Sa Pa là địa danh du lịch nổi tiếng, nơi sinh sống từ lâu đời của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó. Các nhóm dân tộc vẫn gìn giữ và phát huy kho tàng văn hóa của họ với hàng loạt các lễ hội truyền thống độc đáo và hấp dẫn góp phần thu hút du khách đến với Sa Pa.
Khu du lịch quốc gia Sa Pa nổi tiếng với cảnh quan tuyệt đẹp và sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số. Lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Sa Pa thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, mang tới không khí vui tươi, rộn rã khắp các bản làng.
Một trong những lễ hội đáng chú ý ở Sa Pa là lễ hội Gầu Tào. Lễ hội này diễn ra hàng năm vào tháng 1 âm lịch của các dân tộc Dao đỏ và Mông. Nó là dịp để cộng đồng tụ họp, gặp gỡ, trò chuyện và thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của họ. Lễ hội Gầu Tào bao gồm các hoạt động truyền thống như diễu hành, hát, nhảy và biểu diễn các trò chơi truyền thống. Một phần quan trọng của lễ hội này là màn trình diễn nhạc cụ gầu tào, một loại nhạc cụ truyền thống của các dân tộc ở Sa Pa. Những màn biểu diễn đặc sắc này thu hút đông đảo du khách đến tham gia và khám phá văn hóa độc đáo của khu vực này.
Ngoài ra, ở Sa Pa còn có nhiều dân tộc khác cũng tổ chức các lễ hội truyền thống. Dân tộc Giáy nổi tiếng với lễ hội Roóng Poọc (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng). Đây là hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nhóm dân tộc này ở Sa Pa. Lễ hội xuống đồng của người Giáy ở Tả Van là dịp kết thúc một tháng Tết vui chơi, đồng thời mở đầu cho một mùa vụ mới. Đây còn là dịp cúng thần Thổ địa để cầu cho mùa màng tốt tươi, chăn nuôi phát triển, xóm làng bình yên, mọi người khỏe mạnh… Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi thức. Trước giờ dựng cột nêu, chủ lễ buộc vòng nhật, nguyệt vào ngọn cây, chờ giờ Thìn bắt đầu dựng. Sau khi rước mâm lễ vật tới chỗ định chôn cột cây nêu, chủ lễ quay về hướng mặt trời mọc, ra hiệu cho chủ làng thắp hương để thực hiện các nghi lễ đối với các thần trời, thần đất, xin được dựng cột nêu cho ngày lễ. Khi dựng cây nêu thì ngọn cây phải được quay theo hướng Đông, hướng của sự bắt đầu, hướng của sự sinh sôi, nảy nở. Phần ném còn với mục tiêu tung quả còn xuyên thủng vòng mặt trăng đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Lễ hội quét làng Sapa của người Xá Phó được xem là nét văn hóa độc lạ của nhóm dân tộc thiểu số ít người nhất sinh sống ở Sa Pa. Nơi đây không chỉ thu hút du khách bởi cảnh sắc hoang sơ mà còn hấp dẫn bởi lễ hội đặc sắc, mang đậm nét truyền thống của người Xa Phó. Lễ quét làng của người Xá Phó được tổ chức hàng năm vào dịp đầu năm mới. Với mong muốn cầu cho cuộc sống dân làng năm mới được bình yên, súc vật chăn nuôi không bị ốm chết, hoa màu tươi tốt. Người dân trong làng sẽ tập trung ở một bãi đất trống rộng nhất làng và tiến hành đầy đủ các nghi lễ, Tất cả mọi người trong làng từ già, trẻ, gái trai đều phải tham gia. Tất cả mọi người phải ăn hết những lễ vật tại chỗ và không được mang về nhà để tránh những con ma sẽ quay trở lại làng. Thầy cúng sẽ đốt một đống lửa để trước khi về nhà tất cả người dân đều phải bước qua. Từ ngày hôm đó dân làng kiêng không cho người ngoài vào trong nhà, sau ba ngày thì mọi hoạt động trở lại nhịp sống ban đầu.
Với rất nhiều ý nghĩa và giá trị nhân văn cao cả, các lễ hội truyền thống góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, đóng góp một phần trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách. Nét độc đáo của các lễ hội truyền thống đồng bào các dân tộc ở Sa Pa cần được bảo tồn và phát triển cho các thế hệ sau này.
Thành Tuân