Cách đây 80 năm, trong tình thế “nước sôi lửa bỏng” của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, để chống lại chính sách văn hóa phản động của thực dân Pháp và tay sai, Đảng ta đưa ra bản “Đề cương văn hoá Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị BTV Trung ương vào tháng 2.1943. Bản Đề cương với nhiều giá trị cốt lõi, thể hiện tầm nhìn xa, rộng, tư duy lý luận sắc bén, sự đúc kết thực tiễn sâu sát của Đảng và định hướng phát triển văn hóa được xem là Cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng ta.
Múa trống, nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú (Đồng Văn) được bảo tồn và phát huy. Ảnh: BIỆN LUÂN |
Trước hết, “Đề cương văn hoá Việt Nam” vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của thực dân Pháp; nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật. Đề cương cung cấp những lý luận căn bản cho đội ngũ cán bộ hoạt động văn hóa, tư tưởng; xác định văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hóa); phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa.
Đề cương đã đặt nền móng lý luận căn bản cho nhiều vấn đề quan trọng của văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thống nhất tư tưởng, nhận thức, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ. Đề cương khẳng định “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”; điều đó đã trở thành hiện thực khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam độc lập và nền văn hóa Việt Nam thực sự được tự do và cất cánh. Đề cương có sức lôi cuốn, quy tụ, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giới trí thức, văn nghệ sĩ khai mở nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần độc lập, ý chí tự cường, tích cực tham gia cách mạng để giải phóng dân tộc và xây dựng nền văn hóa mới.
Đề cương có giá trị thực tiễn quan trọng khi nêu ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Thực tế đã chứng minh, ba nguyên tắc nêu trên có tác dụng lớn, biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự cường, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.
Tinh thần và nội dung của “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943 được lĩnh hội và phát triển trong các Nghị quyết của T.Ư và bổ sung, cụ thể thêm các lĩnh vực: Tư tưởng, đạo đức, lối sống, di sản văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn học, nghệ thuật, thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa với thế giới, thể chế và thiết chế văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đảng xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội Đảng XIII của Đảng, vấn đề phát triển văn hóa được Đảng ta đề cập một cách toàn diện và sâu sắc từ chủ đề Đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam…”. Phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hoá là hồn cốt của Dân tộc, nói lên bản sắc của Dân tộc. Văn hoá còn thì Dân tộc còn…”. Xây dựng nền văn hoá Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, tính nhân văn, dân chủ và khoa học, làm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của T.Ư về phát triển văn hóa, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, quan tâm, chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó hoàn thành công tác tái đánh giá Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ III năm 2022; trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; khôi phục, bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống đồng bào các dân tộc; đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong các trường học; phát huy vai trò Hội Nghệ nhân dân gian; xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng; khảo sát nhận diện 370 di sản văn hóa phi vật thể; các giá trị văn hóa truyền thống như: Kiến trúc, trang phục, hoạt động sản xuất, ẩm thực, ứng xử cộng đồng, văn nghệ dân gian được bảo tồn và phát huy. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 73,5%, tỷ lệ làng văn hóa đạt 64,5%. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, quyết tâm vượt khó vì Hà Giang phát triển và tình yêu thương con người được phát huy mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh.
Sau 80 năm, những tư tưởng cốt lõi và mang tính thời đại của “Đề cương văn hóa Việt Nam” vẫn còn nguyên giá trị, góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nguồn: Báo Hà Giang