(XTDL) – Không chỉ đơn thuần là nơi chế tác, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống mang tính đặc trưng, làng nghề còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng. Chính bởi nét độc đáo này mà những năm gần đây, các làng nghề truyền thống đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Khách du lịch tham quan làng nghề nón lá Gia Thanh
Phú Thọ hiện có 72 làng nghề được công nhận, trong đó có nhiều làng nghề có truyền thống lâu đời, được nhiều người biết đến như: Nón lá Sai Nga (huyện Cẩm Khê), nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh), tương Dục Mỹ (huyện Lâm Thao), làng nghề làm bún, bánh, mì, miến ở xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì)… Nhận thức được lợi ích nhiều mặt của việc phát triển du lịch làng nghề, tỉnh ta đã tích cực xây dựng và triển khai các kế hoạch nhằm phát triển du lịch gắn kết với các làng nghề truyền thống, tạo thêm những điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình về với miền đất Tổ.
Là ngôi làng cổ hơn 300 năm tuổi nằm bên bờ sông Lô, từ lâu Hùng Lô đã được đông đảo người dân và du khách biết đến với những công trình kiến trúc cổ độc đáo như đình, chùa, nhà cổ… Ngoài vẻ đẹp cổ kính cùng các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, điều đặc biệt hấp dẫn du khách đến với Hùng Lô chính là bởi miền quê này từ xưa đã nức tiếng với nghề làm bún, bánh, mì, miến. Với những bí quyết gia truyền, người dân làng nghề Hùng Lô đã tạo nên những sợi mì trắng, dai, thơm ngon, được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Bánh chưng của làng Hùng Lô ngon và đẹp nên hằng năm, người dân trong xã vẫn vinh dự được giao trọng trách làm bánh dâng Vua Hùng vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương… Mỗi năm, làng nghề Hùng Lô đón hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Du khách đến đây, ngoài việc chiêm ngưỡng, tìm hiểu về làng cổ, về những phong tục tập quán của người dân bản địa còn được trải nghiệm, tham quan các cơ sở sản xuất nông sản, trải nghiệm các công đoạn làm mì, miến, gói bánh…, thưởng thức những đặc sản làng quê và mua về làm quà cho gia đình, bạn bè.
Anh Cao Đăng Duy – Trưởng làng nghề mì, miến Hùng Lô cho biết: “Khách du lịch đến với làng nghề, dù là khách nội địa hay quốc tế đều rất hào hứng. Đối với nhiều người, những sản phẩm của làng nghề mặc dù không xa lạ nhưng việc được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, thậm chí tự tay mình tham gia chế biến rồi nếm thử những sản phẩm đó thì đa số du khách đều chưa từng trải qua. Có lẽ chính bởi điều mới lạ ấy mà ai nấy đều tỏ ra thích thú…”
Sản xuất mì ở làng nghề Hùng Lô
Nghề làm nón lá ở Gia Thanh (huyện Phù Ninh) đã có truyền thống gần 70 năm. Bằng bàn tay tài hoa và tình yêu nghề, những nghệ nhân nơi đây đã tạo nên những chiếc nón lá vừa đẹp lại vừa bền. Từ khi được kết nối trở thành điểm du lịch, làng nghề nón lá Gia Thanh nhộn nhịp hơn hẳn. Du khách tìm đến với làng không chỉ đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước mà còn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Đức, New Zealand… Tham quan tìm hiểu lịch sử làng nghề, được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn để làm nên chiếc nón chắc chắn sẽ khiến du khách nếu đã một lần đến Gia Thanh đều ấn tượng. Ra về, họ cũng không quên đem theo những chiếc nón – biểu tượng văn hóa của một miền quê về làm quà cho những người ở nhà. Sau mỗi chuyến đi ấy, hình ảnh và tiếng tăm của nón Gia Thanh lại càng bay cao, bay xa hơn…
Phải khẳng định rằng, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống đã và đang mang lại những hiệu quả tích cực, không chỉ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của tỉnh mà còn giúp các làng nghề có thêm cơ hội quảng bá hình ảnh, bán được nhiều sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân để họ có thể gắn bó lâu dài với nghề truyền thống do cha ông để lại.
Tuy nhiên, dù sở hữu hơn 70 làng nghề với sản phẩm phong phú, đa dạng nhưng thời gian qua, lượng khách du lịch đến với các làng nghề của tỉnh còn thấp so với tổng lượng khách du lịch đến với tỉnh; hiệu quả từ các dịch vụ phục vụ khách hoặc bán các sản phẩm làng nghề còn khiêm tốn… Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý và tổ chức khai thác, phát huy thế mạnh của sản phẩm du lịch làng nghề còn hạn chế, chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch; việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch làng nghề chưa được sự quan tâm đúng mức; phát triển du lịch làng nghề chưa chuyên nghiệp, đa số chưa bố trí được điểm ăn, nghỉ cho du khách, giao thông không thuận tiện. Một lý do khác đó chính là công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề chưa thực sự hiệu quả…
Để khai thác có hiệu quả giá trị du lịch làng nghề cần quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, giao thông ra vào làng nghề; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách; gắn du lịch làng nghề với du lịch tâm linh, du lịch sinh thái để tăng khả năng chiếm lĩnh thị trường cho các sản phẩm làng nghề. Nâng cao kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử cho cộng đồng dân cư làng nghề; hình thành các dịch vụ hỗ trợ cho du lịch làng nghề như nơi ăn uống, lưu trú, điểm vui chơi, giải trí… Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với làng nghề, tăng cường hợp tác với các công ty du lịch, các hãng lữ hành trong việc tổ chức các tour tham quan làng nghề truyền thống… Bên cạnh đó, các làng nghề cũng cần tích cực nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
Theo bà Phùng Thị Hoa Lê – Giám đốc Trung tâm Thông tin – Xúc tiến du lịch tỉnh: Việc gắn kết làng nghề với du lịch không chỉ đơn thuần là tổ chức đưa du khách đến tận nơi để tham quan mà điều cốt lõi chính là đưa các sản phẩm làng nghề đến với du khách. Ngoài xây dựng và kết nối các tour, tuyến du lịch cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề tại các khu, điểm du lịch hoặc thông qua các lễ hội truyền thống, hội chợ, triển lãm… bởi đây chính là một kênh lý tưởng để quảng bá, đưa sản phẩm làng nghề của tỉnh tiếp cận với du khách một cách nhanh nhất.
Du lịch làng nghề đang là hướng đi mới để phát triển du lịch. Với tiềm năng sẵn có, du lịch làng nghề của tỉnh hoàn toàn có thể phát triển mạnh trong tương lai. Nhờ có làng nghề mà sản phẩm du lịch của tỉnh đa dạng hơn, hấp dẫn du khách hơn và ngược lại, làng nghề sống được nhờ khai thác đúng hướng các giá trị du lịch, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc.
Nguồn: Huyền Trang – phutho.gov.vn