Đó là ý nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy tại Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, Tuần Du lịch – Văn hóa tỉnh Lai Châu năm 2023.
Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người
Tối 3/11, tại Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân 11 tỉnh, thành phố long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I.
Phát biểu khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh: Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người là di sản quý giá. Đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay xây dựng, củng cố. Đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Lai Châu, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Thông qua các hoạt động của Ngày hội tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hoá, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc rất ít người có cơ hội, điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Đến với Lai Châu, đến với ngày hội này, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào không khí sôi động, được tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa; Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; Trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; Hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và Chương trình gặp mặt tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia ngày hội.
Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa các dân tộc tại Lai Châu
Đến với ngày hội này, người dân và du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng nét đẹp của những bộ trang phục truyền thống, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu; được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ; được cùng trải nghiệm, tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa của Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023 như: Chương trình Famtrip khảo sát và kết nối các doanh nghiệp lữ hành trong nước, 3 tỉnh bắc Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng) và Châu Hồng Hà tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; Không gian trưng bày, quảng bá, giới thiệu trà, sâm, lan và sinh vật cảnh; giải đua mô tô địa hình tỉnh Lai Châu mở rộng lần thứ I; giải Dù lượn đường trường PuTaLeng Việt Nam và leo núi “Chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn” mở rộng…
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Văn Lương – Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết: Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Lai Châu cũng là một trong những điểm đến hấp dẫn để du khách có thể trải nghiệm và khám phá. Trên địa bàn tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh tươi đẹp, hùng vĩ như: Động Pusamcap, khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây, thác Tác tình, cao nguyên Sìn Hồ. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu có 6/10 đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, đó là: Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Bạch Mộc Lương Tử, Phàn Liên San, Tả Liên Sơn và Pờ Ma Lung, với độ cao đều trên dưới 3.000m.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người nói riêng về cả vật chất và tinh thần là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đại diện tỉnh Lai Châu bày tỏ sự phấn khởi, vinh dự và tự hào được chọn là nơi đăng cai tổ chức ngày hội này. Đây là cơ hội quý báu để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh, phát huy những giá trị cốt lõi về văn hóa truyền thống tốt đẹp của 14 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người, đến từ 11 tỉnh trong cả nước.
Thanh Ngân – Tuấn Hùng