Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 454km, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (nước CHND Trung Hoa), phía Tây và Tây Nam giáp tỉnh Phong-sa-ly và Luông-pha-bang (nước CHDCND Lào).
Là tỉnh duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang được đầu tư, nâng cấp khá đồng bộ và đa dạng với càng hàng không Điện Biên Phủ – cầu nối đường hàng không duy nhất của khu vực Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, được quy hoạch là sân bay quốc tế tiểu vùng, hiện đang được nâng cấp, mở rộng; hệ thống đường bộ đi Sơn La – Hòa Bình – Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ tạo thành cung kết nối giữa các tỉnh, vùng miền trong và ngoài nước; là cầu nối thuận lợi giữa khu vực Bắc Bộ với các tỉnh Bắc Lào; khu vực Tây Nam Trung Quốc và Đông Bắc Thái Lan.
Toàn cảnh thành phố Điện Biên Phủ
Trong thời gian qua, một trong những sản phẩm du lịch đang được tập trung phát triển, tạo cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống là du lịch cộng đồng. Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, (hiện nay toàn tỉnh có 12 bản văn hóa và 06 homestay đang triển khai các dịch vụ phục vụ khách du lịch ẩm thực, giao lưu văn hóa văn nghệ, sản xuất hàng thủ công truyền thống…) mỗi bản văn hóa du lịch đều có những nét văn hóa đặc trưng, những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống, những phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, trong tín ngưỡng, nghệ thuật ẩm thực, nghề thủ công truyền thống… độc đáo, riêng có cùng với các lễ hội truyền thống, tiêu biểu như: Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội đền Hoàng Công Chất, Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én, các lễ hội, tết truyền thống của đồng bào Thái, Mông, Lào, Hà Nhì…. giúp du khách có nhiều trải nghiệm thú vị khi đến du lịch tại Điện Biên.
Lễ hội Đua thuyền Đuôi Én thị xã Mường Lay
Địa chỉ tuyệt vời của du lịch cộng đồng tại Điện Biên chính là những địa bàn cư trú lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều bản làng của đồng bào đã được quan tâm đầu tư khai thác phục vụ du lịch như: Bản Nà Sự (huyện Nậm Pồ), Bản Mển, Bản Che Căn, Bản Phiêng Lơi, Bản Him Lam (thành phố Điện Biên Phủ), Bản Ten (huyện Điện Biên),… là những bản văn hóa du lịch đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch cộng đồng Điện Biên, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn. Nơi đây không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ.
Các điểm du lịch cộng đồng này hiện đang khai thác nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn. Ngoài dịch vụ lưu trú homestay còn có các dịch vụ ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và mua sắm. Khi đến đây du khách được thư thái, nghỉ ngơi ở một nơi xa lạ, khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ với cảnh quan độc đáo, thanh bình; được trực tiếp được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, thưởng thức ẩm thực, hòa mình vào các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc và lưu giữ những sản vật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ để làm quà cho gia đình, người thân.
Điểm du lịch cộng đồng bản văn hóa Nà Sự
Mới đây nhất, điểm du lịch cộng đồng bản văn hóa Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) đã chính thức đón khách du lịch. Đây là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới Nậm Pồ. Bản Nà Sự nằm bên quốc lộ 4H, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 120km, trên tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ đi huyện Mường Nhé. Nà Sự là bản đồng bào dân tộc Thái. Đến điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ; thưởng thức ẩm thực địa phương; nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản.
Sự khác biệt khác khi du khách đến Điện Biên phải kể đến huyện Tủa Chùa nơi được ví như “Tây Bắc thu nhỏ” không chỉ nổi tiếng với “Rượu Mông pê, dê núi đá, cá sông Đà”; “tiểu Hà Giang” hay “Hạ Long trên cạn mà còn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, nhiều mô hình tại các thôn, bản văn hóa. Tại các xã như: Sín Chải, Tả Phìn, Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng đã và đang xây dựng, hình thành các mô hình du lịch cộng đồng. Bản Tiên Phong và bản Phai Tung là hai bản được xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) lựa chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Cảnh quan của bản thoáng đãng, môi trường xanh, sạch, đẹp với những đường hoa rực rỡ. Đường bê tông nội bản được bà con đồng lòng góp sức hoàn thành để thay thế những con đường đất đá gồ ghề. Những ngôi nhà sàn khang trang gắn biển homestay được trang trí bắt mắt… Các gia đình trong bản đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường và chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm để cung cấp tại chỗ.
