1. Kéo co
Kéo co là trò chơi mang tính tập thể cao, có từ lâu đời và có sự tham gia của nhiều người. Hai đội mỗi bên có số người như nhau sẽ cùng kéo một sợ dây, bên nào lôi được những người bên kia qua vạch ngăn trước thì bên ấy thắng. Trò chơi này tuy đơn giản nhưng tạo được không khí cực kỳ vui nhộn, các đội phải đoàn kết hợp lực nhịp nhàng cùng nhau mới có thể dành chiến thắng. Trò này không chỉ có đàn ông, mà chị em phụ nữ hay trẻ em đều có thể tham gia.
Trò chơi kéo co trong lễ hội của người Tày ở Bắc Hà
2. Đẩy gậy
Đẩy gậy cũng là một trò chơi dân gian thú vị. Đây là môn thể thao thường xuyên được tổ chức trong những dịp lễ tết. Chỉ với một cây gậy thi đấu làm bằng gỗ tốt, thẳng hoặc một đoạn tre già dài khoảng 2m là đã đủ dụng cụ để bắt đầu trò chơi đẩy gậy. Trò chơi này đòi hỏi sức khỏe dẻo dai và sự khéo léo, nhanh nhạy để có thể đẩy được đối phương ra khỏi vòng tròn và dành chiến thắng.
3. Chơi quay (cù)
Chơi quay (cù) tiếng Mông gọi là tu lu. Nhiều dân tộc chơi trò chơi này nhưng với người Mông phổ biến và đặc sắc hơn. Chiếc cù của người Mông được làm từ loại gỗ cứng, đẽo tròn, đầu dưới
thu nhỏ dần thành nhọn, đầu trên mâm xôi như quả chanh cắt lát hay dạng bán cầu. Khi chơi đánh cù, khu đất được chọn phải bằng phẳng. Người chơi thường dùng dây mềm như vải, dây sợi bông, dây sợi gai, dây sợi đay… khá chắc, buộc vào một đoạn cây cứng có đường kính khoảng 1,5 cm, dài 35 đến 40 cm. Thông thường, chơi cù là một trò chơi tập thể, người chơi phân ra làm hai nhóm, mỗi nhóm từ 1 đến 2 người hoặc nhiều hơn nhưng không quá 04 người mỗi bên.
Trước khi vào cuộc chơi, hai bên cùng đồng thời văng mạnh cù của mình xuống đất để chọn bên thắng bên thua; bên thua cù quay dừng trước cù của đối phương. Khi chọn được bên thua thì bên thua phải văng cù của mình xuống cho bên thắng bắt đầu đánh cù, rồi lần lượt bên thua cho cù mình quay trước để từng người bên nhóm thắng dùng cù của mình văng đập chiếc cù đang quay của đối phương dưới đất, nếu cù của người nào dừng quay trước thì cù của người đó thua và cứ như vậy lần lượt hết số người trong nhóm nếu thắng được đối phương thì đảo lại cho nhóm thứ nhất xuống cù trước, mà nếu nhóm thứ hai vẫn tiếp tục thua thì vẫn phải xuống trước cho đối phương tiếp tục đánh. Trò chơi dân gian đánh cù yêu cầu trước tiên người chơi phải có sức khỏe, tinh mắt và phải tính toán nhanh chuẩn xác mới đánh trúng cù đang quay di chuyển vị trí liên tục của đối phương dưới mặt đất.
4. Ném còn
Ném còn cũng là một trong nhiều trò chơi dân gian phổ biến trong tất cả các lễ hội đầu xuân của người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Địa điểm tổ chức của trò chơi này thường là một bãi đất bằng phẳng và rộng rãi, người ta dựng một cây mai cao từ 9 -15 mét làm cột, trên đỉnh cột là một vòng tròn có đường kính khoảng 50 cm, dán giấy mỏng. Quả còn là vật dụng chính của trò chơi, sẽ được người chơi của 2 đội ném qua lại, làm sao lọt qua vòng tròn được dán dấy phía trên cao. Trò chơi ném còn không phân biệt lứa tuổi, nên rất nhiều người hào hứng tham gia.
