Để du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới tại Lào Cai phát triển bền vững

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án, Quyết định và Kế hoạch triển khai nhằm phát triển bền vũng loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp

du lich nong nghiep lao cai 2 992760629

Việt Nam với diện tích vùng nông nghiệp chiếm khoảng 85% diện tích; nền nông nghiệp phát triển là điều kiện để du lịch nông nghiệp có cơ hội phát triển. Tại Lào Cai, diện tích đất nông nghiệp khoảng trên 550 nghìn ha, gắn chặt chẽ với nông dân, nông thôn và văn hóa bản địa, vì vậy du lịch dựa vào nông nghiệp có nhiều cơ hội tăng trưởng cùng quá trình xây dựng nông thôn mới. Du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Lào Cai đang từng bước được xem như một ngành kinh tế tích hợp, ngành kinh tế đưa sản vật nông nghiệp, đặc trưng nông thôn trở thành nguồn tài nguyên dồi dào phục vụ phát triển du lịch. Hiện nay, phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn hiện nay đang dần trở thành xu hướng phổ biến ở Việt Nam và có khả năng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Căn cứ đặc trưng địa bàn hoạt động tại địa bàn khu vực nông thôn, hoạt động du lịch nông nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, kết nối khu, điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, khu du lịch quốc gia Sa Pa và các khu du lịch cấp tỉnh Lào Cai, Bắc Hà với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần da dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Lào Cai, kéo dài thời gian lưu trú của khách nhờ sản phẩm dịch vụ du lịch và điểm đến tại khu vực nông thôn.

Xét về góc độ khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị đặc sắc của khu vực nông nghiệp, hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng đa dạng phong phú, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Nhiều địa phương trong tỉnh Lào Cai có nhiều thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, nhiều hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu đặc sản địa phương, đồng thời cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực…trong tỉnh Lào Cai cũng tương đối đa dạng, tạo thế mạnh có thể thể hình thành nên các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao. Nhiều địa phương đã bước đầu khai thác được sản phẩm du lịch dựa trên đặc trưng hoạt động nông nghiệp riêng của địa phương mình như chủ yếu hình thành trên cơ sở các khu vực chuyên canh cây ăn quả, chè, trồng hoa, hoa cây cảnh, chăn nuôi (gà, ngựa, lợn cắp nách), dự án sản xuất nông nghiệp sạch (mận, dứa, cam, quýt, chuối, thảo quả…). Một số hoạt động du lịch khác được khai thác ở khu vực nông thôn đan xen với các loại hình du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái, làng nghề … như Nghĩa Đô (Bảo Yên), Tả Phìn, Tả Van (Sa Pa), Y Tý (Bát Xát)…..

Trong cơ cấu nền nông nghiệp, nông nghiệp dược liệu cũng còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển song hành cùng du lịch do lợi thế tài nguyên, điều kiện thổ những, khí hậu đặc trưng và chiến lược phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng ở Lào Cai. Theo thống kê, Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, hơn 400 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển ngành công nghiệp dược liệu và y học cổ truyền, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và du khách. Bên cạnh đó, Lào Cai có nguồn nông sản làm thực phẩm, ẩm thực đa dạng, dồi dào dinh dưỡng tự nhiên, phù hợp để phát triển du lịch ẩm thực. Các món ăn được du khách ưa chuộng hiện nay ít sử dụng dầu mỡ và thịt, sử dụng nguyên liệu chủ yếu là rau, củ, quả, cây trồng có sẵn, đảm bảo độ tươi, giàu dinh dưỡng.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế khi mùa quả đến, những vườn mận nở trắng xoá tạo nên khung cảnh nên thơ thu hút khách du lịch đến check in, chụp ảnh

