Thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm Môn – Khơme, dân tộc Mảng cư trú tập trung thành cộng đồng (bản) duy nhất ở tỉnh Lai Châu, trên dải đất vòng cung sông Đà và sông Nậm Na (Chủ yếu ở các bản………….). Tuy đời sống vật chất có nhiều khó khăn, nhưng họ lại có tâm hồn lãng mạn, trữ tình đầy phóng khoáng mà biểu hiện rõ nét nhất là phong tục yêu đương của trai gái người Mảng. Người Mảng không ép buộc trong hôn nhân, những đôi “phải lòng nhau” được tự do hẹn hò. Ban ngày đi nương, họ cùng nhau trao đổi tâm tình, đêm về hẹn hò bên sườn đồi hay bờ suối để dành cho nhau những bản nhạc sáo trữ tình.
Sau một thời gian tìm hiểu, nếu đồng ý, họ sẽ trao cho nhau những kỷ vật để làm tin, như vòng cổ, nhẫn, vòng tay, hoa tai bạc, đôi khi là những chiếc giỏ to để đựng quần áo,… Khi đã trao và nhận những vật đó, nghĩa là họ đã chuyển thông điệp tới mọi người mình đã có nơi, có chốn. Lựa ngày lành, đôi trai gái sẽ thông báo với cha mẹ để tiến hành lễ ăn hỏi (bó chạ).
Để làm lễ ăn hỏi, nhà trai chọn ngày tốt nhờ các ông bà mối đem lễ vật sang nhà gái làm lễ ăn hỏi. Lễ vật đem sang nhà gái xưa phải có 23 đồng bạc trắng, ngoài ra còn phải có rượu, 2 bó thịt chuột sấy khô: một bó 6 con và một bó 10 con, nếu không có chuột sấy khô thì có thể thay bằng cá da màu trắng sấy khô với số lượng tương đương.
Nhà gái ở xa thì đoàn ăn hỏi phải đi từ lúc mặt trời mọc, nếu ở gần hay cùng bản thì đoàn ăn hỏi phải ra khỏi nhà vào lúc 3 giờ chiều, họ cho rằng đó là giờ may mắn có thể đem lại hạnh phúc cho đôi trẻ. Chàng trai là người đi đầu, tiếp sau đó là ông bà mối rồi tới những người cùng đi, trật tự này được giữ nguyên trên suốt dọc đường. Trên đường đi, những người trong đoàn có thể nói chuyện với nhau nhưng không ai được bắt chuyện hay trả lời người qua đường vì cho rằng làm thế thì hôn nhân của đôi trai gái sẽ không may mắn, gặp nhiều phiền toái và khó khăn trong cuộc sống. Khi đi cũng như khi hành lễ, các ông mối phải đội mũ các bà mối phải mặc trang phục truyền thống. Trong các lễ thức của hôn nhân dù hai nhà ở sát nhà nhau họ vẫn phải ra khỏi nhà lúc 3h chiều đi vòng quanh bản (nếu là gần) và phải dừng ở chỗ nào đó lấy xôi mang theo ra ăn, chàng trai ăn nắm xôi nhỏ còn các pò sứ ăn nắm xôi to. Nếu ăn thừa phải bỏ lại, sau đó mới vào nhà gái.
Khi tới nhà gái, đoàn ăn hỏi dừng ở gần cầu thang chính, quỳ xuống hướng mặt về nhà gái, chàng trai lên tiếng gọi vọng vào nhà: “bố ơi nhà có kiêng không ?”. Chàng trai gọi như vậy 3 lần, đến khi nhà gái đáp lời: “nhà không kiêng đâu, lên nhà hút thuốc” thì đoàn nhà trai mới được lên nhà. Các ông mối và chàng trai lên nhà bằng cầu thang chính và ngồi ở bàn riêng dành cho nam ở gian khách, hai bà mối lên nhà bằng cầu thang phụ và ngồi ở bếp phụ, chàng trai thì đi vào buồng của cô gái. Lúc bàn chuyện, sáu ông mối cùng bố cô gái đóng vai trò quan trọng còn bốn bà mối chỉ hỏi thăm nhau. Sau khi uống rượu họ bắt đầu xem chân gà để đoán định việc tốt xấu, thông thường 2 ông mối cả sẽ tiến hành việc này. Họ ngồi đối diện nhau, miệng đọc bài cúng, đại ý: chúng tôi xem chân gà, đầu gà, xem đôi trẻ có lấy được nhau không, cầu ma, thần linh phù hộ cho đôi trẻ. Cũng như khi xem bói ở nhà trai, nếu lưỡi gà thẳng, chân chụm lại là tốt. Sau đó, hai bên nói chuyện xin phép để cho đôi trai gái được tìm hiểu, qua lại cho quen thân hơn.
Khi nhà gái đã đồng ý, hai bên bàn về chuyện trăm năm của đôi trẻ gồm số đồ dẫn cưới mà nhà trai phải mang sang nhà gái vào ngày cưới, số năm ở rể và số của hồi môn của cô gái khi về nhà chồng. Bàn xong, mọi người cùng nhau nâng chén rượu chúc mừng đôi trẻ và hai gia đình. Trong tiệc rượu, họ lại say sưa hát cho nhau nghe những bài dân ca truyền thống.
Ngày nay, dù đời sống xã hội có nhiều đổi thay, nhưng phong tục yêu đương và lễ ăn hỏi truyền thống vẫn được người Mảng duy trì, nhờ đó bản sắc của họ vẫn được bảo lưu, gìn giữ.
Bùi Quốc Khánh