Trò chơi ném còn của người Tày Bắc Hà
5. Đánh đu
Đánh đu là một trò chơi vô cùng phổ biến ở vùng cao Bắc Hà, đặc biệt trong lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) của người Tày. Trò chơi được rất nhiều bà con cũng như du khách yêu thích, không chỉ có các em nhỏ mà cả người lớn cũng hào hứng tham gia. Trong trò chơi này, cây đu là phương tiện chính của trò chơi, được dựng lên từ những cây tre hoặc cây gỗ vừa cao, vừa chắc, dùng dây rừng buộc chụm lại trên đỉnh. Hai cây tre làm cần đu, được treo từ trên đỉnh cây đu, vừa tay cầm. Ngoài ra cần có bàn đu để gắn với cần đu, đủ để 2 người đứng. Khi đu càng nhún mạnh thì đu càng lên cao từ bên nọ sang bên kia. Ở nhiều nơi, người ta còn treo phần thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải.
Trò chơi này ngoài tính thể thao, rèn luyện và giải trí, còn là dịp để trai gái giao lưu, gần gũi, tỏ tình với nhau nhất là những ngày lễ hội và những dịp xuân về.
Trò chơi đánh đu trong lễ hội Lồng Tồng của người Tày
6. Hát ống
Cũng giống nhiều trò chơi khác, hát ống có ở nhiều dân tộc như Mông, Dao. Trò chơi này thường có ở những ngày hội chơi xuân. Tên gọi hát ống cũng xuất phát từ chính dụng cụ để hát. Người ta dùng ống nứa, tre cắt ngắn khoảng 10 cm. Một đầu được bịt bằng da ếch hoặc môt loại giấy dai và mỏng, một đầu để trống. Hai ống được nối với nhau bằng một sợi chỉ dài khoảng 50m. Mặt được bịt da ếch có dùi một lỗ nhỏ, hai sợi chỉ luồn vào lỗ dùi trên mặt trống, đầu có buộc một mẩu tăm để đầu dây khỏi tụt và có thể kéo căng dây khi nói và hát.
Với cách làm như vậy, ống nứa trở thành phương tiện giao lưu tình cảm khá hấp dẫn và thú vị. Khi hát hoặc nói chuyện, một người hát hoặc nói vào ống, người kia áp tai vào một đầu ống nghe.
Trong các cuộc hát ống, thanh niên nam nữ có thể hát giao duyên, hát để tìm hiểu nhau. Hát ống là trò chơi đơn giản, phương tiện thô sơ, nhưng rất vui và thu hút được nhiều người tham gia, kể cả người lớn tuổi. Trẻ em và thanh niên tham gia trò này nhiều hơn cả. Nhiều nam nữ tham gia hát ống đã nên đôi nên lứa. Có thể nói, đây là trò chơi dân dã, nhưng đậm bản sắc truyền thống, có ý nghĩa giáo dục và nhân văn sâu sắc.
7. Đánh én (yến)
Đánh én (đánh yến) là trò chơi phổ biến của đồng bào Mông. Dụng cụ chơi gồm có quả yến và bàn đánh. Khi chơi người ta tung con yến lên không trung, dùng bàn yến đánh qua lại giữa 2 người chơi để đỡ được con yến vào đúng bàn đánh, không để yến rơi xuống đất. Người chơi chỉ tung con yến và dùng bàn yến đánh qua lại giữa bạn và mình.
Nơi chơi yến là một bãi đất trống được chọn trước cho ngày hội đánh yến. Bàn đánh yến được làm bằng gỗ xoan, sa mộc, thông… phải bảo đảm vừa nhẹ, vừa chắc và khó vỡ, nhìn tổng thể gần giống với cái la-két bóng bàn. Con yến được làm từ lá dứa dại, lá cây đao hoặc một đốt của cây trúc và lông gà. Để cho con yến đẹp, lông gà cắm vào con yến phải được chọn từ con gà trống hoặc gà lôi rừng có hoa. Con yến khi đánh lên không trung có thể bay xa hay bay gần, phù hợp với người chơi là người già hay thanh niên.
Đánh yến chỉ cần có hai người và một bãi đất bằng không rộng lắm, nếu có nhiều người chơi thì cần bãi đất rộng hơn. Trên những khoảng đất trống, từng đôi một chuyền những cánh yến yêu thương cho nhau, ánh mắt nhìn nhau vấn vương, nụ cười e lệ, má ửng hồng duyên dáng. Đối với người Mông, trò chơi đánh yến không chỉ là một trò chơi dân gian mà nó còn có là một hình thức giao duyên tìm hiểu của trai gái.
Thu Thủy (ảnh Phan Phượng)