Hà Giang là vùng đất giàu tài nguyên du lịch do có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và hùng vĩ, cùng với vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của 19 dân tộc. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village đạt giải thưởng khách sạn xanh ASEAN
Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang đã tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả đảm bảo phát triển du lịch xanh bền vững. Đến nay sản phẩm du lịch Hà Giang được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. Đến hết năm 2023 tỉnh Hà Giang có 90 điểm du lịch đang hoạt động, tập trung vào các loại hình Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa , du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch thương mại biên giới.
Du khách đứng trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng ngắm hẻm vực Tu Sản.
Nổi bật trong số các sản phẩm, các điểm du lịch đang được khai thác một cách hiệu quả, bền vững, đem lại nguồn thu lớn cho người dân đó là các làng văn hóa du lịch cộng đồng. Tỉnh hiện có 40 làng văn hóa du lịch đang được đầu tư xây dựng và khai thác, nhiều làng được công nhận làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao đến 4 sao.
Một số làng văn hóa du lịch đã nhận được các danh hiệu lớn như Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng năm 2023; Khu nghỉ dưỡng H’Mông Village đạt giải thưởng khách sạn xanh ASEAN.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Để từng bước đưa du lịch cộng đồng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tỉnh chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với phương châm “lấy văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, lấy du lịch để gìn giữ văn hóa truyền thống”. Bên cạnh đó, tỉnh cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng; đồng thời, tích cực triển khai đề án hỗ trợ người dân và phát triển làng du lịch cộng đồng để hình thành chuỗi liên kết trong phát triển du lịch.
Giải đua xe mô-tô địa hình tại huyện Quản Bạ.
Hà Giang cũng chú trọng phát triển du lịch dựa trên giá trị di sản và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa. Tỉnh có 30 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 61 di tích, danh thắng được xếp hạng, trong đó, 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di vật, cổ vật đã được công nhận. Tỉnh cũng duy trì, tổ chức thường niên các lễ hội quy mô và có khả năng thu hút du lịch như: Lễ hội hoa Tam giác mạch; tuần văn hóa di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì; Festival khèn H’Mông; Ngày hội văn hóa các dân tộc; Chương trình qua những miền di sản Việt Bắc; Lễ hội thêu, dệt thổ cẩm…
Các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp cũng đang được hình thành và đưa vào khai thác. Hà Giang cũng đã thúc đẩy khảo sát các tuyến du lịch mới, tổ chức các hoạt động du lịch thể thao, mạo hiểm như: Đua xe mô-tô, ô-tô địa hình; chèo thuyền Kayak, thuyền ván đứng (SUP); đi bộ chinh phục vách đá trắng; giải Marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc; bay dù lượn.
Ruộng bậc thang tại thôn Sà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên vào mùa lúa chín.
Nhờ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nên trong những năm gần đây, Hà Giang thành điểm đến hấp dẫn du khách. Năm 2023, ước tổng lượng khách du lịch đạt trên 3 triệu lượt người. Hà Giang cũng được nhiều tổ chức, tạp chí uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn, mới đây nhất, Tổ chức World Travel Awards 2023 (WTA) đã vinh danh, trao giải thưởng “Hà Giang điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023.
Tuy nhiên, Hà Giang hiện vẫn còn hạn chế trong việc định hình các mục tiêu, mô hình, nhiệm vụ cụ thể trong phát triển, đo lường tính bền vững của hoạt động du lịch. Việc hỗ trợ, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp vào các hoạt động hợp tác phát triển du lịch, tham gia vào công tác quản lý điểm đến còn nhiều hạn chế.
Do đó, từ năm 2023, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với Dự án Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam (ST4SD) xây dựng kế hoạch hành động cụ thể thúc đẩy du lịch phát triển bền vững.
Dự án ST4SD được chia thành 3 hợp phần gồm: Các kế hoạch, quy hoạch tổng thể và các chính sách, quyết định thực thi nhằm đẩy mạnh sự phát triển bền vững của du lịch; thiết lập, củng cố các cơ chế đào tạo để thúc đẩy cung cấp các dịch vụ đào tạo và phát triển các kỹ năng, chuyên môn trong lĩnh vực khách sạn; các điểm đến, doanh nghiệp du lịch trở nên bền vững hơn trong triển khai các hoạt động và đầu tư.
Lễ hội đua cá là nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh.
Dự án sẽ triển khai một số hoạt động hỗ trợ hình thành mô hình đối thoại công-tư trong phát triển du lịch bền vững thông qua xây dựng bộ chỉ số, tiêu chuẩn phù hợp; hỗ trợ xây dựng khung chương trình chứng nhận, đề xuất các hoạt động phù hợp, mang lại lợi ích cho khách du lịch, doanh nghiệp và toàn ngành du lịch.
Để đạt được các mục tiêu quan trọng đó, dự án tập trung hỗ trợ triển khai thực hiện hiệu quả các chiến lược, quy hoạch hệ thống, các chính sách và quản lý, hoàn thiện các cơ chế đào tạo du lịch.
Đặc biệt, khi thực hiện tại địa phương đang phát triển du lịch như Hà Giang, dự án sẽ tăng cường, củng cố các tiêu chí và đo lường về tính bền vững, đồng thời, quảng bá các sản phẩm mới. Dự án hỗ trợ hoàn thiện các cơ chế đào tạo du lịch, trên cơ sở đó, thúc đẩy hợp tác cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao trong quản trị du lịch, khách sạn.
Với nhiều giải pháp thiết thực, Dự án T4SD sẽ góp phần tạo ra những bước phát triển bền vững cho du lịch Hà Giang trong giai đoạn mới.
Nguyễn Huyên