Người Mông Xanh hát ống trong ngày hội
Trong quy định kết hôn, nhóm Mông Xanh còn có quy định chặt chẽ, chỉ được kết hôn với người cùng dân tộc, con anh được lấy con cô. Trong phong tục của người Mông Xanh, khi em gái đi lấy chồng anh trai sẽ cho một con lợn làm giống. Bởi thế sau này cô em có con lớn phải trả lại cho người anh trai. Những năm gần đây, quy định trong kết hôn của người Mông Xanh đã thay đổi. Nhiều thanh niên đã lấy chồng, lấy vợ ở vùng khác, dân tộc khác.
Trong năm, tết Nguyên Đán là lễ to nhất trong năm. Trong 3 ngày tết có nhiều kiêng kị được đồng bào đặc biệt tuân thủ như kiêng huýt sáo, thổi lửa, giặt đồ. Vì họ cho rằng như thế thì gió sẽ về, cây cối nhà cửa bị đổ, khiến cho mùa màng thất thu. Người Mông Xanh còn kiêng ăn canh, ít ăn rau trong 3 ngày tết vì sợ mưa nhiều, khó canh tác nương. Ngoài tết Nguyên Đán người Mông Xanh còn ăn rằm tháng 7. Đây là lễ lớn thứ hai trong năm sau tết Nguyên Đán. Các gia đình tổ chức ăn tết từ ngày 11 đến 15/7 âm lịch. Đặc biệt, người dân thường tụ họp cùng tổ chức một ngày hội vui, thường được chọn vào đúng ngày rằm tháng 7 âm lịch. Tham dự ngày hội, người dân đều mặc trang phục truyền thống và tham gia các trò chơi dân gian như đu quay, ném pao, ném còn, đánh én, hát ống, múa khèn Mông… Đây là dịp để gắn kết tình cảm gia đình, dòng họ, làng xóm, đồng thời góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trò chơi dân gian đi cà kheo, kéo co của người Mông Xanh
Để trải nghiệm, khám phá thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của người Mông Xanh, bạn hãy đến Nậm Xé, Văn Bàn. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có người Mông Xanh cư trú, chắc chắc sẽ còn rất nhiều điều thú vị chờ đón bạn.