Cùng những người bạn phương xa, tôi vượt con đường uốn lượn giữa rừng già Tùng Vài, Cao Mã Pờ (Quản Bạ) để đến Núi Hoa Homstay – một điểm nghỉ dưỡng xinh đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên thuộc thôn biên giới Chín Chu Lìn, xã Cao Mã Pờ.
Homstay Núi Hoa giữ nguyên kiến trúc truyền thống. |
Cao Mã Pờ là xã biên giới mà ít nhất một lần ai cũng từng nghe tới khi đến với huyện Quản Bạ bởi cái tên đặc biệt. Cách trung tâm huyện chừng hơn 1 giờ đồng hồ đi xe máy, Cao Mã Pờ có 8 thôn, bản là địa bàn sinh sống của người Nùng, Mông, Hoa nổi tiếng với các sản vật đặc trưng như: Ấu tẩu, Tam thất… và khu bảo tồn Voọc mũi hếch thứ 2 trên địa bàn tỉnh.
Homstay Núi Hoa nằm bên dưới cột mốc biên giới 291 cũng là nơi sinh sống của đồng bào Hoa. Đi xe máy từ địa phận xã Tùng Vài, Cao Mã Pờ vào thôn Chín Chu Lìn là hành trình xuyên qua rừng núi nguyên sinh với màu xanh bạt ngàn. Những ngọn núi với rừng nguyên sinh tạo ra khí hậu trong lành xanh mát cho vùng đất giáp biên xa xôi này. Dưới những ngọn núi xanh thẳm là các bản làng, xóm nhỏ với những nếp nhà trình tường đặc trưng kiến trúc của người Mông, Hoa ẩn hiện dưới hàng trúc xanh rì và dòng suối mát trong. Khung cảnh yên bình của Cao Mã Pờ mang nét riêng của kiến trúc và văn hóa người Mông, Hoa tạo ra ấn tượng khó quên khi đến mảnh đất này.
Nét đặc trưng của khí hậu, thổ nhưỡng và địa hình của Chín Chu Lìn đã thu hút nhiều người tìm đến thưởng ngoạn. Anh Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ bị sức hút của nơi biên giới này nên đã đầu tư mở Homstay cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Từ năm 2021, Homstay Núi Hoa được mở, giữ nguyên kiến trúc nhà trình tường cổ của người Hoa đã trở thành địa điểm hấp dẫn du khách. Khi được hỏi về cái tên Núi Hoa đặt cho Homstay của mình, anh Trãi cho biết: Gọi nơi đây là Núi Hoa bởi vẻ đẹp của thôn biên giới này, vào mùa Xuân cả bản làng tràn ngập sắc màu của hoa đào, mận, trà, Đỗ quyên… sắc màu của các loại hoa khiến nơi đây như một tiên cảnh làm ai cũng mê đắm không rời.
Mùa lê ở thôn Chín Chu Lìn, xã Cao Mã Pờ (Quản Bạ). |
Tới Chín Chu Lìn, chúng tôi choáng ngợp bởi vẻ đẹp của nơi biên cương; cung đường men theo dòng suối vào thôn với hai hàng cây xanh rì, khí hậu trong lành. Tới Homstay Núi Hoa, chúng tôi được tham quan kiến trúc cổ của người Hoa với nếp nhà trình tường, đời sống yên bình gắn với núi rừng của bà con nơi đây. Sau hành trình tham quan cột mốc biên giới 291, chúng tôi được bạn hướng dẫn viên cũng là quản lý Homsay đưa đi khám phá đời sống của bà con vùng biên, cùng họ thu hoạch củ Ấu tẩu làm thuốc, hái những quả lê chát ngọt đầu mùa…
Hành trình của chúng tôi tiếp nối với những chuyến tham quan vườn ươm và trồng cây cảnh, hoa của người dân bản địa. Với sự nhạy bén và nắm bắt lợi thế địa phương, bên cạnh trồng các loại dược liệu như Ấu tẩu, Tam thất… bà con nơi đây còn trồng hoa và cây cảnh, kinh doanh du lịch. Những loại cây độc đáo như: Đỗ quyên, Mộc hương, Trà móng rồng hoa đỏ, Táo gai… được ươm trồng đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình. Anh Thèn Văn Dũng, một thanh niên trồng cây cảnh và kiếm thu nhập khá từ các loại cây hoa cho biết: Hoa rừng ở các thôn biên giới đẹp, nhiều người tìm mua nên tôi cùng bà con ươm và bán sản phẩm, tạo ra nguồn thu lúc nông nhàn.
Từ Homstay Núi Hoa yên bình nhìn ra thung lũng Cao Mã Pờ xanh rì bên trên là mây trắng lảng bảng bay khung cảnh nên thơ, trữ tình và quyến luyến du khách. Mặt trời xuống núi là lúc khí hậu thay đổi dù mùa Hè nhưng với độ cao lớn Chín Chu Lìn vẫn lạnh về đêm. Lúc này cùng bạn bè ngồi bên nồi lẩu bò một đặc sản ở Cao Mã Pờ là một trải nghiệm khó quên nữa khi đến với mảnh đất biên giới này.
Bài, ảnh: TRỌNG TOAN