Nếu như trong năm 2021 – năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch, lượng du khách đến với Hà Giang mới chỉ đạt 908 nghìn lượt; thì trong năm 2022, lượng khách du lịch đã lên tới 2,268 triệu lượt, doanh thu đạt 4.536 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, du lịch của Hà Giang tiếp tục khởi sắc, đạt 1,286 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.332 tỷ đồng. Dự kiến hết năm 2023, du lịch của Hà Giang cơ bản đạt mục tiêu mà Nghị quyết 11, giai đoạn 2021-2025 đề ra là thu hút 3 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Với những cung đường uốn lượn vắt ngang qua các dãy núi đá tai mèo, Cao nguyên đá Đồng Văn luôn được du khách đến tham quan, trải nghiệm. |
Để triển khai đột phá về du lịch, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11- NQ/TU, ngày 2.8.2021 về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021 – 2025 và nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã xây dựng chương trình, kế hoạch chuyên đề về phát triển du lịch phù hợp với từng giai đoạn để triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch tỉnh Hà Giang tới cán bộ, công chức, viên chức, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, 100% các đơn vị trường học và nhân dân trên địa bàn tỉnh; đưa nội dung phát triển du lịch, giữ gìn văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc thực hiện, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh.
Công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh được đẩy mạnh trên nền tảng số. Cùng với đó, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo phát triển du lịch xanh, bền vững, khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ. Chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, đặc biệt là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh nhằm hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch phong phú.
Múa khèn trong lễ hội Gầu tào của người Mông ở Yên Minh |
Tỉnh cũng đã chỉ đạo rà soát, tham mưu một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2023 – 2028; triển khai hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch của tỉnh đến năm 2025; chủ động bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng điện, nước và giao thông kết nối tới các khu, điểm du lịch của tỉnh; tăng cường kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó tập trung vào những dự án về du lịch quy mô lớn, chất lượng cao. Kết quả, từ năm 2021 đến nay, đã cung cấp thông tin quy hoạch, hỗ trợ 12 nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát các địa điểm đầu tư trên địa bàn.
Cùng với đó, các huyện, thành phố đã tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Trong đó, tập trung vào các loại hình sản phẩm du lịch như: Sản phẩm du lịch cộng đồng; sản phẩm du lịch văn hóa; sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm và sản phẩm du lịch thương mại, biên giới. Các sản phẩm du lịch đều phát huy hiệu quả, thu hút khách du lịch và huy động được sự tham gia của cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ du lịch, đóng góp cho phát triển KT-XH địa phương. Thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ – du lịch trung bình đạt từ 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
Đến hết năm 2022, tỉnh Hà Giang có 90 điểm du lịch đang hoạt động, trong đó có 16 điểm đã được công nhận và 84 điểm chưa được công nhận theo 4 loại hình chính, gồm: 29 điểm du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; 36 điểm du lịch cộng đồng, làng nghề; 17 điểm du lịch tâm linh; 8 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Đồng thời, ngành Văn hóa đã khảo sát xây dựng con đường du lịch trải nghiệm số 4 và số 5, kết nối 2 Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn và Non nước Cao Bằng. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp lắp đặt hệ thống QRCode cung cấp thông tin đến du khách,triển khai cổng thông tin và bản đồ số về du lịch.
Tỉnh cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Hiện nay, tổng số lao động trong ngành du lịch là 12.000 người. Tính đến hết năm 2023, ước đạt 15.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, đạt 53,2% chỉ tiêu Nghị quyết 11 đề ra. Trên địa bàn tỉnh đang có 874 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 108 khách sạnvới 7.911 buồng phòng, 15.573 giường. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là 3.177 cơ sở, trong đó có 640 nhà hàng, đạt 97,9% của Nghị quyết 11.
Từ những biện pháp kích cầu du lịch của tỉnh đã thu hút sự quan tâm của các đơn vị truyền thông, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, Hà Giang vinh dự đứng thứ 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do Tạp chí New York Times (Mỹ) bình chọn; một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam do tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình chọn; được vinh dự đề cử bình chọn là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023 của giải thưởng Du lịch Thế giới – World Travel Awards lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương… Qua đó, góp phần quảng bá du lịch Hà Giang tới đông đảo bạn bè quốc tế.
Nghị quyết 11 của BCH Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Hà Giang trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của các tỉnh khu vực miền núi,trung du Bắc bộ; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp 10,34% giá trị vào tổng sản phẩm trên địa bàn và xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh. Với những kết quả đã đạt được sau nửa nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, những mục tiêu trên không còn là điều khó thực hiện.
Nguồn: Báo Hà Giang