Văn hóa dân tộc Mông – sản phẩm du lịch độc đáo ở Mèo Vạc

Du khách đến huyện Mèo Vạc không chỉ choáng ngợp, ấn tượng bởi các điểm đến như: “Đệ nhất hùng quan” Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, sông Nho Quế, Tượng đài Thanh niên xung phong mà những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông nơi đây chắc hẳn sẽ khiến du khách quan tâm để tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.

Thi dệt vải lanh, một hoạt động hấp dẫn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023.
Thi dệt vải lanh, một hoạt động hấp dẫn trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Mèo Vạc năm 2023.

Toàn huyện Mèo Vạc có hơn 17 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 78%. Đây là dân tộc có bề dày lịch sử và văn hóa đặc sắc, tạo nên sự phong phú, đa dạng về văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng Cao nguyên đá. Người Mông ở Mèo Vạc có tiếng nói và chữ viết riêng. Nhà ở của họ được xây dựng theo kiến trúc nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương. Trang phục truyền thống của các cô gái người Mông rất độc đáo, được dệt từ sợi cây lanh. Đặc biệt, lễ hội Gầu Tào của người Mông nơi đây là hoạt động tín ngưỡng đặc sắc được đồng bào tổ chức thường niên dịp đầu Xuân năm mới. Lễ hội nhằm mục đích cúng tạ trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhà nhà yên ấm, no đủ. Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao hấp dẫn như: Múa khèn, hát giao duyên, thi dệt vải lanh, kéo sợi, đan quẩy tấu, kéo co, tung còn…

Chị Hoàng Thị Nhung, du khách đến từ Phú Thọ chia sẻ: Tôi ấn tượng với hình ảnh phụ nữ người Mông ở Mèo Vạc đeo quẩy tấu đi chợ trong các dịp chợ phiên. Qua tìm hiểu được biết, đây là nét đẹp văn hóa trong đời sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Những chiếc quẩy tấu được đan bằng cây tre hoặc trúc, rất chắc chắn. Sau khi đi chợ, những sản phẩm được các chị em phụ nữ mua về sẽ được đựng trong quẩy tấu và gùi trên lưng. Thói quen này không chỉ tạo nét văn hóa đặc trưng của người vùng cao mà còn góp phần hạn chế xả thải túi ni lông, rác thải nhựa ra môi trường.

Đan quẩy tấu, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mèo Vạc.
Đan quẩy tấu, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mèo Vạc.

Còn anh Nguyễn Xuân Thành, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: Vừa qua, tôi có chuyến du lịch tại huyện Mèo Vạc đúng dịp địa phương này tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông. Trong khuôn khổ ngày hội diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó hoạt động khiến tôi ấn tượng hơn là điệu múa khèn của những chàng trai, cô gái người Mông. Các đôi nam nữ với chiếc ô, cây khèn đã tạo nên vũ đạo sôi nổi, đẹp mắt trong từng bước nhún, nhảy, quay đổi chỗ, đá chân. Được biết, múa khèn Mông ở Mèo Vạc không chỉ được các chàng trai người Mông sử dụng trong lễ hội mà còn được sử dụng trong đám hiếu, hỷ hoặc biểu diễn khi xuống chợ. Đây là cơ hội tốt đối với du khách có đam mê khám phá, tìm hiểu về loại nhạc cụ này.

Nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy huy giá trị văn hóa dân tộc Mông, từ đó làm nền tảng, động lực thúc đẩy ngành Du lịch, KT – XH địa phương phát triển, thời gian qua, huyện Mèo Vạc tập trung triển khai nhiều giải pháp và đưa văn hóa truyền thống dân tộc Mông vào giảng dạy trong nhà trường là một trong những giải pháp quan trọng được huyện tích cực triển khai. Đến nay, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương lựa chọn, mời nghệ nhân dân gian tham gia giảng dạy văn hóa dân tộc Mông cho học sinh cũng như thực hiện tốt việc việc bố trí, trưng bày các nhạc cụ, trang phục của người Mông trong phòng truyền thống, thư viện, góc lớp. Thông qua hoạt động này giúp các em hình thành tình cảm tốt đẹp trong môi trường giáo dục, có hiểu biết cơ bản về văn hóa dân tộc Mông, từ đó ý thức hơn trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các dòng họ, gia đình dạy tiếng và phổ biến các phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa dân tộc Mông cho con em mình; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn trang phục, kiến trúc nhà ở truyền thống; hàng năm duy trì tổ chức ngày hội văn hóa dân tộc Mông gắn với Lễ hội festival khèn Mông vào dịp đầu năm mới; quan tâm xây dựng, phát triển các hợp tác xã, làng nghề truyền thống của dân tộc Mông; quy hoạch, xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông…

Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: Nhờ tích cực triển khai các giải pháp, nhiều nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông trên địa bàn huyện tiếp tục được bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị, trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt đối với du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại huyện. Thời gian tới, huyện tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết của tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị dân tộc Mông để triển khai. Cùng đó, duy trì, mở rộng sản xuất các làng nghề truyền thống; lồng ghép các chương trình, dự án để tăng hiệu quả đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông; kiên quyết bài trừ hủ tục và xây dựng nếp sống văn minh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn: Báo Hà Giang