Những năm qua, phát triển du lịch Hà Giang luôn được quan tâm và có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong đó, phát huy du lịch nông thôn (DLNT) sẽ khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm DLNT. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Từ những thuận lợi về tài nguyên du lịch, Hà Giang chú trọng DLNT gắn với cộng đồng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó 16 làng đã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu. Trải qua nhiều giai đoạn, hiện nay sản phẩm du lịch cộng đồng đang được thực hiện xây dựng theo mô hình “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra, DLNT ở Hà Giang còn gắn với các làng nghề truyền thống như: HTX dệt lanh Lùng Tám, HTX thêu dệt vải thổ cẩm Lô Lô thôn Sảng Pả A, HTX đan quẩy tấu thôn Cá Chúa Đớ, xã Giàng Chu Phìn; Hợp tác xã may mặc trang phục dân tộc Dao xã Sủng Máng, làng nghề đúc lưỡi cày… ở một số địa phương trong tỉnh.
Khách du lịch chụp ảnh kỷ niệm tại một homestay Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm, xã Quản Bạ (Quản Bạ). |
Hầu hết các làng đều có tính đặc trưng gắn với các sản phẩm du lịch điển hình phù hợp với nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Các mô hình du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Giang, đã thu hút đông đảo khách du lịch tham quan và lưu trú, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tăng cao thu nhập cho người dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các làng. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch homestay tại các làng văn hóa du lịch trung bình đạt 50 đến 70 triệu đồng/năm, trong đó có những hộ đạt doanh thu gần 200 triệu đồng/năm.
Để thực hiện các mô hình như trên, tỉnh đã xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và triển khai có hiệu quả Đề án Bảo tồn các làng văn hóa dân tộc truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, gắn kết với hệ thống các danh lam thắng cảnh, đặc biệt là di sản thế giới Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, các di sản di tích văn hoá, lịch sử, địa chất, tâm linh tạo thành chuỗi liên kết sản phẩm trong phát triển du lịch cộng đồng.
Du khách, người dân trải nghiệm bắt cá chép trên những thửa ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì. |
Bên cạnh đó, tỉnh đã và đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp với hình thức tham quan, trải nghiệm các hoạt động sản xuất trồng cấy, thu hái, thưởng thức sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe từ dược liệu…
Lãnh đạo Sở Văn hóa TT&DL tỉnh cho biết: Trên cơ sở Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 16.02.2023 về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Mục tiêu đẩy mạnh phát triển DLNT gắn với quá trình chuyển đổi số có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% các điểm DLNT được giới thiệu xúc tiến quảng bá; 50% điểm DLNT ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phục vụ du lịch, bồi dưỡng nghề cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. Hiện tỉnh đang tập trung xây dựng 3 mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn, bao gồm: Điểm đến du lịch tham quan trải nghiệm nông nghiệp nông thôn (Thôn Khun, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình); điểm đến du lịch (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ); điểm đến du lịch sinh thái tìm hiểu bản sắc văn hóa (Thôn Tha, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang).
Xác định phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng. Chính vì vậy, các cấp, ngành của tỉnh cần huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, các dự án, tổ chức phi chính phủ và các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số cho phát triển du lịch. Trong đó chú trọng phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đối với các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng, đảm bảo điều kiện phục vụ, thu hút khách, khai thác có hiệu quả hơn nữa tài nguyên du lịch văn hóa địa phương.
Nguồn: Báo Hà Giang