Hàng năm, cứ vào ngày tỵ tháng Giêng âm lịch, người Dao lại tổ chức nô nức lễ hội Cầu Mùa, mở đầu cho một năm mới cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu. Đây là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao, không cầu kỳ, song lễ hội mang nhiều yếu tố tâm linh sâu sắc của cả cộng đồng dân tộc.
Trước ngày khai hội, người già trong bản đã phân công những người có uy tín, người cao tuổi làm bàn thờ để cho ngày lễ. Cột bàn thờ được làm bốn cây gỗ, xung quanh đan bằng nan nứa, phía bên trong đặt ba ống bầu to, dung làm bát hương. Ba bát hương đó thể hiện có trời, có đất, có con người, trong có đặt ít tiền vàng mã. Dưới gầm bàn thờ là một bó ngọn mía cầu mong cho mọi điều ngon ngọt.
Đến giờ làm lễ, bốn thanh niên được ăn mặc chỉnh tề đội lễ đi từ bốn hướng đi về nơi được chọn làm lễ. Trên mâm lễ là gà luộc, bánh chưng, tiền vàng mã. Trong các mâm lễ người ta quan niệm phải có nam, có nữ, vì thế nhất thiết trên mâm lễ phải có gà trống, gà mái. Thầy mo đọc bài cầu khấn cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, con cháu học hành thành đạt, nhà nhà no đủ. Cầu mong mọi sự bình yên, mọi người thi đua bảo vệ rừng, phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, yên bình loại bỏ dần những tập tục lạc hậu làm cho người Dao đói nghèo…
Kết thúc phần lễ, mọi người cùng nhau tham gia vào phần hội với các trò chơi dân gian kéo cho, đẩy gậy, ném còn. Đặc biệt trong trò chơi ném còn. Người Dao quan niệm rằng nếu ai ném quả còn qua vòng đầu tiên trong lễ hội là người đó gặp nhiều may mắn trong năm….
Nguồn: discoverhagiang