Sản phẩm du lịch “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc” gồm “Câu chuyện người dệt thổ cẩm giữa đất trời Tây bắc” và “Hùng vĩ Tây bắc, Ngược dòng sông Đà về miền ký ức” do 8 tỉnh Tây bắc mở rộng xây dựng – liên kết với thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ phát huy giá trị văn hóa được kết tinh từ lao động, sáng tạo của đồng bào vùng cao; tạo thương hiệu đặc thù vùng Tây bắc, thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Nói đến Tây bắc, có lẽ hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với hầu hết mọi người là khung cảnh kỳ vĩ, ảo diệu của những thửa ruộng bậc thang trải dài tựa như những “bức tranh” sơn thủy hữu tình. Sự cần mẫn của đồng bào vùng cao Tây bắc đã tạo nên “cực phẩm” của đất trời mà bất kỳ ai chỉ một lần trong đời được chiêm ngưỡng sẽ mãi in sâu vào tâm trí. Những đường nét uốn lượn dịu dàng với các mảng màu đan xen đầy kỳ ảo tạo nên sức lôi cuốn khó cưỡng.
Tháng 5, những cơn mưa đầu tiên báo hiệu vụ gieo trồng đã đến. Đây là thời điểm đồng bào dẫn nước từ khe núi về ruộng chuẩn bị cho vụ cấy duy nhất trong năm. Mỗi người một việc, khẩn trương tập trung cho việc đắp bờ giữ nước ở từng “bậc thang” sao cho nước vừa xâm xấp mặt ruộng, rồi khơi dẫn để nước tỏa đi từng thửa ruộng, và công đoạn cuối cùng là cấy lúa…, những thửa ruộng loang loáng nước tạo nên những mảng màu đa sắc, chỗ mang màu vàng của đất núi, chỗ lại như tấm gương phản chiếu mây trời, đan xen là màu xanh dịu nhẹ của mạ non mới cấy. Mùa lúa chín, ruộng bậc thang như một tấm thảm vàng.
Phải mất hàng trăm năm với sự cần mẫn, siêng năng cùng đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, đồng bào các dân tộc La Chí, Dao, Tày, Nùng, Mông… mới tạo nên những thửa ruộng bậc thang tuyệt tác. Các địa phương có nhiều ruộng bậc thang nhất có thể kể đến ở các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai; trong đó, ba địa danh là huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) gần 765 ha và Sa Pa (Lào Cai) gần 1.000 ha đã được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia.
Hành trình trải nghiệm danh thắng di sản ruộng bậc thang Tây bắc sẽ đưa du khách đến với khung cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp. Đầu tiên là Hòa Bình, du khách thăm bản Tiện – bản của người Mường, khám phá vẻ đẹp hoang sơ của Thung Nai, trải nghiệm du thuyền trên lòng hồ Hòa Bình, tham quan suối Thác Trạch, dâng hương tại đền thờ Chúa Thác Bờ và động Thác Bờ (Hòa Bình). Dọc theo quốc lộ 6, hành trình đưa du khách đến với Vân Hồ – huyện tiếp giáp Hòa Bình và Sơn La: thăm điểm du lịch cộng đồng và mô hình homestay tại bản Hua Tạt, khu du lịch sinh thái Rừng thông bản Áng, Công ty hoa cảnh Cao Nguyên, đồi chè Mộc Châu (Sơn La). Tiếp đó, Điện Biên chào đón du khách với những di tích lịch sử đã đi vào huyền thoại như Nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên Phủ, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồi A1 (Điện Biên)…
Đến Y Tý (Lào Cai) – nơi được mệnh danh là “người đẹp chưa thức giấc” bởi sự hoang sơ, hùng vĩ, hữu tình. Là một xã vùng cao thuộc huyện Bát Xát, nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, tựa lưng vào dãy núi Nhìu Cồ San cao 2.660m, nóc nhà là dãy Lảo Thẩn ở độ cao 2.860m, quanh năm mây mù bao phủ. Những cánh đồng A Lù, Ngải Thầu, Thề Pả hòa quyện với mây trời, thấp thoáng ẩn hiện trong biển mây là những ngôi nhà trình tường được làm bằng đất trông như những cây nấm khổng lồ tạo ra sức cuốn hút rất kỳ lạ. Đến đây, sự đặc sắc của du lịch cộng đồng Mường Hum, Y Tý, Lao Chải cũng là một trải nghiệm hết sức thú vị.
Và còn rất nhiều nét quyến rũ ở những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Tú Lệ (Yên Bái); sự hùng vỹ nhưng khá hiểm trở của đỉnh Chiêu Lầu Thi, huyện Su Phì (Hà Giang)…. đang chờ du khách tới khám phá…
Nét đặc biệt của sản phẩm du lịch mới được 8 tỉnh Tây bắc mở rộng xây dựng là các hoạt động bổ trợ được lồng ghép theo mùa tại từng địa phương cụ thể góp phần đem gia tăng giá trị trải nghiệm tại điểm đến cho du khách như các môn thể thao truyền thống bắn nỏ, đánh yến, thi đan quẩy tấu, thi thêu thổ cẩm, múa võ cổ truyền dân tộc… tham gia trekking, marathon, xe mô-tô, ô-tô, xe đạp địa hình… dọc trên những cung đường uốn lượn quanh ruộng bậc thang.
Với những du khách ưa thích du lịch mạo hiểm, không thể bỏ qua Festival dù lượn “Bay trên miền danh thắng năm 2023” vừa được khai mạc tại Mù Cang Chải (Yên Bái), và Hoàng Su Phì (Hà Giang), đem đến những màn trình diễn ấn tượng chưa từng có do các phi công thể hiện như nhảy dù từ độ cao 2.000m, 3.900m; các pha trình diễn nhào lộn; tạo hình trên không của các phi công dù lượn…
Thời điểm đến danh thắng di sản ruộng bậc thang đang được tập trung vào hai mùa chính trong năm là “Mùa trắng – Mùa nước đổ” (khoảng tháng 4, tháng 5) và “Mùa vàng – mùa lúa chín” (khoảng tháng 9, tháng 10). Trong thời gian tới để tăng khả năng khai thác, khắc phục tính mùa vụ trong phát triển du lịch ruộng bậc thang, các địa phương Tây bắc cùng với các doanh nghiệp du lịch lữ hành dự kiến sẽ tổ chức khai thác thêm “Mùa xanh-lúa thì con gái” (khoảng tháng 7, tháng 8) và “Mùa hoa đa sắc” (tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau) khám phá vẻ đẹp của những loài hoa trên ruộng như hoa cải, hoa tam giác mạch. Như vậy, du khách đến với danh thắng di sản ruộng bậc thang Tây Bắc vào mỗi mùa khác nhau, với những trải nghiệm khác nhau chắc chắn sẽ là những ấn tượng độc đáo cho mỗi người.
Thời gian qua, để chuẩn bị tốt cho sản phẩm du lịch đặc trưng danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang, các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TpHCM đã liên tục tạo ra sức mạnh của sự liên kết, chính sách hiệu quả và quyết tâm của các cấp chính quyền, để có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của một số tỉnh trong khu vực Tây Bắc được đầu tư, dịch vụ du lịch ngày càng chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, phong phú.
Vùng Tây bắc mở rộng gồm: Hà Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm qua, thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh, du lịch của các địa phương có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Nguyễn Huyên