Quyết tâm đưa du lịch (DL) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế nâng cao đời sống người dân, tỉnh ta triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển DL theo phương châm “sản phẩm đặc sắc, dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường sạch đẹp”, nỗ lực đưa vùng đất địa đầu cực Bắc trở thành điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện.
Trình diễn múa khèn Mông tại Lễ hội văn hóa ẩm thực 3 miền được tổ chức tại thành phố Hà Giang. |
Cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hoang sơ; bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đa sắc màu… giúp cho vùng đất Hà Giang trở thành điểm đến lý tưởng của khách DL trong và ngoài nước. Bằng sự chủ động, linh hoạt trong kích cầu DL, nhất là tuyên truyền, quảng bá và tổ chức các hoạt động thu hút du khách được đẩy mạnh; khảo sát, đánh giá, xây dựng mới sản phẩm DL; quản lý chặt chẽ hoạt động tại các khu, điểm DL, các cơ sở kinh doanh DL và dịch vụ được tăng cường, đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách… đã giúp hoạt động DL của tỉnh tăng trưởng mạnh; lượng khách du lịch đến tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,4 triệu lượt, doanh thu DL đạt trên 3.300 tỷ đồng.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nguyễn Hồng Hải cho biết: Để thúc đẩy DL, tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 82, ngày 18.5.2023 của Chính phủ về “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển DL hiệu quả, bền vững” một cách cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, tập trung đưa Nghị quyết số 11, ngày 2.8.2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển DL Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 vào cuộc sống. Phấn đấu đến năm 2025, DL trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 1 khu DL cấp tỉnh, thu hút trên 3,5 triệu lượt khách, tổng thu từ DL ước đạt trên 8.225 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị DL vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp.
Du khách tham gia Lễ hội ẩm thực 3 miền mới được tổ chức tại thành phố Hà Giang. |
Hiện thực hóa mục tiêu đặt ra, tỉnh cơ cấu lại ngành DL theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Phát triển nhanh thị trường DL nội địa, tạo nền tảng cho tăng trưởng bứt phá trong ngắn hạn. Đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề. Liên kết phát triển sản phẩm, thị trường; kết nối tour, tuyến, điểm DL trong vùng và liên vùng. Đa dạng hóa hình thức, sản phẩm DL, chú trọng liên kết giữa DL với các ngành khác trong chuỗi giá trị, gắn với phát triển xanh, bền vững. Tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế điều phối, quy chế hoạt động, kế hoạch hành động vùng, liên vùng trong phát triển DL, bảo đảm đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.
Theo Chủ tịch Hiệp hội DL tỉnh Lại Quốc Tĩnh: Để thúc đẩy DL, đơn vị đã hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đẩy mạnh kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Đổi mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái DL, mô hình DL mới; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng thị trường. Mặt khác, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng; nâng cao năng lực quản trị, thực hiện tốt văn hóa doanh nhân. Để tạo sự mến mộ của du khách, các doanh nghiệp DL quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa và bền vững; nhân viên cởi mở, vui vẻ, lịch sự, mến khách.
Đưa ngành “công nghiệp không khói” thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế, tỉnh chú trọng đầu tư, phát triển nguồn nhân lực DL; đa dạng hóa hình thức đào tạo; giáo dục nghề nghiệp trong ngành DL thông qua phương thức đối tác công – tư (PPP), nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực ngành DL. Triển khai cổng thông tin và bản đồ số về DL, xây dựng hệ sinh thái DL thông minh, hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ DL, nâng cao trải nghiệm du khách. Xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu DL quốc gia, Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thành khu DL cấp tỉnh, xây dựng con đường trải nghiệm DL số 5 kết nối Công viên Địa chất toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn với Công viên Non nước Cao Bằng.
Nâng cấp hạ tầng giao thông đảm bảo các phương tiện tiếp cận các khu, vùng DL trọng điểm của tỉnh. Huy động các nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng và các sản phẩm DL đặc thù. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp DL xây dựng, phát triển các sản phẩm mới. Đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; tăng cường rà soát, điều chỉnh các cấp độ quy hoạch xây dựng, làm cơ sở thu hút đầu tư. Phát triển thương hiệu DL Hà Giang gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng Hà Giang là điểm đến an toàn, bản sắc, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách.
“Nhằm thích ứng với xu thế, tỉnh ta xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách DL quốc tế; đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến DL; phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Xúc tiến DL trọng tâm, trọng điểm, phù hợp định hướng phát triển sản phẩm, thương hiệu DL trên cơ sở kết quả nghiên cứu, dự báo thị trường. Thúc đẩy phát triển các sản phẩm DL liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ DL gắn với cảnh quan nông thôn, văn hóa cộng đồng; tăng trải nghiệm, phát huy tối đa DL tại các vùng nông nghiệp, gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn” – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Hồng Hải cho biết thêm.
Nguồn: Báo Hà Giang