Dự báo nhu cầu và cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 17,6 triệu lượt cả năm 2024. Lượt khách quốc tế tăng 40%, bằng 98% so với năm 2019 trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Tại Lào Cai, theo báo cáo của Sở Du lịch, tổng lượng khách đến Lào Cai năm 2024 ước đạt khoảng 8.000.000 lượt khách (trong đó: khách quốc tế hơn 820.000 lượt, khách nội địa hơn 7.180.000 lượt) bằng 94 % so với kế hoạch năm 2024 (8.500.000 lượt), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 (7.261.581 lượt). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 26.700 tỷ đồng, bằng 98% so với kế hoạch năm (27.200 tỷ đồng), tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023 (22.244 tỷ đồng). Du lịch hiện nay được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội, tạo ra nền tảng để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Du lịch Việt Nam và doanh nghiệp đầu tư du lịch ở Lào Cai ngày càng đạt được nhiều bình chọn, đánh giá cao của tổ chức giải thưởng, báo chí du lịch có uy tín quốc tế, ghi nhận của khách hàng, đưa du lịch Việt Nam vào nhóm quốc gia du lịch mới nổi trên thế giới.

Vì vậy việc tiếp tục đầu tư, khai thác thế mạnh địa phương, sáng tạo thêm các sản phẩm, loại hình du lịch mới là rất cần thiết, trong đó du lịch kết hợp nông nghiệp, nông thôn đang trở thành xu hướng đầu tư, khai thác, phát triển và trải nghiệm ở nhiều tỉnh thành; Xu thế theo phong trào đối với loại hình du lịch tham quan kết hợp check in các vườn hoa cây cảnh tại nhiều khu điểm và địa phương đang trở thành xu hướng hợp thời của nhiều đối tượng du khách, từ người lớn tuổi đến thanh niên; Xu thế phát triển du lịch nông nghiệp gắn với dược liệu trong loại hình du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng đã hình thành ở nhiều nước, đã triển khai ở nhiều trung tâm du lịch ở Việt Nam và đã bắt đầu khai thác ở Lào Cai, được nhiều du khách và tổ chức, cá nhân quan tâm; Nhiều nơi đã kết hợp các chương trình du lịch với chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược kết hợp với tham quan các vùng trồng dược liệu và thưởng thức các món ăn bằng y dược cổ truyền và bản địa (tắm suối khoáng nóng, ngâm thuốc người Dao đỏ ở Sapa). Nắm bắt được xu thế này, nhiều cơ sở dịch vụ và khách sạn lớn, chủ động liên kết với chuỗi các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để phục vụ cho khách du lịch như liên kết với chuỗi các Spa chăm sóc sắc đẹp; cơ sở massage, châm cứu bấm huyệt; các cơ sở kinh doanh thuốc, hành nghề từ chăm sóc sức khỏe, các trung tâm nuôi trồng dược liệu, các trang trại nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp hoạt động nông nghiệp mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm và bán sản phẩm tại vườn đang nở rộ những năm gần đây ở Lào Cai. Một số điểm du lịch nông thôn đang bắt đầu khai thác mạnh hoạt động du lịch trải nghiệm dịch vụ tắm/ngâm lá thuốc Đông Y ở Sa Pa, Y Tý (Lào Cai).

Du lịch tìm về nơi bình yên, tìm lại bản thân, làm mới lại cuộc sống tại các vùng nông thôn, nông nghiệp cũng là một xu hướng đáng chú ý. Trong đó, tỉnh Lào Cai nhờ sở hữu nhiều lợi thế cảnh quan, nguồn dược liệu phong phú và quý hiếm cùng kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe của đồng bào các dân tộc, sau khi dịch covid 19 được kiểm soát, nhu cầu và xu hướng đi du lịch vùng nông thôn ít người, yên tĩnh, trong lành, kết hợp các hoạt động khám phá bản địa khiến Lào Cai đang nổi lên như một điểm sáng với du khách. Đến với Lào Cai, du khách sẽ được “tìm lại chính mình” bằng cách kết hợp luyện tập yoga và tri thức bản địa về chăm sóc sức khỏe, kết hợp các hoạt động học tập, hướng dẫn các nhận biết các loại cây thuốc, đặc tính, khả năng khai thác làm thuốc, sản xuất thuốc… cho khách du lịch; du lịch trải nghiệm nghề làm Dược liệu: một ngày làm thầy thuốc dân tộc, học cách trồng, chăm sóc, thu hoạch, sản xuất các loại cây thuốc; hướng dẫn làm đầu bếp chế biến các món ăn từ dược liệu, thuốc cổ truyền…

