Thành phố trẻ Lào Cai đang từng ngày thay da đổi thịt trong quá trình hội nhập và phát triển. Trong đó, du lịch tâm linh là thế mạnh của thành phố Lào Cai, với nhiều đền, chùa nổi tiếng được xây dựng xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Hãy cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu và tham quan các ngôi đền, chùa nổi tiếng tại thành phố Lào Cai, tìm hiểu về phong tục, tín ngưỡng tôn giáo gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt từ lâu đời.
Đền Thượng
Đền Thượng được tọa lạc trên đồi Hỏa Hiệu (đỉnh Mai Lĩnh) có độ cao 1.200m so với mực nước biển. Đền dựa vào thế núi phía trước là sông Nậm Thi hiền hòa trong xanh, nơi đây được xem như một bức tranh sơn thủy hữu tình…Đền Thượng Lào Cai có tên Thánh Trần Từ thuộc phố Bảo Thắng, châu Thủy Hoa, tỉnh Hưng Hóa nay thuộc phường Lào Cai, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Đền được xây dựng vào thời Lê, niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705) là nơi thờ Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn. Theo truyền tụng của nhân dân địa phương và căn cứ một số tư liệu, thư tịch, vào tháng 9 năm 1257, biết được giặc Nguyên đang có âm mưu xâm lược nước ta, chủ trại vùng đất Quy Hóa, tên gọi một thời của vùng đất Lào Cai, họ Hà, tên Khuất cho người về kíp báo với triều đình. Nhà Trần tức tốc điều binh lên trấn ải biên thùy. Nhà Trần tức tốc điều binh lên trấn ải biên thùy. Trần Quốc Tuấn đích thân đốc quân theo hữu ngạn sông Cái, tức sông Hồng lên thị sát và phòng thủ biên cương. Cả ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy tài tình của vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, đều có sự đóng góp công lao không nhỏ của nhân dân các dân tộc vùng đất này. Năm 1794, giặc Thanh sang cướp nước ta. Tại vùng đất Lão Nhai này, ông Hoàng Làng (tức ông Sét) đã chiêu mộ bính lính đánh đuổi giặc, đồng thời lập đền thờ vọng Đức Thánh Trần, cầu mong vong linh Ngài giúp sức. Đền thờ được xây dựng đơn sơ ngay chân đồi Hiệu. Năm 1836, dân làng Lão Nhai đã góp công, góp của tôn tạo, cơi nới ngôi đền. Ngoài việc thờ vọng Đức Thánh Trần, nhân dân còn thờ phụng Thành hoàng làng (có tên nôm là Sét, một danh tướng của Trần Hưng Đạo đã có công lớn trấn giữ bờ cõi và hướng dẫn muôn dân làm ăn, buôn bán). Đến năm 1917 (năm Khải Định thứ 2), các bô lão và dân chúng lại tôn tạo, ngôi đình thêm mở rộng quy mô để tỏ lòng ngưỡng vọng các bậc thánh hiền, cũng tỏ rõ ý chí noi theo các bậc tiền nhân mà giữ gìn bờ cõi.
Đền Thượng đã được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1996. Hàng năm, Đền Thượngtổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái.
Đền Mẫu
Đền Mẫu Lào Cai nằm trong quần thể di tích lịch sử, văn hoá tâm linh ở thành phố Lào Cai, Đền Mẫu thờ Liễu Hạnh công chúa (theo tin ngưỡng gọi Thánh Mẫu Liễu Hạnh), một nhân thần giàu lòng nhân ái, trừ tà, diệt ác, cứu giúp dân nghèo, phù giúp cho triều đình chống giặc ngoại xâm bảo vệ vùng biên ải thiêng liêng của Tổ quốc. Đồng thời, Bà là người Mẹ linh kiệt trong tiềm thức dân gian của dân tộc Việt Nam.
Từ xa xưa, người dân nước Việt đã phong bà là Mẫu Nghi Thiên hạ, với ước nguyện Thánh mẫu giúp cho “Thiên hạ Thái Bình- Quốc thái dân an- Phong đăng hoà cốc”. Thánh mẫu Liễu Hạnh in sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và Lào Cai ta nói riêng từ thế kỷ thứ 16. Mẫu Liễu Hạnh là một biểu tượng sinh động trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại rất linh thiêng trong đời sống tâm thức của người Việt Nam.
Tiệc chính Mẫu đệ Nhất Liễu Hạnh được tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Với ý nghĩa đó, Đền Mẫu và Đền Thượng hợp thành một quần thể Di tích tâm linh, và là “thương hiệu” du lịch đầu xuân của tỉnh Lào Cai trong tuyến Du lịch về cội nguồn. Trải qua trên 200 năm tồn tại, Đền Mẫu gắn liền với những giá trị lịch sử của dân tộc, với những nét văn hoá mang đậm bản sắc và là cột mốc tâm linh nơi địa đầu biên giới nên Đền Mẫu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cộng nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo QĐ: 325/QĐ-BVHTTDL ngày 26/01/2011. Vì vậy, những giá trị lịch sử và văn hoá đó cần được bảo tồn và phát huy thành tài sản cho muôn đời con cháu mai sau.
Đền Đôi Cô – Chùa Cam Lộ
Đền Đôi Cô và Chùa Cam Lộ tọa lạc ở một vị trí khá đẹp tại thôn Chiềng On, xã Cam Đường thị xã Lào Cai, nay thuộc Phường Bình Minh thành Phố Lào Cai tỉnh Lào Cai. Phía trước là dòng suối trong xanh, cuốn quanh làng Chiềng tựa lưng vào khu đồi “Pú Đối”[1]. Đền Đôi Cô còn được người dân nơi đây quen với cách gọi khác đó là đền “Cô Đôi” Cam Đường. Gắn với di tích đền Đôi Cô là Chùa Cam Lộ tọa lại cùng một hướng tạo nên vẻ đẹp cảnh quan cho di tích và gắn kết chặt chẽ cùng tuyến du lịch tâm linh cho du khách thập phương. Với vị trí tọa lạc của đền và chùa cách trung tâm thành phố Lào Cai 8km, cách bến xe trung tâm Lào Cai 1km, theo hướng đường bộ Nội Bài – Lào Cai đến đầu đường Trần Hưng Đạo, du khách theo hướng Tây Bắc cách 300m là du khách có thể chiêm bái khu di tích đền Đôi Cô và Chùa Cam Lộ.
Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và tín ngưỡng tâm linh của di tích, ngày 26/7/2005 đền Đôi Cô – chùa Cam Lộ được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh, nơi đây là điểm đến vãn cảnh và chiêm bái cho mọi du khách thập phương.