Những năm đầu mới chia tách, thành lập tỉnh, giai đoạn 2004 – 2009 ngành du lịch Lai Châu cùng với khó khăn chung của một tỉnh mới chia tách có nền tảng kinh tế kém phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Đảng bộ và chính quyền tỉnh Lai Châu tập trung nguồn lực ổn định chính trị – xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhanh chóng cải thiện đời sống cho nhân dân. Trong bối cạnh đó, phát triển du lịch chưa thực sự là cấp thiết, do đó thời kỳ này nhiều người thường ví du lịch Lai Châu như một nàng công chúa ngủ quên giữa đại ngàn.
Giai đoạn 2010 – 2015, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh, các bộ, ngành Trung ương với nhiều chủ trương, chính sách dành cho lĩnh vực du lịch. Ngày 17 tháng 7 năm 2009 Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lai Châu được thành lập tại Quyết định số 953/QĐ – UBND và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng, nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Với sự quyết tâm, nổ lực của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành du lịch từng bước vượt qua khó khăn, thách thức đưa du lịch tỉnh nhà thoát khỏi tình trạng trắng điểm du lịch. Năm 2012, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình UBND tỉnh Ban hành Quyết định số 940/QĐ – UBND ngày 12/9/2012 về công nhận các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tại quyết định này 04 bản du lịch cộng đồng và 02 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh được công nhận, bước đầu đã đưa hình ảnh du lịch Lai Châu đến với du khách trong nước và quốc tế. Lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng tăng, tốc độ tăng trưởng bình quân 12% năm.
Bản du lịch công đồng Bản Hon (Một trong những bản du lịch được công nhận đầu tiên ở tỉnh Lai Châu)
Du khách trải nghiệm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ
Giai đoạn 2016 – 2020, được xem là bước phát triển mạnh mẽ của du lịch Lai Châu. Là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ, nhiều đỉnh núi cao thuộc top đầu Việt Nam và Đông Nam Á như: đỉnh Pu Si Lung cao 3083m, Pu Ta Leng 3049m, Bạch Mộc Lương Tử 3046m…với bạt ngàn sắc hoa đỗ quyên, thảm thực vật phong phú trong biển mây bồng bềnh. Lai Châu có truyền thống lịch sử – văn hoá trong suốt chiều dài phát triển của đất nước, nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia đá cổ khắc ghi bài thơ trấn giữ biên cương của Vua Lê Thái Tổ; bản sắc văn hoá phong phú, đa dạng của 20 dân tộc cùng sinh sống. Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Lai Châu đã xây dựng được nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây, khu du lịch Cổng Trời, khu hang động Pusamcap, điểm du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay trên nóc nhà Đông Dương” gắn với trải nghiệm văn hoá bản Sì Thâu Chải, bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (được vinh danh Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019). Từ suất phát điểm rất thấp, du lịch Lai Châu đã vươn lên mạnh mẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc. Tốc độ tăng trưởng lượng khách hàng năm trong gian đoạn này luôn đạt hai con số. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Lai Châu đạt 350.500 nghìn lượt tăng gần gấp đôi so với năm 2015 ( 182.400 lượt khách).
Du khách trải nghiệm ở Khu du lịch Cầu Kính Rồng Mây
Du khách nước ngoài trải nghiệm tại chơ phiên Sang Thàng,Thành phố Lai Châu
Giai đoạn 2021 đến này, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 và tình hình chính trị – kinh tế thế giới có nhiềm biến động tiêu cực, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, thách thức đặc biệt trong hai năm 2021, 2022 là những năm ảnh hưởng nặng nền của đại dịch và tình hình kinh tế suy thoái sau đại dịch, cùng với đó là biến động địa chính trí, cuộc chiến tranh ở Đông Âu giữa Nga – Ukraina. Trong tình hình đó, tỉnh Lai Châu xác định đây là thời gian để điều chỉnh và xây dựng cơ chế chính sách phục vụ phát triển du lịch tỉnh nhà nhằm đón đầu thời điểm phục du lịch vào năm 2023.
Với mục tiêu phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, đưa du lịch Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn tại khu vực Tây Bắc, là điểm nhấn trên chuyến hành trình vòng cung Tây Bắc của du khách. tỉnh Lai Châu đã bàn hành một số văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cơ chế, chính sách phát triển du lịch của tỉnh: Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Lai Châu về việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Lai Châu về Ban hành một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Những chính sách trên đã sớm phát huy hiệu quả, khi tổng kết năm 2023 du lịch Lai Châu lần đâu tiên vượt mốc 1 triệu lượt khách/năm ( 1.045.000 lượt khách; trích Báo cáo số 2155/BC-SVHTTDL ngày 16/12/2023 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu). Năm 2023 tỉnh Lai Châu đã tổ chức thành công nhiều sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực: Giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 64 năm 2023 tại tỉnh Lai Châu; Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh, 75 thành lập Đảng bộ tỉnh, 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu (01/01/2004 – 01/01/2024). Sự kiện Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, năm 2023, được bình chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023. Các sự kiện trên đã thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến với Lai Châu.
Giải vô định quốc gia Marathon và cư ly dài Báo Tiền Phong tổ chức tại Lai Châu
Lai Châu tổ chức thành công Ngày hội dưới 10.000 người lần thứ nhất và Tuần Du lịch – Văn hóa du lịch Lai Châu năm 2023
Lai Châu bừng sáng kỷ niệm 20 năm chia tách, thành lập tỉnh
Du lịch Lai Châu có bước phát triển ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân và UBND tỉnh với nhiều chính sách đúng đắn. Cùng với sự nổ lực, phấn đấu của tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng và tự hào./.
Đức Sinh