Theo số liệu thống kê Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Lai Châu đã đón 780.600 lượt khách, tăng 37,54% so với cùng kỳ năm trước và đạt gần 70% Kế hoạch đề ra (trong đó: khách nội địa đạt 763.114 lượt, khách quốc tế đạt 17.486 lượt). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 647 tỷ đồng, tăng 57,22% so với cùng kỳ năm 2023.
Khách du lịch trải nghiệm dịch vụ Cafe phố cổ tại khu vực thành phố Lai Châu
6 tháng đầu năm 2024, ngành du lịch đã tập trung nguồn lực vào các hoạt động phát triển sản phẩm; truyền thông, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch tỉnh và liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước… tạo điểm nhấn, góp phần thu hút khách và tăng doanh thu cho tỉnh.
Công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục triển khai và đẩy mạnh khai thác sản phẩm đặc trưng như: du lịch trekking, hiking các đỉnh núi (Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử , Tả Liên Sơn cao…) với điểm nhấn là “Mùa hoa Đỗ Quyên”. Ngoài ra, phối hợp với tỉnh Lào Cai đẩy mạnh khai thác sản phẩm du lịch trekking, chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San); đường đá cổ Pa Vi trên tuyến nối Sàng Ma Sáo (huyện Bát Xát) – Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) và cùng nhau khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch tại Khu du lịch đỉnh đèo Ô Quy Hồ và Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái lòng hồ, hang động, du lịch nông nghiệp… góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến Lai Châu trên tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc.
Khách lựa chọn Vịnh Pá Khôm (Than Uyên) là điểm trải nghiệm mới khi đến với Lai Châu
Hoạt động thông tin, quảng bá du lịch được triển khai dưới nhiều nội dung và hình thức nhằm tạo ra tín hiệu tích cực, góp phần lan tỏa hình ảnh du lịch Lai Châu đến với du khách thông qua việc đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng mạng số. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện/thành phố tổ chức chuỗi sự kiện văn hoá và du lịch như: Lễ hội (Gầu Tào, Lễ hội Xoè Chiêng, Lùng Tùng, Hạn Khuống, Nàng Han, Sú Khon Khoài và trình diễn nghề dệt Thổ cẩm tại xã Bản Hon…); Ngày hội Hương sắc bản Mông, Ngày hội hái Lê, Ngày quốc tế Yoga… và phát động chương trình “Người Việt đi du lịch Việt – Việt Nam tôi yêu” với các gói kích cầu hấp dẫn, chất lượng dịch vụ tốt tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giới thiệu các sản phẩm du lịch và hoạt động khuyến mãi đến với người dân địa phương và khách nội địa.
Qua đó, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch, góp phần thúc đẩy ngành du lịch địa phương ngày càng phát triển.
Khách du lịch Check-in lưu lại những bức ảnh đẹp của mình tại điểm du lịch Thác Tác Tình (huyện Tam Đường)
Khách du lịch trong trang phục của thiếu nữ dân tộc Mông tại Homestay Love Hill (Than Uyên)
Công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đủ sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch tỉnh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Khu du lịch Cổng trời Ô Quy Hồ (Tam Đường) khai trương thêm các dịch vụ trải nghiệm dành cho đối tượng khách du lịch nhí bắt đầu từ ngày 30/4-01/5/2024
Những con số về lượng khách, tổng thu từ du lịch đã khẳng định bước tiến mới của du lịch Lai Châu tại khu vực và cả nước. 6 tháng cuối năm, ngành du lịch Lai Châu sẽ tiếp tục tập trung vào công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông đến các thị trường mục tiêu, trọng điểm và tiềm năng như: Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội; Cùng với đó, tổ chức một số sự kiện quảng bá như: Tuần Văn hoá – Du lịch Lai Châu tại Tp. Đà Nẵng, Tết Độc lập và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu tại huyện Than Uyên; đón các đoàn famtrip, presstrip trong nước đến khảo sát, đánh giá sản phẩm du lịch, kết nối tour tuyến du lịch tại Lai Châu; đẩy mạnh hoạt động truyền thông du lịch qua các nền tảng số và tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp du lịch vào các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm dịch vụ đến du khách…
Thoa Đồng