Ngày 15/8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững. Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hà giang có đồng chí Trần Đức Quý, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; đại diện Hiệp hội Du lịch và lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu được nghe Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu báo cáo nội dung, giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 82/NQ-CP và Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Nghị quyết số 82 chỉ rõ, để ngành Du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn các bộ, ngành, địa phương tập trung thực thiện tốt 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Hội nghị cũng nghe Trưởng phòng Quản lý xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) – Nguyễn Quý Phương, báo cáo nội dung về một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đồng thời tập trung thảo luận về giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP, Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Bộ VHTTDL phê duyệt ngày 2/3/2023 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm; phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa. Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm do Bộ VHTTDL ban hành ngày 14/7/2023, một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm gồm: mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khoẻ, sắc đẹp; mô hình mua sắm, giải trí đêm; mô hình tham quan, du lịch đêm; mô hình giới thiệu văn hoá ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Để phát triển sản phẩm du lịch đêm cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: giải pháp quy hoạch và quản lý đô thị, giải pháp về cơ chế, chính sách, nguồn nhân lực, đầu tư, định hướng thị trường và xúc tiến quảng bá….
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý nhấn mạnh một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang như: Quy hoạch Chiến lược phát triển du lịch; hỗ trợ vốn, lãi suất để phát triển du lịch mạo hiểm, Làng văn hóa du lịch cộng đồng; tăng cường công tác quảng bá, kết nối với các Công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước…
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 82; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 và mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…
Hoàng Mạnh Hưng – TTXTDL