Mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống riêng, mỗi bộ trang phục không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn thể hiện giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng, những giá trị được lưu giữ, truyền bá, góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc. Để giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn, huyện Quang Bình đã tích cực khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc này.
Thiếu nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống. |
Cuộc sống của người Pà Thẻn gắn liền với thiên nhiên, với những nét riêng độc đáo trong phong tục, tập quán và cách sinh hoạt văn hóa. Cùng với các dân tộc ít người khác trên địa bàn huyện Quang Bình, người Pà Thẻn có những đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể rất phong phú thể hiện sự gắn bó trong cộng đồng dân cư. Theo thời gian, do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều nét văn hóa độc đáo của người Pà Thẻn, trong đó có trang phục truyền thống có nguy cơ bị mai một, pha tạp. Trước thực trạng đó, chị Tải Thị Mai, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Bắc đã có cách làm sáng tạo, đó là mở lớp dạy miễn phí cho chị em hội viên biết cách dệt và tạo ra một bộ trang phục hoàn chỉnh của dân tộc mình. Mỗi sản phẩm dệt bao hàm trong đó không chỉ là sự sáng tạo, tính nghệ thuật mà còn chất chứa cả tâm hồn, tình cảm, suy nghĩ của con người Pà Thẻn. Chị Mai chia sẻ: “Ngày nay, thế hệ trẻ rất ít người biết tự làm ra trang phục của dân tộc mình, vì thế những thế hệ đi trước như chúng tôi muốn truyền lại cho đời sau nhằm giữ gìn và bảo tồn trang phục truyền thống để nó luôn hiện hữu trong đời sống, không bị mai một theo thời gian”.
Người Pà Thẻn làm trang phục truyền thống bằng tâm hồn, bằng cảm xúc của mình, biểu hiện những quan niệm đẹp đẽ, trong sáng, chất phác về mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, núi rừng. Qua đó, trang phục đã nói lên cốt cách, tâm hồn người Pà Thẻn, là nơi trải nghiệm những rung cảm mãnh liệt và chất chứa nguồn mỹ cảm vô tận trong đời sống cộng đồng. Nghệ thuật trang trí trên trang phục đã làm tăng giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật lên gấp nhiều lần, trang phục không đơn thuần chỉ đảm đương công năng che thân, giữ ấm mà còn có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động và sinh hoạt của người dân trong vùng, tạo nguồn cảm hứng sáng tạo cho các thế hệ người Pà Thẻn.
Thông qua nghệ thuật trang trí, người Pà Thẻn đã gửi gắm vào đó những nét đặc sắc của văn hóa, khát vọng cháy bỏng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người Pà Thẻn có trách nhiệm, say mê và tự hào về công việc thêu may trang phục để tạo nên nét đẹp duyên dáng mà dung dị, nồng nàn và quyến rũ, tài hoa và nhân văn, có sức hút mãnh liệt đối với mỗi cá nhân trong cộng đồng và trở thành ‘‘hồn cốt’’ của cộng đồng.
Qua khảo sát thực tế tại một số thôn, bản cho thấy nhu cầu sử dụng trang phục truyền thống trong cộng đồng ngày một ít, chỉ khoảng 30% số người biết cắt, khâu, trang trí trang phục, chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi (từ khoảng 40 tuổi trở lên). Đồng chí Hoàng Ngọc Bền, Chủ tịch UBND xã Tân Bắc cho biết: “Để bảo tồn và gìn giữ trang phục truyền thống, xã đã chỉ đạo thành lập HTX dệt thổ cẩm tại thôn My Bắc; tổ chức lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm, may trang phục cho các nghệ nhân để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm thổ cẩm thành sản phẩm OCOP có giá trị cao”.
Với sự tinh tế, nhẹ nhàng song không kém phần độc đáo, trang phục của dân tộc Pà Thẻn góp phần điểm tô cho bức tranh văn hóa các dân tộc thêm phong phú, nhiều màu sắc. Do đó, việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống hết sức quan trọng nhằm bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh.
Nguồn: Báo Hà Giang