Nhận biết được nhu cầu du khách và xu hướng thị trường du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, hiện nay nhiều vùng nông nghiệp, vùng trồng dược liệu… khi đầu tư các hoạt động sản xuất nông nghiệp đã bước đầu xây dựng các khu dịch vụ nông nghiệp, các không gian trải nghiệm cho khách du lịch như khu vực check in, khu vực lưu trú, khu vực thực hiện các hoạt động bổ trợ khác phù hợp nông sản, dược liệu. Quy trình tổ chức sản xuất đã được đầu tư ban đầu để vừa hoạt động sản xuất, vừa tổ chức các hoạt động tham quan và trải nghiệm quy trình trồng, sản xuất, thu hoạch, chế biến nông sản, dược liệu và mua sắm quà tặng, quà đặc sản, thậm chí thưởng thức ẩm thực tại chỗ. Nhiều hợp tác xã nông nghiệp và thôn bản đã có sự gắn kết cộng đồng địa phương, có sự tham gia của cộng đồng trong chuỗi sản xuất, kinh doanh dịch vụ, bảo vệ môi trường cảnh quan nhiên, giữ gìn nét văn hóa bản địa v.v…

du lich nong nghiep lao cai 3 578314849

Du khách thích thú tham gia vào quá trình lao động, sản xuất cùng người dân bản địa

          Giải pháp dể du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới Lào Cai phát triển bền vững

          Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Đề án, Quyết định và Kế hoạch triển khai nhằm phát triển bền vũng loại hình du lịch này gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Một số giải pháp cần Lào Cai triển khai để thúc đẩy phát triển, đón bắt xu hướng du lịch và đảm bảo sự phát triển bền vừng cho loại hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới bao gồm:

Thứ nhất là quy hoạch, cả về quy hoạch sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp, quy hoạch phát triển rừng cũng như quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu dược liệu tại Lào Cai. Địa phương cũng cần sớm có các chính sách hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ các chủ thể kinh doanh du lịch nông nghiệp thực hiện chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đa mục đích theo Luật Đất đai mới sửa đổi; Đẩy mạnh hướng dẫn, triển khai, thực hiện các nội dung hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 09/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025;

Thứ hai là hỗ trợ thúc đẩy các chủ thể phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp (Khảo sát, đề xuất giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm du lịch, các tuyến kết nối du lịch gắn với tài nguyên du lịch là đỉnh núi, thác nước tại Bát Xát, Sa Pa; khảo sát và xây dựng sản phẩm du lịch “nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe” gắn với cây thảo dược và nông nghiệp tại xã Y Tý. Nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới với thương hiệu “Du lịch Bản làng Bắc Hà”; thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm OCOP (trong đó có cả sản phẩm dịch vụ du lịch OCOP), đa dạng mẫu mã, bao bì, thuận tiện và đáp ứng tiêu chí du lịch (đối với điểm bản hàng du lịch đạt chuẩn, điểm kinh doanh du lịch đủ tiêu chuẩn…). Ngân sách nhà nước cần hỗ trợ công cụ khoa học (về kiểm nghiệm, đánh giá và công nhận cho sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm dược liệu bản địa). Đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn chủ thể có tiềm năng phát triển sản phẩm mới theo hướng sản phẩm du lịch xanh, sản phẩm du lịch nông nghiệp sách, sản phẩm thảo dược và thực phẩm chăm sóc sức khỏe v.v… Nghiên cứu bố trí nguồn lực từ 3 chương trình Mục tiêu quốc gia hiện nay có thể lồng ghép, hỗ trợ nội dung này.

