Văn hóa, ẩm thực gọi mời và níu chân du khách

Hấp dẫn, đa dạng, độc đáo, ngon và tinh tế là những từ miêu tả về không khí của Lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực quốc tế – Hà Giang lần thứ I năm 2024 diễn ra tại thành phố Hà Giang những ngày qua. Ẩm thực gọi mời và níu chân du khách, du lịch làm cho giá trị văn hóa, ẩm thực được tôn vinh và tỏa sáng.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hà Giang sắc màu văn hóa”.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hà Giang sắc màu văn hóa”.

Lễ hội hấp dẫn ngay từ ngày đầu tiên với các hoạt động sôi nổi, ý nghĩa, trong đó du khách ấn tượng nhất với cuộc thi “Chấm món ăn tiêu biểu các tỉnh, thành phố” với sự tham gia của 16 gian hàng đến từ 5 tỉnh, thành phố trong nước và 11 huyện, thành phố trong tỉnh với 29 món ăn. Các món ăn được chế biến tỉ mỉ, là sự kết hợp tinh tế trong từng loại gia vị và cách bày trí đẹp mắt, các đầu bếp đã mang đến lễ hội nhiều món ăn ngon như: Rêu đá của huyện Quang Bình, Gà H’Mong hầm sâm Cung Bảo của đoàn tỉnh Thái Nguyên, gỏi cá đục Hà Tĩnh; phở tươi gà sống thiến Yên Minh.

Đầu bếp Nguyễn cao Cường, xã Bằng Lang (Quang Bình), người mang về giải Nhất của cuộc thi với món rêu đá chia sẻ: Rêu đá là một sản vật quý của tự nhiên, sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước suối trong, sạch, chảy xiết. Món rêu đá chế biến rất cầu kỳ, qua nhiều công đoạn và chế biến với 5 loại gia vị đặc trưng của núi rừng. Trước đây rêu đá là món ăn của đồng bào người Tày, nhưng hiện nay, rêu đá rất được du khách ưa chuộng. Thông qua lễ hội, không chỉ để giới thiệu, quảng bá ẩm thực đến với du khách, mà tôi mong muốn cộng đồng cùng chung tay, bảo vệ môi trường, bảo vệ sông suối, đặc biệt các khu vực có rêu đá, hướng tới xây dựng du lịch xanh, thân thiện, bản sắc”. Trong 2 ngày 29 – 30.3, toàn bộ nguyên liệu rêu đá của đoàn huyện Quang Bình mang lên lễ hội đều được chế biến tại chỗ và người dân, du khách mua về thưởng thức hết. Trưởng ban giám khảo cuộc thi Nguyễn Thường Quân cho biết: “Mỗi món ăn đều có đặc trưng, mùi vị, bản sắc riêng. Năm nay các đầu bếp đều trình diễn kỹ năng chế biến tốt, nguyên liệu đều ngon, sạch, phù hợp”.

Các nhà quản lý, chuyên gia hiến kế định vị thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết vùng.
Các nhà quản lý, chuyên gia “hiến kế” định vị thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết vùng.

Tại Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch, ẩm thực và sản phẩm hàng hóa đặc trưng vùng miền; dễ dàng nhận thấy các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược, đồ ăn nhanh, sản phẩm thủ công truyền thống, đặc sản vùng miền luôn được người dân và du khách săn đón. Chị Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nấm Mai Vàng (Lai Châu) chia sẻ: Đến với lễ hội, đoàn Lai Châu mang đến các sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên như: Đông trùng hạ thảo, Mắc ca, Táo mèo, miến dong, các loại trà sâm. Các sản phẩm này đang phát triển mạnh mẽ và được thị trường rất đón nhận; tôi mong muốn lan tỏa nhiều hơn các giá trị văn hóa ẩm thực để gọi mời mọi người đến với Lai Châu nhiều hơn”.

Du khách thích thú tham gia nhảy sạp tại gian hàng tỉnh Sơn La.
Du khách thích thú tham gia nhảy sạp tại gian hàng tỉnh Sơn La.

