Cấp sắc hay còn gọi là lễ trưởng thành của người Dao là một nghi lễ tâm linh văn hóa đặc sắc. Những tháng cuối năm và đầu năm là mùa cấp sắc của người Dao bởi khi đó là thời điểm nông nhàn của cộng đồng này. Những lễ cấp sắc được các gia đình tổ chức cho con trai của họ với sự tham gia của người thân, cộng đồng làng bản và đặc biệt là các thầy cúng, những người làm nên thành công của buổi lễ.
Chuẩn bị lễ hạ đài cho người được cấp sắc. |
Được lời mời của một gia đình người thân ở bản Dao Hòa Sơn, xã Thuận Hòa, Vị Xuyên chúng tôi đến dự lễ cấp sắc cho một cậu bé 11 tuổi. Để chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng này, gia đình đã dành nhiều năm chăn nuôi lợn, tích trữ lương thực để mời các thầy và người thân đến chứng kiến buổi lễ. Với cả gia đình đây là một sự kiện quan trọng bởi sau lễ trưởng thành cậu bé được cộng đồng ghi nhận là một người đàn ông, có trách nhiệm và có thể tham gia các hoạt động tâm linh, cộng đồng quan trọng của bản làng.
Lễ cấp sắc được chuẩn bị chu đáo, các thầy cúng được mời về gia đình để chọn ngày và giúp cử hành các bài lễ gắn kết với thiên nhiên và các vị thần linh. Lễ cúng lần này của cháu Bàn Văn Tài, 11 tuổi được thực hiện bởi 12 vị thầy cúng trong bản, các vị thầy cúng là những người đã được cấp sắc phong thầy trong những dịp lựa chọn đặc biệt vào mùa Xuân. Họ được truyền dạy những nghi lễ, những bài cúng viết bằng chữ Nôm để có thể thay mặt người được cấp sắc giao kết với Tổ tiên và các vị thần trong hệ thống tín ngưỡng của người Dao. Trước khi làm lễ, người được cấp sắc sẽ phải ngồi biệt lập trong phòng kín không ăn đồ mặn, không tiếp xúc nói chuyện với người ngoài và cả người thân, khi đi ra ngoài phải che mặt đội mũ kín. Khi đi cậu bé được cấp sắc sẽ được quấn trong chăn kín nằm trước bàn lễ chờ thầy gọi dậy để cùng tham gia các nghi lễ tiếp sau đó. Các thầy cúng thay nhau thực hiện các nghi lễ, đọc văn cúng và nhảy múa liên tục từ khi các bài lễ được bắt đầu. Đêm lễ chính thực hiện xuyên đêm không ngủ chỉ có những sức mạnh kỳ bí giúp họ có thể lực và tinh thần minh mẫn để thực hiện nghi lễ liên tục như vậy.
Cái hay của lễ cấp sắc của dân tộc Dao chính là bên cạnh các nghi lễ của thầy chủ lễ và người cấp sắc thì người thân và cả người ngoài có thể cùng dự phần vào nghi lễ không bị các phép tắc ngăn cấm. Đây cũng là thời điểm để các em bé muốn học viết chữ Nôm của người Dao, học đánh trống có thể tham gia trực tiếp dưới sự hướng dẫn của các thầy. Phụ nữ có thể tụ lại học các bài cọi, bài hát Páo Dung… trong lúc các bài cúng được diễn ra. Trong không gian của buổi lễ luôn rộn ràng tiếng trống, chiêng, vừa mang đậm màu sắc vui vẻ để xua đi những điều không may mắn. Nên có thể coi lễ cấp sắc là một cuộc diễn xướng tâm linh đầy hấp dẫn với sự tham gia của nhiều thành phần.
Trong một lễ cấp sắc thường có 10 hoặc 12 bài cúng được diễn xướng trong 2 ngày 1 đêm, trước đây có thể kéo dài đến 3 ngày. Mỗi bài cúng đều có ý nghĩa riêng để bắt đầu nghi lễ chứng minh sự trưởng thành cho một chàng trai người Dao. Nhiều hoạt động nhảy, múa trong không gian kín và các hoạt động diễn xướng ở ngoài trời mang nét riêng vô cùng đặc sắc. Trong đó được mong đợi nhất có lẽ là sự xuất hiện của người đeo mặt nạ quỷ nhảy nhót và trêu đùa với các thầy cúng, người thân của cháu được cấp sắc. Khi nhân vật mang tiếng cười tượng trưng cho một vị thần hộ vệ từ rừng thiêng đến bảo hộ cho đứa bé sắp ra đời tránh khỏi sự truy đuổi của ma quỷ. Vị thần này xuất hiện với một mặt nạ kỳ dị và mang theo một túi vải, một cây súng, nỏ gỗ liên tục nhảy múa, và rúc lên những tiếng vui tai suốt thời gian xuất hiện. Chiếc mặt nạ của vị thần này được làm cầu kỳ từ gỗ và sừng động vật là một trong những vật quan trọng của người Dao chỉ dùng trong lễ cấp sắc.
Với người được cấp sắc, nghi lễ quan trọng nhất là lên đài và hạ đài. Cậu bé được cấp sắc sẽ được một thầy cúng giúp đưa lên đài, các thầy còn lại sẽ thực hiện các nghi lễ để cậu ngả người ngã xuống từ đài gỗ để chuẩn bị kết thúc lễ trưởng thành cho cậu. Sau khi kết thúc nghi lễ hạ đài, cậu bé trải qua một quá trình như được sinh ra một lần nữa nhưng với một tâm thế khác từ thiếu nhi đã trở thành người trưởng thành có nghĩa vụ và quyền lợi tham gia công việc gia đình, làng bản, được dạy các nghi thức làm thầy cúng. Đây là bước chuyển quan trọng nhất trong đời của một chàng trai người Dao, phải trải qua nghi thức đặc biệt này cậu mới được tính là đã trưởng thành và có thể tham gia các việc lớn trong gia đình và xã hội.
Nguồn: Báo Hà Giang