Mùa xuân chính là thời khắc đẹp nhất của đất trời Lai Châu, khi sắc trắng tinh khôi của những cành hoa mận; màu hồng phai của hoa đào đang đua nhau khoe sắc trên khắp các cung đường hay lấp ló bên mái hiên nhà của người vùng cao và trên khắp dải đất biên cương Lai Châu đồng bào các dân tộc thiểu số lại nô nức đón chào một mùa “Lễ hội” để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở…. Nếu có dịp về Lai Châu du xuân, bạn hãy dành thời gian tham gia lễ hội để cảm nhận rõ hơn sự đa dạng và đặc trưng của văn hoá người vùng cao bạn nhé!
Lễ hội Đền thờ vua Lê Lợi: được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đây là dịp để người dân Lai Châu và du khách thập phương tưởng nhớ công lao to lớn của vị anh hùng giải phóng dân tộc – Vua Lê Lợi. Tuy diễn ra vào ngày 12 tháng Giêng nhưng trong suốt tháng Giêng và cả tháng Hai đền thờ Vua Lê Lợi đều đông vui vì nhân dân và du khách thập phương tìm về để hành hương.
Dâng hương là một trong những nghi thức quan trọng tại Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi
Đến với Lễ hội đền thờ Vua Lê Lợi (thành phố Lai Châu), người dân và du khách không chỉ thỏa mãn ước nguyện cầu may, cầu bình an mà còn được hoà mình vào các nghi thức dâng hương, đánh trống khai hội và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn khác.
Quang cảnh cổng vào đền thờ Vua Lê Lợi thuộc địa phận phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu
Lễ hội Gầu Tào: được tổ chức tại các xã Dào San, huyện Phong Thổ; xã Sà Dề Phìn, huyện Sìn Hồ, xã Tà Lèng, huyện Tam Đường và xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu;… từ ngày 8 Tết đến ngày 15 tháng Giêng (Âm lịch) với 2 phần: phần lễ và phần hội.
Múa Khèn là một trong những nét đẹp văn hoá dân tộc Mông tại Lễ hội Gầu Tào
Phần lễ là nghi thức cúng khai hội để cầu phúc, cầu lộc, tạ trời đất, thần linh phù hộ cho người dân một năm mới mùa màng bội thu, người người khỏe mạnh, nhà nhà có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và nghi thức hát lý mở màn, múa nhạc cụ. Phần hội diễn ra với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Mông như thi văn nghệ, nấu thắng cố, giã bánh dày, các trò chơi bịt mắt đánh chiêng, bịt mắt bắt vịt, ném pao, leo cây nêu và thi đấu môn thể thao dân gian truyền thống…. Đây là một trong những Lễ hội được người dân và du khách mong chờ mỗi dịp tết đến xuân về.
Giã bánh dày là một trò chơi không thiếu tại lễ hội Gầu Tào mà bất kỳ du khách nào khi tham dự Lễ hội đều được trải nghiệm trực tiếp.
Lễ hội Nàng Han: Đây là nét đẹp văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái trắng xứ Mường So, Phong Thổ nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung được nhân dân và du khách thập phương nô nức mong chờ.
Đến Lễ hội du khách có dịp tham gia vòng xoè đoàn kết
Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình nghèo người Thái ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So). Nàng cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc và đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc. Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, để tưởng nhớ công ơn của nàng, nhân dân đã lập miếu thờ và tổ chức lễ hội ngay tại mó nước vào 15/2 âm lịch hàng năm và mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, mùa màng tốt tươi. Năm 2009 Lễ hội được phục dựng và duy trì thường niên hàng năm ở quy mô cấp xã, thu hút đông đảo Nhân dân các dân tộc trong và ngoài khu vực tham dự. Năm 2017, đền thờ Nàng Han được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.
Theo quan niệm người Thái trắng xứ Mường So nước từ mó nước Nàng Han sẽ đem lại may mắn cho mọi người. Vì vậy ai tham gia vào Lễ hội cũng nên rửa tay tại đây để được may mắn.
Lễ hội Tú Tỉ: Theo tiếng Giáy, Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất, lễ hội được tổ chức thường niên vào 2/2 (âm lịch) hằng năm, cũng như các lễ hội khác, lễ hội Tú Tỉ được chia làm 2 phần: Ở phần lễ, thầy cúng là cầu nối giữa Nhân dân và thổ địa. Thầy cúng sẽ cúng lần thứ nhất để mời vị thần cai quản vùng đất về nhận lễ vật dâng cúng và để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cầu cho người dân trong bản được mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị dịch bệnh. Sau khi cúng xong lần một, mọi người sẽ tiến hành mổ lợn và gà tại chỗ, sau đó luộc chín và tiến hành cúng lần hai.
