Ngày 19 tháng 5 năm 2024 Tỉnh uỷ Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2024 – 2030, định hướng đến năm 2035.
Theo Nghị quyết số 17-NQ/TU, mục tiêu chung Phát triển Sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Du khách thăm vườn trồng Sâm Lai Châu của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh.
Du khách cực kỳ thích thú khi thăm quan vườn Sâm Lai Châu xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là: Xây dựng vườn sưu tập nguồn gen Sâm Lai Châu làm cơ sở xây dựng từ 01 đến 02 vườn giống gốc tại một số vùng sinh thái điển hình thuộc huyện Mường Tè và Phong Thổ, Sìn Hồ hoặc Tam Đường; Phát triển vùng trồng Sâm Lai Châu toàn tỉnh đạt khoảng 3.000 ha, tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và một số vùng có khả năng thích ứng. 100% diện tích trồng Sâm Lai Châu được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; Sản lượng khai thác Sâm Lai Châu năm 2030 đạt khoảng 30 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 100 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới) hoặc tương đương; Thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng từ 01 đến 02 cơ sở chế biến và chế biến sâu theo quy mô công nghiệp các sản phẩm từ Sâm Lai Châu, gắn với vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo chuỗi, trong đó khoảng 50% cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (Thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế thế giới) hoặc tương đương; Hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các hạ tầng thiết yếu tại các vùng trồng tập trung.
Định hướng đến năm 2035: Phát triển Sâm Lai Châu cùng với Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia, có giá trị xuất khẩu cao tiến tới mang thương hiệu quốc tế, tạo nguồn thu quan trọng cho tỉnh.
Có các nhiệm vụ trọng tâm như: Bảo tồn, phát triển nguồn giống Sâm Lai Châu; Phát triển vùng nguyên liệu tập trung; Thúc đẩy chế biến, kinh doanh Sâm Lai Châu bền vững theo chuỗi giá trị; Xây dựng, phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; Phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Lai Châu.
Với các giải pháp chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp, tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với chương trình phát triển Sâm Lai Châu; Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu; Về khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực; Về bảo tồn, phát triển nguồn giống, cơ sở sản xuất giống; tổ chức sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu; Chính sách phát triển Sâm Lai Châu; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý; Về phát triển thị trường và mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế; Huy động các nguồn lực đầu tư; Chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong triển khai nhiệm vụ Chương trình phát triển Sâm Việt Nam tại tỉnh.
Một số hình ảnh Sâm Lai Châu:
Quả Sâm cũng có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Lá, nụ hoa của sâm dùng làm trà uống có tác dụng kích thích tiêu hoá, an thần.
Một góc vườn Sâm được bảo tồn nhân giống tại xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ.
Trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 17-NQ/TU:
Tin, ảnh: Nguyễn Hà