Tại gian hàng của Cao Bằng, anh Lý Đạo Huy, Giám đốc Công ty TNHH Cao Bằng Travel chia sẻ: “Cao Bằng và Hà Giang vừa ra mắt sản phẩm du lịch mới kết nối 2 công viên địa chất toàn cầu, hy vọng mở ra nhiều cơ hội trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch; đến với lễ hội, chúng tôi mang các đặc sản của Cao Bằng tiêu biểu là Thạch đen, đây là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Cao Bằng. Trong 3 ngày, thật bất ngờ khi Thạcch đen được rất nhiều người lựa chọn, chúng tôi đã bán hết tất cả các sản phẩm”. Tại các gian hàng sản phẩm ăn nhanh của nước ngoài, có thể nói là nơi luôn đông đúc, nhộn nhịp nhất, đặc biệt là khách hàng trẻ em. Chị Nguyễn Thị Nga (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, chiều nào gia đình tôi cũng ra thưởng thức các món ăn, với gia vị khác biệt, đặc trưng, các con tôi rất thích món ăn nhanh của gian hàng nước ngoài”.

Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực tại lễ hội.
Du khách nước ngoài thưởng thức ẩm thực tại lễ hội.

Bà Dương Mai – Đại diện gian hàng Trung Quốc bày tỏ: “Tôi là đại diện công ty chuyên sản xuất về ớt, gia vị từ ớt tại Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên tôi sang Hà Giang và tham dự một lễ hội hoành tráng, quy mô lớn như thế này. Tôi thấy ẩm thực của Việt Nam và Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng, mỗi món ăn lại có những câu chuyện về văn hóa riêng. Tôi rất mong sau lễ hội này 2 bên sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác kinh doanh”.

Phở ngô của HMong Village.
Phở ngô của H’Mong Village.
Ẩm thực ngon, độc đáo của Hà Giang khiến thực khách xao lòng.
Ẩm thực ngon, độc đáo của Hà Giang khiến thực khách xao lòng.

Hà Giang mang đến lễ hội những sắc màu ẩm thực riêng biệt, ở đó các món ăn truyền thống, chế biến thủ công luôn được du khách đón nhận nhiệt tình như: Bánh phở tráng tay Yên Minh, bánh khúc Xín Mần, thắng cố Đồng Văn, phở ngô, rêu đá Quang Bình, phở Tráng Kìm Quản Bạ, dê nướng tảng Hoàng Su Phì. Trong 2 ngày đầu tiên của lễ hội, nghi nhận tại gian hàng phở ngô của H’Mong Village, trên 500 bát phở ngô đã được bán cho du khách và mọi người muốn thưởng thức trọn vẹn bát phở ngô thơm ngon nức tiếng đều phải xếp hàng chờ đợi.

Đông đảo du khách thưởng thức tinh hoa ẩm thực nước ngoài.
Đông đảo du khách thưởng thức tinh hoa ẩm thực nước ngoài.

Ấn tượng và được du khách đón chờ nhất là Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hà Giang sắc màu văn hóa” trong đêm khai mạc lễ hội. Từ rất sớm, hàng nghìn người khắp các nẻo đường của thành phố Hà Giang đã đổ về khu vực lễ hội háo hức chờ đón đêm khai mạc. Điểm nhấn trong chương trình nghệ thuật là sân khấu được thiết kế từ thấp lên cao lấy nguồn cảm hứng theo cung đường thành phố Hà Giang lên Đồng Văn, xen lẫn là hệ thảm thực vật, núi đá, hoa Tam giác mạch. Khu khán đài cũng được cải tiến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khán giả có cơ hội thưởng thức trọn vẹn chương trình. Ngay từ cổng vào, lễ hội gây ấn tượng mạnh với khách tham quan bởi tái hiện không gian chợ vùng cao gần gũi, mộc mạc bằng các chất liệu thân thiện với môi trường. Hơn 1 giờ đồng hồ, Chương trình mang đến cho khán giả nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc, hấp dẫn, sôi động, được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Nhiều du khách thích thú, ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến màn nhảy lửa huyền bí của người Dao và người Pà Thẻn. Trong tiếng nhạc trầm hùng, du dương, huyền bí, những chàng trai người Dao, người Pà Thẻn với đôi chân trần nhảy vào đám than hồng rực.

Trải nghiệm xay bột ngô trong văn hóa người dân tộc Mông tại lễ hội.
Trải nghiệm xay bột ngô trong văn hóa người dân tộc Mông tại lễ hội.

Nghệ nhân Triệu Quẩy Họ, xã  Thượng Sơn (Vị Xuyên) tự hào: “Nhảy lửa có từ lâu đời trong đời sống người dân tộc Dao ở Thượng Sơn, lễ nhảy lửa được tổ chức vào những ngày đầu năm mới để cầu mong một năm bình an, may mắn, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia súc không bệnh tật. Những năm gần đây, khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ nhảy lửa được du khách biết đến nhiều hơn. Hôm nay, được nhảy lửa tại một kông gian lễ hội mang tầm quốc tế, tôi rất tự hào, hy vọng qua lễ hội sẽ mang giá trị di sản lan tỏa nhiều hơn đến mọi người”.

Trong khuôn khổ của Lễ hội cũng đã diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Trải nghiệm, giao lưu văn hóa ẩm thực; biểu diễn nghệ thuật quần chúng; khảo sát xây dựng, quảng bá, khai thác sản phẩm liên kết vùng;  hội thảo định vị thương hiệu du lịch Hà Giang trong liên kết vùng. Tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đã “hiến kế” giúp xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang bền vững như: Đầu tư và thu hút đầu tư vào du lịch, đảm bảo sức chứa và khả năng đón tiếp phục vụ khách du lịch quốc tế; nâng cao năng lực quản lý nhà nước; cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xây dựng thương hiệu và phát triển điểm đến du lịch Hà Giang; xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, có tác động trực tiếp và rộng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó văn hóa ẩm thực có mối quan hệ mật thiết, là tài nguyên du lịch quý giá bởi ẩm thực giải quyết triệt để một trong bốn điều kiện căn bản nhu cầu của du khách là đi đâu, ở đâu, ăn gì và mua gì. Thực tế, trong tổng doanh thu ngành du lịch mang lại, lĩnh vực ăn uống chiếm tỷ trọng khá lớn. Khi ẩm thực không chỉ là khái niệm ăn, uống mà được kết tinh các giá trị và nâng tầm văn hóa, ẩm thực chuyên chở giá trị của quá khứ – hiện tại – tương lai một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại thì khi đó, ẩm thực là yếu tố quan trọng để níu chân du khách.

Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.
Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Trong ngày cuối cùng của lễ hội, dòng người vẫn không ngừng đổ về không gian lễ hội. Trên gương mặt du khách hiện rõ sự phấn khởi khi đến Hà Giang mà có thể được thưởng thức và mua sắm các món ăn ngon đến từ các nước, các tỉnh, thành phố trong cả nước. Lẫn trong dòng người tấp nập ấy, anh Lothern, một du khách đến từ Hà Lan bày tỏ: Các món ăn thật ngon, lễ hội rất thú vị, chúng tôi nhảy sạp rất vui, ẩm thực của các bạn thật tuyệt vời, nhất định chúng tôi sẽ quay trở lại”.

Với quy mô hoành tráng, công tác chuẩn bị chu đáo, công phu, nội dung lễ hội hấp dẫn, hàng hóa, ẩm thực đa dạng, lễ hội được đánh giá rất thành công khi được truyền thông quảng bá rộng rãi, các đơn vị, doanh nghiệp cơ bản bán hết hàng hóa, nhiều món ngon được quảng bá, giới thiệu, lan tỏa và hơn hết, một hình ảnh Hà Giang thân thiện, an toàn, bản sắc đọng lại ấn tượng mạnh mẽ trong trái tim du khách.

Hà Giang, hẹn gặp lại!

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons