(HBĐT) – Thời gian qua, tại tỉnh, du lịch nông thôn (DLNT) phát triển nhanh với nhiều mô hình, tour du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách như: Trải nghiệm vườn cam, đồi chè; khám phá khu bảo tồn thiên nhiên; du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ)… Phát triển DLNT góp phần nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.
Hộ làm du lịch cộng đồng tại bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) quan tâm trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ làm du lịch.
Tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển DLNT. Sự phong phú, đa dạng và giàu giá trị nhân văn trong phong tục tập quán của các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông được giữ gìn, bảo tồn trong từng xóm, bản. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái độc đáo tại các khu bảo tồn thiên nhiên. Nông nghiệp phát triển hình thành thành vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, VietGAP như vùng trồng cây ăn quả có múi tại Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy; vùng sản xuất rau an toàn tại Lương Sơn… Từ tiềm năng, lợi thế, tỉnh tập trung phát triển các loại hình DLNT, chủ đạo là du lịch nông nghiệp, DLCĐ và du lịch sinh thái.
Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, chương trình đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch phát triển đa dạng, bền vững. Xây dựng NTM trực tiếp phục vụ cho du lịch như vấn đề hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; cung cấp nước sạch và đảm vảo vệ sinh môi trường; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống, cộng đồng; phát triển nông nghiệp bền vững và đa chức năng; làng nghề truyền thống.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh có 4 xóm, bản DLCĐ được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, hạng 3 – 4 sao, gồm: DLCĐ Hang Kia và DLCĐ bản Lác (Mai Châu) đạt 4 sao; DLCĐ Đá Bia (Đà Bắc) đạt 3 sao; DLCĐ xóm Lũy Ải (Tân Lạc) đạt 3 sao. DLCĐ đã khẳng định được vị trí quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng đã truyền lửa để từng xóm, bản, từng nếp nhà mạnh dạn thay đổi tư duy làm DLCĐ. Tới bản Giang Mỗ (Cao Phong), xóm Lũy Ải (Tân Lạc), điểm DLCĐ Đá Bia (Đà Bắc) du khách sẽ được khám phá sự độc đáo trong văn hóa của người Mường. Bản Lác (Mai Châu) tiêu biểu cho văn hóa Thái hay tấm lòng trìu mến, thật thà của người Mông tại Pà Cò, Hang Kia (Mai Châu)…
Bên cạnh sự phát triển nhanh của DLCĐ, vài năm trở lại đây, một số địa phương như huyện Cao Phong quan tâm đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Từ năm 2016, huyện bắt đầu tổ chức đón khách tới thăm quan, trải nghiệm vườn cam. Sự thân thiện, mến khách của nhà vườn, cùng với vẻ đẹp hấp dẫn của những vườn cam trĩu quả, vàng óng đã thu hút được đông đảo du khách tới thăm quan.
Chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong chia sẻ: Với mong muốn quảng bá, giới thiệu cam Cao Phong và bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Mường Thàng, HTX chúng tôi đang thực hiện đón khách tới thăm quan, trải nghiệm tại vườn cam. Tổng diện tích trồng cam của HTX trên 43,9 ha, 100% diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Khám phá những vườn cam sai trĩu quả, du khách được hòa mình cùng thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, trải nghiệm hái cam; thưởng thức những món ăn truyền thống của địa phương tại ngôi nhà sàn bằng tre, gỗ, mái lá đơn sơ. Năm 2020, HTX đón gần 500 lượt khách thăm quan, trải nghiệm. Phát triển du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp sạch giúp HTX có được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Đồng chí Đinh Công sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: DLNT mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, từng dân tộc và từng bước đáp ứng nhu cầu thăm quan, trải nghiệm của du khách. Nhờ vậy, cảnh quan, môi trường, đời sống văn hóa, tinh thần của khu vực nông thôn thay đổi đáng kể, trở thành những vùng quê đáng sống. DLNT đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và chất lượng; tạo ra việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực, trình độ, ý thức của người dân nông thôn; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống…
Mặc dù tạo được nhiều dấu ấn đối với du khách, song việc phát triển DLNT tại tỉnh còn nhiều khó khăn như: Hệ thống giao thông kết nối các bản, điểm DLCĐ thiếu đồng bộ; hệ thống cung cấp nước sạch, khu xử lý rác thải chưa được đầu tư; hạ tầng viễn thông liên lạc chất lượng thấp; nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, vấn đề liên kết giữa ngành du lịch với ngành nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ và chuẩn hóa sản phẩm OCOP còn thiếu và chưa chi tiết, dẫn tới việc chuẩn hóa nhóm dịch vụ DLCĐ và điểm du lịch trong Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, để tạo sự gắn kết giữa du lịch, nông nghiệp, nông thôn, hướng tới hình thành chuỗi giá trị sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, có thương hiệu, nâng cao đời sống người dân, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp nâng cao trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về DLCĐ; có chính sách khuyến khích phát triển phù hợp, chi tiết, đặc biệt quan tâm tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển DLCĐ, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng. Phát triển DLCĐ gắn với trải nghiệm du lịch nông nghiệp, làng nghề, tìm hiểu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương…
Thu Thủy