Năm 2018, lễ hội Khô già già sẽ được tổ chức từ ngày 23 đến 27/7 tại các thôn bản người Hà Nhì tại các xã: Nậm Pung; Trịnh Tường; A Lù và xã Y Tý Huyện Bát Xát.Đây là lễ hội cầu mùa lâu đời và lớn nhất của người Hà Nhì Đen, được tổ chức từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) của tháng 6 âm lịch hàng năm. Lễ hội là sự thể hiện niềm tin đặc biệt vào các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp của cộng đồng người Hà Nhì. Lễ hội thể hiện niềm mong cầu về một mùa vụ bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để con cháu tìm về với tổ tiên, với ông bà, cha mẹ và cũng là dịp các thành viên trong cộng đồng giao lưu, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng.
Mở đầu của lễ hội Khô già già là nghi lễ lợp lại mái lán thờ, mổ trâu hiến tế cho thần linh tại khu rừng công viên “à gơ la do” nằm ở cuối bản, sau đó chia thịt trâu cho các gia đình trong thôn mang về làm lễ cúng tổ tiên, cầu mong tổ tiên bảo vệ gia đình, bảo vệ con cháu trong cả năm.
Sau nghi lễ mổ trâu ngày con rồng “lò no”, đến ngày con rắn “sê no” dân bản cử người lên rừng chặt gỗ làm đu quay “a gúy” và lấy dây rừng làm đu dây “a gừ”. Đến ngày con ngựa “mò no”, hai ông thầy cúng “gạ ma guy” cùng đại diện các gia đình trong thôn chuẩn bị mâm lễ mang ra lán thờ để cùng làm lễ tế thần nông nghiệp, quy định chỉ những gia đình “sạch” mới được tham dự. Vị trí làm lễ là cột đu “a gúy” và đu dây “a gừ”, mục đích của nghi lễ này nhằm cầu mong thần nông nghiệp, thần nước phù trợ, ban cho mưa thuận gió hòa, ban cho người dân có được một mùa vàng bội thu.
Đồng thời, nghi lễ này cũng là nhằm cầu mong thần linh bảo vệ cho tất cả mọi người đến dự lễ hội, tham gia vào các trò chơi được an toàn. Sau lễ cúng tại các cột đu “a gúy”, “a gừ”, các mâm cúng của dân bản được mang vào khu lán thờ để cùng nhau ăn uống, những người trẻ tuổi sẽ mời rượu và làm lễ xin tuổi của người già, đây là một tập tục đã có từ lâu. Nó vừa mang yếu tố kính trọng người già của người trẻ, chúc sức thọ cho người gia và cầu mong người già ban cho phúc lộc. Sau đó, dân bản được tự do vui chơi trong suốt 3 ngày. Đây cũng là nghi lễ duy nhất phụ nữ được đến tham dự, nam nữ thanh niên được tự do tìm hiểu nhau.
Sau lễ hội Khô già già, các gia đình trong thôn cùng kiêng trong 3 ngày, không chặt cậy, cắt cỏ, băm chặt… ai vi phạm sẽ bị phạt theo quy ước thôn. Có thể nói, lễ hội Khô già già hàm chứa các lớp tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, được trao truyền từ đời này qua đời khác. Đến với lễ hội, du khách được tham quan, trải nghiệm, khám phá văn hóa độc đáo của người Hà Nhì Đen, chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo, những bộ trang phục đầy sắc màu và hòa mình vào không gian của lễ hội.
Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen hàm chứa các lớp tín ngưỡng, văn hóa sâu sắc, được trao truyền từ đời này qua đời khác, gắn kết các gia đình, thành viên trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát. Hiện nay, Lễ hội Khô già già của người Hà Nhì đen đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm.
Cùng ngắm những hình ảnh đẹp, ấn tượng về Lễ hội Khô già già và chờ tới ngày 23/7 nhé!