Những ngày đầu thành lập, khi đất nước còn chiến tranh gian khổ, ngành Du lịch đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi thử thách, từng bước mở rộng các cơ sở du lịch ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tam Đảo, Hòa Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… Từ đó, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ an toàn, chất lượng một lượng lớn khách của Đảng và Nhà nước, các đoàn chuyên gia các nước Xã hội chủ nghĩa anh em vào giúp Việt Nam thực hiện hai nhiệm vụ là xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước; đồng thời đón tiếp, phục vụ, đáp ứng nhu cầu du lịch, tham quan nghỉ mát của cán bộ, bộ đội và nhân dân.
Nhìn lại chặng đường 61 năm hình thành và phát triển đi lên của ngành du lịch Việt Nam, chúng ta không khỏi tự hào khi ngành ra đời trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốtcác đoàn khách của Đảng, Nhà nước, đã vượt qua nhiều gian khó, từng bước củng cố đội ngũ, tổ chức và cơ sở vật chất kỹ thuật để chuyển dần sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, rồi chuyển mình vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ đất nước mở cửa và hội nhập quốc tế để có được tầm vóc như ngày hôm nay.
Tự hào nhìn lại quá trình lịch sử 61 năm xây dựng và phát triển, ngành du lịch Việt Nam từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có vị trí ngày càng quan trọng của đất nước, đón và phục vụ trên 100 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Ngành Du lịch đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Trong dòng chảy lịch sử ấy, du lịch Lào Cai cũng được thành lập và đi lên để có tầm vóc ngày càng lớn mạnh như hôm nay. Từ những năm 1903 khi khu nghỉ dưỡng Sa Pa được hình thành, đến năm 1991 khi Tổng cục Du lịch được sát nhập vào Bộ Thương mại và Du lịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhiệm vụ cho Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Lào Cai thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về du lịch ở địa phương. Đến nay, sau 30 năm tái lập tỉnh, du lịch Lào Cai đã thực sự trưởng thành vượt bậc. Giai đoạn 2016 – 2020, mức tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 22,6%/năm, tổng thu khách du lịch tăng bình quân đạt 44,2%/năm/. Năm 2019, Lào Cai đã đón 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 19.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho 32.000 lao động.
Lào Cai đang dần trở thành điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất khu vực và từng bước khẳng định vị thế, được xác định là ngành có bước phát triển đột phá trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Khu du lịch quốc gia Sa Pa được đánh giá cao, liên tục có trong danh sách các điểm đến hàng đầu Việt Nam như: Top 8 điểm đến hàng đầu Việt Nam do TripAdvisor’s Choice, Top 2 “5 điểm đến nổi tiếng và đẹp nhất Việt Nam” do báo điện tử Huffington Post (Mỹ) bình chọn,… Kỳ quan ruộng bậc thang Sa Pa cũng được Travel and Leisure (Mỹ) ca ngợi là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vĩ nhất Châu Á và thế giới. Năm 2012, Sa Pa được tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Lonely Plannet Traveller (Anh) giới thiệu là 1 trong 5 điểm dừng chân tuyệt vời cho kỳ nghỉ của du khách khi tới Việt Nam.
Đến nay, du lịch tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự tăng trưởng nhanh của tỉnh và đang dần khẳng định vai trò “mũi nhọn”, có bước phát triển đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Sản phẩm du lịch đã được hình thành và phát triển tương đối rõ nét như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh,… Thu hút đầu tư du lịch từ nguồn vốn ngoài ngân sách được thực hiện khá hiệu quả với hàng loạt các dự án lớn về dịch vụ du lịch đã được triển khai và đi vào hoạt động. Thương hiệu du lịch Lào Cai – Sa Pa dần được định vị trong tâm trí khách du lịch trong nước và bạn bè quốc tế.
Nhìn lại thời khắc lịch sử, du lịch Việt Nam hình thành trong chiến tranh, đi qua cuộc chiến thống nhất đất nước và cùng đóng góp thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong 61 năm qua. Giờ đây, du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Lào Cai nói riêng lại bước vào một cuộc chiến khác, vừa thực hiện chống lại bệnh dịch thế kỷ covid 19 vừa phục hồi, phát triển ngành trong tình hình mới, đảm bảo chiến lược phát triển với nhiều giải pháp phù hợp, mang tính đột phá, phát huy những tiềm năng, tâm huyết, sự sáng tạo và năng động của ngành nhằm hồi phục, tiến tới đạt được nhịp độ tăng trưởng cao hơn nữa, hoàn thành tốt các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong những năm tới.
Với tầm nhìn chiến lược và những bước đi được hoạch định cụ thể, chúng ta sẽ viết tiếp lịch sử, vượt qua gian khó, tạo đà và thế để có những bước tiến vượt bậc, tạo thành tựu vững chắc để ghi thêm những thành công mới từ dấu son lịch sử tự hào ngày 09/7 hàng năm – ngày du lịch lịch Việt Nam!
Phạm Tất Thành