Với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao Tủa Chùa thì những ngày sau Tết nguyên đán luôn được mọi người háo hức mong đợi. Bởi thời gian này, hoạt động du xuân của cộng đồng dân tộc Mông ở đây mới chính thức nhộn nhịp, sôi nổi.
Đồng bào Mông ở 13 xã, thị trấn của huyện Tủa Chùa lại cắt núi, băng rừng tìm về điểm tập trung chơi xuân. Tại các xã vùng cao, nằm trên cao nguyên đá như Tả Phìn, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, Sín Chải… nhờ hoạt động du xuân của bà con dân tộc Mông cùng những trò chơi mang đậm nét văn hóa bản địa mà vùng cao nguyên đá này sau những ngày im lìm đã được “thức giấc”.
Khi Tủa Chùa vào xuân, những dãy núi, thung lũng được bao phủ một màu xanh tươi, mang lại cảm giác bình yên và thư giãn.
Khi cái nắng ngày mới đủ ấm, làm loãng đi sương núi thì từng dòng người ở các ngả, trên các nương đá xuất hiện, nối chân nhau đổ xuống bãi chơi xuân. Nhiều đoàn người tản bộ du xuân trên con đường về trung tâm xã với sắc phục truyền thống nhiều sắc màu…. Từng tốp đàn ông trai tráng điều khiển xe máy đổ dốc, xuôi về nườm nượp. Các phụ nữ lại đi bộ, bất chấp quãng đường dài hàng chục km, mặt ai cũng ửng hồng, tiếng nói, cười giòn tan, vui vẻ. Thú vị một điều, trong nhiều tốp trai gái cùng trang lứa du xuân, chúng tôi cũng bắt gặp trên tay họ những bọc nếp, những chai nước mang theo.
Trên những nương đá tai mèo nằm hai bên đường, trải dài ngút mắt cũng có sự hiện diện của con người: Những chiếc ô che nắng cứ lấp ló, e thẹn, xoay tròn ngại ngùng sau những phiến đá im lìm, xanh xám- nơi đó từng tốp nam, nữ đang trò chuyện, thì thẩm… Những chàng trai Mông tay mang khèn, chân trần mạnh bạo lách mình trên nương đá tai mèo để kịp gặp bạn gái đang chờ đợi bên những tảng đá to. Tiếng khèn lá đâu đó cũng vọng về như bất chợt đánh thức mọi người nhanh chân vào bãi đất rộng, nơi sẽ diễn ra các hoạt động vui chơi. Ngay từ sáng sớm, người dân ở các bản trong và ngoài đã tụ họp, kéo nhau về địa điểm vui chơi lọt thỏm giữa điệp điệp, trùng trùng những núi đá vôi, những nương đá tai mèo…
Đồng bào tại Tủa Chùa đi chơi hội