Du lịch Tam Đường đang khởi sắc từng ngày và dần trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi đến Lai Châu với rất nhiều “tọa độ” du lịch ấn tượng như: Cọn nước Nà Khương, “miền đất hứa” Nùng Nàng, đỉnh Pu Ta Leng, thác Tác Tình…
Tam Đường là huyện cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ cùng với những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của 12 dân tộc anh em. Tận dụng những lợi thế này, địa phương không ngừng đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng những điểm đến ấn tượng, mang đậm dấu ấn vùg cao Tây Bắc. Vài năm trở lại đây, Tam Đường được đánh giá là điểm dừng chân lý tưởng cho chuyến hành trình về với những đỉnh núi kỳ vỹ của miền biên viễn Lai Châu. Xin phép được giới thiệu đến du khách thập hương một số “tọa độ” du lịch ấn tượng ở vùng đất Tam Đường xinh đẹp:
Cọn nước Nà Khương
Cọn nước Nà Khương thuộc bản Nà Khương (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Thái. Mỗi cọn nước tựa như một chiếc bánh xe khổng lồ mang dòng nước mát lành về tưới cho những thửa ruộng xanh mướt bên dòng Nậm Mu.
Hiện nay, ngoài “nhiệm vụ” cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, các cọn nước còn trở thành nét đặc trưng riêng biệt của bản Nà Khương và là điểm đến tham quan, chụp hình lý tưởng cho du khách thập phương.
Ở Nà Khương, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cọn nước, du khách còn có thể tìm hiểu nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, thưởng thức các món ăn dân dã như: gà đồi, cá suối, cơm lam, nộm rau rừng… Hay có thể trải nghiệm bắt cá, chế biến cá nướng, tắm suối, chèo bè trên dòng Nậm Mu thơ mộng…
Du khách check-in bên cọn nước bản Nà Khương, huyện Tam Đường, Lai Châu (nguồn ảnh: Cẩm Thanh)
“Miền đất hứa” Nùng Nàng
Nùng Nàng là một xã thuộc huyện Tam Đường, cách trung tâm thành phố Lai Châu khoảng 8km về phía Nam. Đây là nơi sinh sống của 99% người dân tộc Mông. Và hiện nay, họ vẫn giữ được nguyên nếp sống, phong tục tập quán từ lâu đời của dân tộc mình.
Cuộc sống ở Nùng Nàng đối lập hoàn toàn với nhịp sống sôi động ở vùng đô thị. Nơi đây chỉ có những nếp nhà đơn sơ, những người dân tộc Mông với váy áo thổ cẩm thấp thoáng sau vườn cải, nương ngô. Và đây là “tọa độ” lý tưởng cho những ai muốn “đi chữa lành”, hòa mình vào cuộc sống đơn sơ, giản dị của người dân bản địa.
Còn với những du khách thích trải nghiệm có thể đến Nùng Nàng để chiêm ngưỡng khung cảnh núi non hùng vĩ chìm trong biển mây bồng bềnh từ đỉnh Lao Tỷ Phùng; hoặc có thể ghé thăm động Chin Chu Chải kỳ vĩ; hay tìm về miền tâm linh ở khu vực chùa Linh Ứng (đây là ngôi chùa sở hữu diện tích khoảng 5 ha, bao gồm nhiều công trình ấn tượng như cổng Tam quan, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Tăng, giảng đường, Tam Bảo…).
Đứng trên đỉnh Lao Tỷ Phùng, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc. (nguồn ảnh: Thuận Nông)
Đỉnh Lao Tỷ Phùng cũng là điểm du lịch tâm linh của người dân địa phương. (nguồn ảnh: Thuận Nông)
Đỉnh Pu Ta Leng
Pu Ta Leng là đỉnh núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Đỉnh Pu Ta Leng nằm ở độ cao 3.049m – đỉnh núi cao thứ 3 ở Việt Nam sau Fansipan (nóc nhà Đông Dương) và Pu Si Lung.
Nơi đây vẫn còn vẹn nguyên là một cánh rừng nguyên sinh với hệ thống thảm thực vật và động vật vô cùng phong phú. Tất cả đều phát triển tự nhiên, không hề có dấu tác động từ con người. Sự nguyên sơ đã tạo ra một bức họa Pu Ta Leng rực rỡ, thu hút mọi ánh nhìn.
Du khách check- in bên rừng cổ thụ trên đường chinh phục đỉnh Pu Ta leng.
Để chinh phục Pu Ta Leng, các nhà lữ hành phải vượt qua những cung đường khá gian nan. Nhưng nếu vượt qua được, khung cảnh đẹp đến nao lòng của Pu Ta Leng sẽ hiện ra – đó là thành quả cho sự kiên trì của bạn. Chính vì vậy mà có không ít người nói rằng đỉnh Pu Ta Leng là “tọa độ” du lịch đầy thách thức với những nhà lữ hành đam mê khám phá và thử thách.
Bạt ngàn hoa Đỗ Quyên trên đỉnh Pu Ta Leng.
Thác Tác Tình
Thác Tác Tình hay còn gọi là thác Tắc Tình. Tên gọi này dùng để chỉ mối tình trắc trở của đôi trai gái người dân tộc Dao. Họ yêu nhau say đắm nhưng vì khoảng cách giàu – nghèo mà chẳng thể kết duyên cùng nhau.
Theo nhiều nhà lữ hành, vẻ đẹp của thác Tác Tình được sánh với thác Háng Đề Chơ (Yên Bái), thác Phi Liêng (Lâm Đồng), thác Đỗ Quyên (Thừa Thiên Huế). Dòng chảy của thác Tác Tình từ độ cao 1400m uốn lượn tựa như dải lụa trắng ngần đổ xuống lòng hồ phía chân núi. Thác Tác Tình là không gian vô cùng lý tưởng để cắm trại, dã ngoại, thư giãn cuối tuần.
CLB Tam Đường Runner chinh phục thác Tác Tình (nguồn ảnh: Cẩm Thanh)
Với giá trị thẩm mỹ và tiềm năng du lịch, năm 2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu công nhận xếp hạng thác Tác Tình là Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
H. Trang