Thứ ba là tăng cường truyền thông, quảng bá và thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, du lịch dược liệu, du lịch trải nghiệm ẩm thực bản địa, hướng đến tâm lý ẩm thực sạch, an toàn, tốt cho sức khỏe. Định hướng, khuyến cáo, khuyến khích các nhà hàng, các hộ kinh doanh sử dụng nguyên liệu đặc sắc địa phương, đảm bảo an toàn thực phẩm, ưu tiên phát triển các món ăn gắn với thảo dược, bài thuốc địa phương v.v…

Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu quảng bá du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng. Xây dựng một số khung chương trình truyền hình nhằm truyền thông, quảng bá tiềm năng du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp của tỉnh Lào Cai trên sóng truyền hình quốc gia VTV Truyền hình Việt Nam năm 2024. Tổ chức đón các đoàn Famtrip, Mediatrip đến khảo sát, quảng bá du lịch; Phối hợp các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch nông thôn; Quảng bá du lịch nông thôn trên các trang quảng bá thông tin du lịch của tỉnh (Cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai – dulichlaocai.vn, Cổng du lịch thông minh tỉnh Lào Cai – laocaitourism.vn, Trang thông tin du lịch Tây Bắc – dulichtaybac.vn, Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai – doingoailaocai.vn, Trang thông tin du lịch dành cho thị trường nước ngoài – sapa-tourism.com và Fanpage dulichlaocai); Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới trên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Twiter, Instagram, Tiktok, Zalo,…Hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Thứ tư là định hướng và ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp dựa vào cộng đồng, cũng như phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng. Nhân rộng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng, hình thành các HTX, Tổ hợp tác, Ban quản lý của cộng đồng, xây dựng quy chế, hương ước về phát triển du lịch đảm bảo yếu tố Bảo tồn, cộng đồng cùng có lợi. Thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị lữ hành và các điểm đến với vai trò bà đỡ là các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh để điều phối khách du lịch, xây dựng “thực đơn du lịch” phong phú, độc đáo cho từng thôn, xã để giảm cạnh tranh, hạn chế giảm giá thành. Tổ chức các lớp tập huấn về giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tập huấn kỹ năng sử dụng các phần mềm áp dụng cho các cơ sở lưu trú về công tác thống kê và dự báo thị trường; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật và nâng cao kiến thức về Công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 vào du lịch và du lịch thông minh. Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh.

Kết luận

Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, chúng ta có lợi thế về nông nghiệp và Lào Cai cũng thế. Thế giới đang dịch chuyển từng ngày, nhu cầu đi du lịch tại các vùng nông nghiệp, nông thôn, trải nghiệm bản thân ở rừng núi, ở giữa thiên nhiên giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta khỏe mạnh. Chương trình nông thôn mới đang được triển khai đồng bộ trên cả nước, nên việc khai thác các tiềm năng thế mạnh nông nghiệp để phát triển du lịch là phù hợp chủ trương định hướng lớn của Việt Nam. Đồng thời, khai thác tốt tiềm năng dược liệu Lào Cai gắn với du lịch nông nghiệp chắc chắn là phù hợp xu thế chung của du lịch hiện nay, hướng đến cuộc sống khỏe mạnh, yên bình, chữa lành tâm thức do áp lực cuộc sống khu vực thành thị cho du khách, từ đó tạo thêm nguồn thu, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho cư dân nông thôn, góp phần quan trọng để xây dựng nông thôn mới. Có như vậy, việc phát triển du lịch dựa vào nông nghiệp mới vừa đón bắt được xu hướng, vừa khai thác được thế mạnh địa phương, vào tạo sản phẩm, tạo sinh kế, tạo thu nhập thì sẽ góp phần quan trọng vào phát triển nông thôn mới, tạo hướng đi bền vững cho du lịch và nông nghiệp tỉnh Lào Cai.

PTT

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons