Huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ: Để kinh tế du lịch phát triển theo hướng bền vững

(XTDL) – Là vùng đất cửa ngõ tây bắc của Phú Thọ, huyện Hạ Hòa là nơi có nhiều danh thắng và các di tích lịch sử, văn hóa gắn với những truyền thuyết thời dựng nước. Từ tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, chính quyền huyện Hạ Hòa đã có các chủ trương, kế hoạch phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh, hướng đến chương trình du lịch về cội nguồn của ba tỉnh Phú Thọ – Lào Cai – Yên Bái.

Đẩy mạnh phát triển du lịch

Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn đầu tư các hạng mục phục vụ phát triển du lịch của Hạ Hòa đạt hơn 100 tỉ đồng, trong đó vốn huy động từ doanh nghiệp và dân cư là 46,5 tỉ đồng. Cùng với đó, huyện cũng tập trung khai thác tiềm năng lợi thế qua việc xây dựng các sản phẩm và tổ chức hoạt động du lịch; khai thác lợi thế của hai khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là đền Mẫu Âu Cơ và đền Chu Hưng xã Ấm Hạ, cùng với việc hình thành các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa. Khuyến khích phát triển một số mô hình kinh tế đồi vườn, trang trại và tạo điều kiện hình thành một số sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Hướng trọng tâm của công  tác quy hoạch  vào  xây dựng không gian du lịch với  các khu, điểm đến hợp lí, đẩy mạnh liên  kết vùng trong phát triển du lịch của địa phương với các huyện, tỉnh lân cận và trong nội huyện. Đã quy hoạch các vùng du lịch trọng điểm, các khu dự trữ sinh quyển… trên cơ sở kêu gọi các dự án đầu tư. Thực tế công tác quy hoạch các khu du lịch đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lí tài nguyên, đất, xây dựng sản phẩm du lịch và góp phần đem lại hiệu quả kinh tế xã hội. Các mô hình phát triển du lịch  về cơ bản đã phát huy được việc khai thác hợp tài nguyên và mang lại hiệu  quả rõ rệt trong tăng trưởng và hướng tới phát triển bền vững.

du-lich-ao-gioi-suoi-tien-phu-tho

Thác nước tuyệt đẹp tại Khu du lịch Ao Giời – Suối Tiên huyện Hạ Hòa

Giải pháp tiếp tục phát triển theo hướng bền vững

Về cơ chế, chính sách: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh những nội dung quy định của Luật Du lịch và các luật liên quan; Tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp chủ động phát huy vai trò động lực thúc đẩy phát triển du lịch; Mở rộng các loại hình dịch vụ giải trí mới; Xây dựng và thực thi cơ chế khuyến khích chất lượng và hiệu quả du lịch thông qua hệ thống đánh giá, thừa nhận và tôn vinh thương hiệu, nhãn hiệu, danh hiệu, địa danh.

Tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch bằng cách nâng cao chất lượng các sản phẩm, từng bước đa dạng hóa loại hình du lịch, tạo sự gắn kết giữa các khu vực, điểm du lịch nội bộ để thu hút khách du lịch. Phát huy tiềm năng và lợi thế du lịch văn hóa, tâm linh; thực hiện kết nối điểm du lịch Đền Mẫu Âu Cơ với Đền Chu Hưng. Chỉ đạo xây dựng mô hình du lịch cộng đồng với các hoạt động trải nghiệm thâm nhập thực tế, ẩm thực… Tiếp tục khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh sản phẩm du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch lữ hành. Hình thành tour du lịch nội bộ: Đền Mẫu Âu Cơ –  Đầm Ao Châu – Đền Chu Hưng để tăng lượng khách lưu trú. Tăng cường kết nối tạo tour, tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng – vật chất kĩ thuật để thúc đẩy giao lưu hàng hóa, xây dựng và phát triển tuyến du lịch sinh thái gắn các làng nghề truyền thống, tạo sản phẩm riêng biệt cho từng khu, điểm du lịch. Đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp cảnh quan môi trường du lịch sinh thái tại các khu, điểm du lịch, các làng nghề truyền thống của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch.

Phối hợp với Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lí, cán bộ chuyên môn từ huyện đến cơ sở; giáo dục đạo đức, kĩ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong ngành du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.

Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ngành kinh tế du lịch trong các cấp, các ngành và Nhân dân. Xây dựng hệ thống các trung tâm hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch Hạ Hòa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng, các lực lượng thông tin đối ngoại, đặt các văn phòng xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm (trong nước và quốc tế…

Ở các dự án phát triển du lịch, lãnh đạo cần tính toán đến tính khả thi trong tương lai của dự án, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà hủy hoại tài nguyên. Bảo đảm các dự án mang lại hiệu quả không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ích lợi đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường.

Trong những năm qua, huyện Hạ Hòa đã từng bước đầu tư khai thác các tiềm năng, lợi thế dần thúc đẩy ngành kinh tế du lịch – dịch vụ phát triển, kết hợp du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giá trị văn hóa lịch sử cách mạng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch; gắn phát triển du lịch với mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội của huyện.

Nguồn: Nguyễn Minh Hùng – ngaymoionline.vn

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons