Nơi đây là mái nhà chung của 14 dân tộc anh em cùng sinh sống như: Dao, Giáy, Hà Nhì, Mông… với những bản sắc văn hóa độc đáo. Đặc biệt vùng cao Bát Xát có khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên kì vĩ. Đặc biệt Bát Xát có các di tích danh thắng nổi tiếng như: Thung lũng ruộng bậc thang Thề Pả Y Tý, động Mường Vi, di tích lịch sử Đền Mẫu (Trịnh Tường) và sở hữu nhiều điểm, tuyến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như A Lù, Ngải Thầu, Mường Hum, Dền Sáng, núi cao Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn.
Những giá trị văn hóa đặc sắc của 14 dân tộc anh em: Dao, Giáy, Hà Nhì, Mông… được thể hiện qua những lễ hội truyền thống như: Lễ hội Khu Già Già, lễ Gạ Ma Do của người Hà Nhì ở Y Tý; lễ Khoi Kìm của người Dao; Lễ hội xuống đồng của người Giáy…; và nghề truyền thống độc đáo của các dân tộc (nấu rượu, ủ bia, đan lát, kéo bạc). Du khách đến với Bát Xát đều rất hứng thú với các sản phẩm từ bạc của đồng bào Dao ở Dền Sáng, với các sản phẩm giỏ xách, mâm mây của người Hà Nhì, với rượu thóc San Lùng, với lễ hội Khô Già Già, Gạ Ma Do của người Hà Nhì…. Chính từ nhu cầu của du khách đã thúc đẩy người dân lưu giữ các nghề truyền thống như kéo bạc, đan lát, nấu rượu và lễ hội của dân tộc mình.
Vì vậy, khi đến với Bát Xát, khách du lịch không chỉ được nhìn, ngắm cảnh đẹp mà còn được khám phá, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc. Điều đó đã giúp Bát Xát vừa khai thác các giá trị sản phẩm văn hóa vừa bảo tồn, phát triển những giá trị văn hóa đang ngày càng bị mai một hoặc bị phá hủy bởi thời gian hay bởi sự lãng quên của người dân bản địa. Nếu không có du lịch thì các lễ hội chỉ đơn thuần có giá trị lịch sử, nghệ thuật hay khoa học không thể đóng góp giá trị kinh tế nhất định cho nền kinh tế của huyện. Cho nên việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hướng đi bền vững cho địa phương, theo đó các giá trị văn hóa giúp cho du lịch phát triển, mặt khác du lịch được xem là phương thức có hiệu quả nhất trong việc bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn thu từ du lịch sẽ là đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo tồn của chính những giá trị văn hoá, góp phần tích cực trong việc phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nghề truyền thống. Như vậy có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di sản văn hóa và du lịch.
Nhận thức được mối quan hệ gắn bó mật thiết, tương trợ lẫn nhau giữa du lịch và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc để xây dựng môi trường du lịch bền vững. Bát Xát đã cụ thể hoá vào đề án “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc giai đoạn 2016 – 2020”. Trong đó, Bát Xát sẽ chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức hoạt động và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể đã được công nhận, tổ chức sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn các di sản còn lưu giữ trong cộng đồng các dân tộc. Với mục tiêu cụ thể là duy trì tổ chức tốt lễ hội truyền thống: Lễ hội xuống đồng, lễ hội Pút tồng, Lễ hội Khô già già, Lễ cúng rừng của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Dao… nhằm khai thác phát triển du lịch.
Đồng thời, trong phát triển sản phẩm du lịch Bát Xát cũng ưu tiên chú trọng đến xây dựng điểm du lịch cộng đồng của các dân tộc như: Hà Nhì, Giáy, Dao ở các xã Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung, Mường Hum, Bản Xèo. Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nghề truyền thống như: làng nghề nấu rượu, làng nghề miến dong, nghề kéo bạc, đan mây… với mục tiêu tạo cho du khách đến với mỗi làng nghề lại có những sản phẩm quà tặng du lịch khác nhau, nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút du khách. Song song với phát triển làng nghề địa phương cũng chú trọng xây dựng, bảo tồn, khôi phục, tái hiện lại hoạt động lao động sản xuất trước đây như giã gạo nước, cọn nước, đồng thời xây dựng các chương trình văn hóa văn nghệ đặc sắc của dân tộc vùng cao Giáy, Mông, Hà Nhì, Dao
Bát Xát cũng xác định nhiệm vụ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là: Xây dựng kế hoạch kiểm kê phân loại di sản văn hóa phi vật thể, đi sâu và tập trung và các dân tộc như dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì; Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc (lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các tiết mục múa, nghề truyền thống…); Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện: Di tích động Mường Vi, danh thắng ruộng bậc thang Y Tý – Ngải Thầu; Gìn giữ, sưu tầm, bảo tồn trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất, tranh ảnh, sách cổ, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc như: Dân tộc Dao, Giáy, Hà Nhì, Mông…; Bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống các dân tộc gắn với làng văn hóa – du lịch (Kiến trúc nhà trình tường của dân tộc Hà Nhì); Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật một số dân tộc thiểu số (Nghệ thuật múa khèn dân tộc Mông; Nghệ thuật âm nhạc dân tộc Dao); Bảo tồn và phát triển một số lễ hội truyền thống Lễ hội khô già già của Hà Nhì, Lễ hội Róong Pọoc (Xuống đồng) của người Giáy, Tết cơm mới dân tộc Giáy, lễ hội Pút Tồng của người Dao, lễ cấp sắc của người Dao, Lễ cúng rừng của các dân tộc, …). Bên cạnh đó tiếp tục duy trì tổ chức tốt các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian (Bắn nỏ, ném còn, kéo co, đẩy gậy, trò chơi nhảy vòng của dân tộc Hà Nhì…).
Có thể nói văn hóa là chìa khóa, là điều kiện cốt lõi để du lịch phát triển bền vững. Với phương châm biến di sản thành tài sản, Bát Xát đã xây dựng những giải pháp trong việc phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Tin rằng với những phương hướng trên, du lịch Bát Xát sẽ ngày càng phát triển bền vững, là lựa chọn ưu tiên của du khách mỗi khi đến với Lào Cai./.