Đến Bắc Hà trải nghiệm cuộc sống vùng cao cuối năm

Cứ mỗi dịp cuối năm, đồng bào vùng cao Bắc Hà lại phấn khởi đón một cái Tết Nguyên đán với biết bao niềm vui đan xen. Họ chờ tết, và mong mỏi năm mới sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc sống bản làng.

Ghé những bản làng Tả Van Chư, Bản Liền, Bản Phố,…  trong những ngày đông giá lạnh, tiếng cười trong trẻo của dân bản như xua tan màn sương dày sau chân núi. Vì lễ tết là dịp trọng đại nhất của năm nên được đồng bào dân tộc chuẩn bị từ rất sớm. Trước Tết khoảng 2 -3 tháng, khắp các bản làng, nhà nào cũng cố gắng nuôi lấy con lợn béo, trồng rau, trồng đỗ, lạc, chuẩn bị nào là gạo nếp, gạo tẻ để gói bánh chưng, nấu rượu, đồ xôi, làm bánh dày…

cuoc%20song%20vung%20cao%20cuoi%20nam%20(1) 430453837

Người Tày (Bản Liền) làm bánh dày truyền thống

Công việc chuẩn bị Tết được tất cả các thành viên trong gia đình san sẻ với nhau. Những người phụ nữ tranh thủ hoàn thiện những đường thêu, nút chỉ cuối cùng trên bộ váy, áo mới để cả nhà kịp diện Tết. Còn cánh đàn ông lại tất bật mổ gà, mổ lợn để chuẩn bị thực phẩm cho gia đình. Đặc biệt, ở Bản Phố, nơi tập trung nhiều người dân tộc Mông hoa có phong tục mổ lợn đón Tết. Từ ngày 27 tháng Chạp, nhà nào cũng có mổ lợn đón Tết. Trong một năm, dù nhà có khó khăn đến mức nào họ cũng cố gắng nuôi con lợn để mổ đón Tết. Trong ngày mổ lợn, họ sẽ mời anh em, họ hàng, bạn bè thân thiết đến ăn bữa cơm. Số thịt còn lại sẽ được chế biến thành nhiều món để bảo quản thịt lâu hơn như thịt treo gác bếp, lạp sườn. Những phần thịt này sẽ được dùng để ăn dần sau tết, đặc biệt những ngày mùa làm nương, ruộng để bắt đầu vụ mới.

Trước đây người Mông nói chung ăn tết sớm hơn so với Tết Nguyên Đán ngày nay một tháng và kéo dài cả tháng trời. Có nghĩa là Tết được bắt đầu vào tháng 1 Dương lịch. Sau đó, do vận động của nhà nước, đồng bào Mông ăn tết cùng với Tết Nguyên đán, sau Tết Nguyên đán là bà con bắt tay vào vụ mùa lao động sản xuất mới như phát đồi trồng ngô, cấy lúa nước. Số thịt treo để dành được sử dụng trong những ngày mùa lao động vất vả. Thấy điều đó phù hợp nên bà con đã thay đổi lịch ăn Tết. Tuy nhiên các tập tục vẫn giữ nguyên, đặc biệt tục mổ lợn đón Tết.

Trên nền biếc của cao nguyên trắng, một số vườn hoa đào nở sớm đã điểm sắc, báo hiệu một mùa xuân mới sắp về. Trong không khí hân hoan, đồng bào các dân tộc trên địa bàn kéo nhau về phiên chợ mua sắm hàng Tết và cả dụng cụ sản xuất nông nghiệp, nhộn nhịp hơn hẳn ngày thường. Trong năm có lẽ, phiên chợ giáp Tết là phiên chợ đông vui, nhộn nhịp hơn cả. Các mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, hoa quả, mộc nhĩ, măng khô, lạt chẻ, lá dong hay các loại thịt sấy ăn tết được bày bán la liệt; bên cạnh đó mặt hàng quần áo, vải vóc cũng đc nhập nhiều mẫu mã và màu sắc hơn mọi lần nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm tết của bà con. Phía xa xa, khu vực chợ trâu, chợ chó, đồ nông cụ: dao, liềm, cuốc… cũng huyên náo không kém phần. Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, bà con đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đeo trang sức bạc xúng xính nhất đến chợ mua sắm dụng cụ để bước sang năm mới sản xuất được thuận lợi, may mắn, hoa màu được mùa, gia súc mạnh khoẻ, được giá.

cuoc%20song%20vung%20cao%20cuoi%20nam%20(2) 144761918

Mặt hàng hương truyền thống của người Mông hoa ở Bắc Hà trở lên đắt hàng trong những ngày giáp tết

Cuộc sống vật chất ngày càng được nâng lên, đời sống tinh thần của đồng bào vùng cao Bắc Hà cũng rất phong phú. Nhưng những phong tục tập quán của bà con vẫn được gìn giữ nét truyền thống theo thời gian. Hãy đến với Bắc Hà những ngày cuối năm để hiểu hơn về mảnh đất cao nguyên trắng đậm đà bản sắc văn hoá này.

Bích Ngọc

Những bài viết liên quan

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons