Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 80 hang động, trong đó 43 hang đã được xếp hạng và kiểm kê (9 hang được xếp hạng cấp quốc gia, 3 hang cấp tỉnh); riêng vùng Cao nguyên đá có 55 hang được kiểm kê và khảo sát hoặc khảo sát một phần. Đây là tiềm năng lớn để khai thác hoạt động du lịch khám phá “trong lòng đất”.
Khám phá hệ thống hang động trên Cao nguyên đá. Ảnh: CTV |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thị Hoài cho biết: Sở dĩ tỉnh có số lượng lớn các hang động do hoạt động kiến tạo địa chất đã chia cắt các khối tảng, sự chuyển động địa hình mạnh mẽ tạo ra những chênh lệch; cùng với sự thay đổi của khí hậu, quá trình tiến hoá Karst mạnh mẽ đã tạo nên các hang động, hố sụt rất đa dạng, nhất là trên Cao nguyên đá Đồng Văn. Hang động là dạng địa hình, cảnh quan đặc biệt mang giá trị địa chất, địa mạo với hệ thạch nhũ phát triển đa dạng có giá trị thẩm mỹ và khoa học như các tường đá, măng, nhũ đá, rèm đá… Hệ thống hang động trên Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có vẻ đẹp lộng lẫy, tráng lệ, kỳ ảo hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch. Ngoài ra, nhiều hang động còn chứa đựng những di tích khảo cổ, di tích lịch sử – văn hóa đặc sắc của dân tộc nên càng có giá trị để phát triển du lịch.
Hệ thống thạch, nhũ đá tại hang Sảng Pả, xã Đường Thượng (Yên Minh). |
Theo nhiếp ảnh gia Chu Việt Bắc, người đã có hàng chục chuyến thám hiểm, khám phá và chụp nhiều bộ ảnh ở các hang động trên địa bàn tỉnh như huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh: Tỉnh ta có các dạng hang động là hang mây, hang khô và hang nước. Các loại hang này có thể là đã phong hóa (không còn quá trình hình thành thạch nhũ bên trong) hoặc hang sống (đang tiếp tục hình thành nhũ đá). Có hang chiều dài trên 5 km, hang có nhiều tầng cao nhưng cũng có hang chỉ dài vài trăm mét. Một số hang có dấu vết người tiền sử sinh sống hoặc có dấu tích di cư của đồng bào các dân tộc từ hàng nghìn năm trước đã được ngành chức năng khai quật, công bố. Tuy nhiên, hầu hết chưa được ngành chức năng, các địa phương biết đến, khám phá và khai thác du lịch.
Kỳ ảo hang động tại xã Tả Lủng (Đồng Văn). Ảnh: Chu Việt Bắc |
Các hang động thường nằm ở chân núi và lưng chừng núi nên việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn do địa thế hiểm trở (chưa có đường lên, đường đi trơn trượt, chưa có hệ thống hướng dẫn). Với đặc thù hệ thống hang động Karst là một loại tiểu hệ sinh thái đặc thù, rất dễ bị hủy hoại khi có sự can thiệp của con người, như: Có những hang động có hình thái đá vôi đặc biệt (nhũ đá, ngọc đá, mạch nước ngầm…) cần hàng triệu năm mới hình thành hay có những loài sinh vật như bào tử, nấm, động vật yếm khí, yếm quang sinh sống; có hang động có di tích người tiền sử có giá trị đặc biệt; hoặc có những hang động chứa một hệ thống sinh vật biển hóa thạch cực kỳ đa dạng… Vì vậy việc khai thác theo hình thức mở cửa rộng rãi, lắp đặt trang thiết bị, đèn điện, cho du khách vào hang tự do có thể sẽ vô tình hủy hoại toàn bộ những tài nguyên quý giá này.
Công ty Du lịch Hà Giang trẻ tổ chức tour cho du khách khám phá hang Pó Mỳ (Quang Bình). |
Ngoài ra, hang động Karst trên Cao nguyên đá thường chứa mạch nước, sông, suối ngầm, đây là nguồn tài nguyên quan trọng phục vụ cho sinh kế của đồng bào, cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Thám hiểm hang động là một hoạt động du lịch đặt biệt đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, kiến thức, kỹ năng, phương tiện thiết bị di chuyển, leo trèo, cứu hộ… chuyên dụng. Cùng với đó tính mạo hiểm khá lớn, nhiều nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng du khách, chi phí cao nên cần có những đơn vị tổ chức chuyên nghiệp, kiểm soát chặt chẽ. Mặt khác, thám hiểm hang động về bản chất không phải là 1 lĩnh vực được du khách quan tâm lớn, chỉ dưới 10%. Do đó, việc khai thác lĩnh vực này cần được tính toán kỹ nhu cầu và khả năng của du khách, trước mắt để bảo vệ nguồn tài nguyên không thể phục hồi và hữu hạn này và thu hút doanh nghiệp chuyên nghiệp cao, có nguồn lực tốt vào đầu tư khai thác, tỉnh và ngành Văn hóa vẫn chưa đồng tình mở cửa tự do và chủ trương hạn chế tối đa việc khai thác hệ thống hang động thiếu kiểm soát; nhiều nơi còn yêu cầu chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt, lắp đặt hệ thống chống/cấm tiếp cận. Vì vậy chỉ có hang Lùng Khúy (Quản Bạ) đang được mở cửa đón khách.
Thực tế, dù chưa có chủ trương cho khai thác rộng rãi hoạt động du lịch thám hiểm, khám phá hệ thống các hang động nhưng một số đơn vị lữ hành đã tổ chức các chuyến khảo sát, thám hiểm nhỏ để từng bước nắm bắt nhu cầu của du khách và xây dựng các tuor tuyến du lịch dạng này. Điều này khẳng định tiềm năng phát triển du lịch khám phá, thám hiểm hang động trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Anh Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Giang trẻ chia sẻ: Công ty chúng tôi đã tổ chức một vài tour du lịch trải nghiệm bản sắc văn hóa cho du khách tại thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) và khám phá hang Pó Mỳ. Cảm nhận và đánh giá của du khách rất tốt. Chúng tôi thấy dù hệ thống hang động của tỉnh không rộng và đa dạng như tỉnh Quảng Bình nhưng phong cảnh và hệ thống nhũ đá rất đẹp, là tiềm năng lớn để khai thác du lịch. Nếu tỉnh có các cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích phát triển loại hình du lịch này chắc chắn việc tổ chức các tour du lịch khám phá, trải nghiệm hang động sẽ được chuyên nghiệp hóa và trở thành loại hình du lịch hấp dẫn.
Nhìn vào kinh nghiệm tổ chức các tour du lịch khám phá hệ thống hang động ở Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình, đặc biệt là hang Sơn Đoòng sẽ thấy, dù hạn chế số lượng du khách nhưng đem lại giá trị kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương và quảng bá hiệu quả hình ảnh đất và người của vùng du lịch cũng như tiềm năng thu hút đầu tư hạ tầng, dịch vụ phục vụ du lịch. Đây là cơ sở để các cấp, ngành nghiên cứu, có quy hoạch, chủ trương, định hướng cụ thể phát triển hoạt động du lịch khám phá hang động trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Hà Giang