dẫn giành cho khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tại thị trường trọng điểm. Ưu tiên tiêm vắc xin cho những người làm trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, xây dựng điểm đến an toàn hấp dẫn, sẵn sàng đón du khách khu dịch bệnh được kiểm soát.”
Thu Thủy