Trình diễn các tiết mục văn nghệ độc đáo của dân tộc Giáy là một phần không thể thiếu của Lễ hội Tú Tỉ
Phần hội diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi với nhiều trò chơi dân gian, nhiều môn thi độc đáo như: Bắn nỏ, kéo co, tó má lẹ, nhảy bao bố, tung vòng cổ vịt…để nhân dân và du khách cùng trải nghiệm và vui chơi.
Lễ hội Then Kin Pang: Được tổ chức thường niên vào ngày 10/3 hằng năm tại xã Mường So, huyện Phong Thổ gồm 2 phần: Phần lễ với các nghi thức cúng, dâng hương, thể hiện lòng biết ơn đối với trời đất, các vị thần linh; Phần hội diễn ra với các hoạt động phong phú, đa dạng, tái hiện lại những nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của người Thái như: Đơm cúc áo cóm, đan chài bắt cá, chế tác đàn tính trong phần thi khéo tay hay nghề; múa trống chiêng truyền thống và các trò chơi dân gian.
Bà Then diễn xướng nghi thức thỉnh Then là một trong nhữn nghi thức rất quan trọng của lễ hội Then Kin Pang
Đặc biệt, 2 nội dung của lễ hội luôn được người dân và du khách đón chờ, phấn khích tham gia là tái hiện “Tục gội đầu của người Thái” và “Té nước cầu may” của các chàng trai, cô gái Thái xứ Mường So bên dòng suối Nậm Lụm.
Tục gội đầu của người Thái
Lễ hội Bun Vốc Nậm: Là nghi lễ truyền thống trong văn hoá tâm linh của người Lào ở huyện Tam Đường được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm để cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, vạn vật tốt tươi, nhà nhà hạnh phúc, bình an và đây cũng là dịp người dân đoàn tụ gia đình, thôn bản và du khách.
Tại phần Lễ: sẽ tái hiện Lễ cúng cầu mùa, Lễ cúng cầu mưa, múa xòe tại bờ suối và thực hiện nghi Lễ té nước; Phần hội gồm các hoạt động: Giao lưu văn nghệ, thi bắt cá suối, thi đua bè và trải nghiệm đi bè trên suối, thi ẩm thực, thi đan giỏ tre, tổ chức các trò chơi dân gian (tung còn, bắt đầu bắt chân, bịt mắt đập chiêng, đi cầu thăng bằng…) mang đậm bản sắc của dân tộc Lào.
Thầy cúng làm lễ rửa tượng Phật với mong muốn tẩy uế, rửa đi hết những bụi bặm và cầu mong những điều mới mẻ, sạch sẽ nhất cho năm mới.
Đến với lễ hội, nhân dân và du khách có dịp tham gia té nước trên dòng suối Nậm Mu để cầu mong sự tốt lành và trải nghiệm các hoạt động khác tại lễ hội như: văn nghệ, ẩm thực do chính tay bà con dân tộc Lào chế biến, để hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Lào tại xã Nà Tăm.
Người dân và du khách cùng hòa vào suối Nậm Mu tham gia Lễ hội té nước
Ngoài những Lễ hội nhắc đến, nếu đến Lai Châu vào tháng 1 bạn còn có thể tham gia vào các Lễ hội khác như: Xoè Chiêng (huyện Tân Uyên và Than Uyên), Lộc Xuân, Đua Thuyền (huyện Phong Thổ), Gầu Tào Cha (Tp. Lai Châu); tháng 2 có Lễ hội: Xên Bản, Xên Mường (huyện Tân Uyên, Than Uyên), Khèn Mông (huyện Nậm Nhùn), Gà Ma Khư Gia (huyện Phong Thổ) và nếu đến vào tháng 3 sẽ có Lễ hội: Cúng bản (huyện Nậm Nhùn), Háu Đoong, Đong Xía (tp. Lai Châu), Cúng rừng (huyện Tam Đường)…
Lễ hội Háu Đoong của đồng bào Giáy, thành phố Lai Châu tổ chức 2 lần/năm vào ngày mồng 3 tháng 3 và ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch
Vẫn còn rất nhiều điều thú vị tại các lễ hội mùa xuân ở Lai Châu đang chờ bạn khám phá. Vì vậy bạn đừng ngần ngại, hãy book cho mình một tour du lịch trọn gói cùng người thân, bạn bè để về với miền đất này, chắc chắn bạn sẽ yêu không khí nhộn nhịp của Lễ hội mùa xuân nơi biên cương Tổ Quốc!
Thái Trung