Homestay Cộng đồng
Và để được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hoá Thái cổ, thì du lịch cộng đồng Mường Phăng tại bản Che Căn – bản của người dân tộc Thái đen sẽ là một lựa chọn hoàn hảo cho du khách. Cách thành phố Điện Biên Phủ chỉ 30km, Che Căn được biết tới là bản bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ, là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đến với xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên phủ, tỉnh Điện Biên. Thả bộ lững thững trên con đường nhỏ đắm mình trong khung cảnh lãng mạn của đồng lúa, núi rừng, xa xa là những lũy tre vươn cao, cùng những mái ngói rêu đỏ của bản làng Che Căn. Bản dựa lưng vào một phần dãy núi Pú Đồn, có đỉnh cao nhất là Pú Tó Cọ, cao hơn 1.700m so với mặt biển. Chính trên đỉnh núi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho đặt trạm quan sát để theo dõi diễn biến, hình thái chiến trường ở lòng chảo Mường Thanh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Với gần 100 hộ dân đều là đồng bào dân tộc Thái, bản Che Căn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ độc đáo, ít nơi có được như: kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, trang phục, tín ngưỡng, lễ hội…; ngoài ra còn có các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, mộc, làm nhạc cụ truyền thống… Đi sâu vào bản, là những con đường bê tông hóa sạch sẽ, thoáng đãng, hai bên đường được trồng muôn loài hoa đủ sắc màu, thỉnh thoảng xen lẫn những chiếc giỏ đan thân thiện với môi trường điệu mang dòng chữ “Cho tôi xin rác!” bên những nếp nhà sàn rêu phong… Những người phụ nữ trong trang phục dân tộc Thái hân hoan nở những nụ cười hiếu khách. Đây đó, nhiều chị em đang thêu thùa, may vá bên hiên nhà, nấu những món ăn dân tộc truyền thống.
Ẩm thực phong phú
Tại Che Căn, có dịch vụ xe đạp dành cho du khách khám phá khắp bản làng. Đạp xe len lỏi qua những ngõ nhỏ, rồi những lối nhỏ giữa cánh đồng ngát hương lúa đang vào độ gặt, đắm mình dưới ánh hoàng hôn. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể trải nghiệm một lần ngồi thử xe trâu hoặc tản bộ khám phá bản làng; hoặc trải nghiệm chèo thuyền, ngồi trên thuyền vãn cảnh lòng hồ Pa Khoang và lên đảo Hoa Anh Đào thơ mộng. Đến với ẩm thực Che Căn, du khách sẽ được thưởng thức văn hóa ẩm thực hấp dẫn của đồng bào Thái được chế biến cầu kỳ với các món ngon như: cá nướng (pa pỉnh tộp), nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, nậm pịa, gà nướng mọi, lợn bản hấp lá chuối, lạp sườn gác bếp, măng rừng luộc chấm chẳm chéo, xôi tím, xôi ngũ sắc, cơm lam, bắp cải cuốn nhót xanh… Sau đó sẽ là không gian văn hóa văn nghệ đậm chất đồng bào dân tộc Thái với những làn điệu dân ca dân cũ, những điệu xòe, nhảy sạp…
Mô hình du lịch cộng đồng ngày một phát triển
Mô hình du lịch cộng đồng tại các bản văn hóa đã được xây dựng và duy trì thành công, không chỉ mang lại cho du lịch Điện Biên một diện mạo mới mà còn thiết thực làm thay đổi nhận thức, lối sống, tư duy, cách làm kinh tế gắn với du lịch của đồng bào các dân tộc. Người dân điểu được ý nghĩa của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế – xã hội, là điều kiện tốt để giao lưu văn hóa, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Bên cạnh đó, họ cũng trân trọng và tích cực khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc mình, đặc biệt đối với những di sản gắn với hoạt động du lịch như ẩm thực, trình diễn nghệ thuật, trang phục, kiến trúc, nghề truyền thống, lễ hội… Đồng thời cũng học tập, kế thừa và làm sống động các giá trị văn hoá cổ truyền, giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau, hiểu hơn, tự tin hơn về các giá trị văn hoá của dân tộc mình cũng như tôn trọng giá trị văn hoá của các dân tộc khác. Điện Biên đã có 31 nghề, làng nghề truyền thống đạt tiêu chí. Phát triển làng nghề gắn với du lịch cộng đồng vừa sản xuất kinh doanh vừa phục vụ du khách đến tham quan trên địa bàn tỉnh Điện Biên đang được quan tâm, chú trọng như: dệt thổ cẩm của người Thái tại các bản Mển, bản Him Lam 2, bản Co Mỵ, bản Che Căn; làm bánh khẩu Xén ở thị xã Mường Lay; mây tre đan tại xã Nà Tấu (huyện Điện Biên); dệt thổ cẩm của người Lào ở xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) và xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông); nghề thêu thổ cẩm ở bản Tà Là Cáo (xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa)…
Hãy đến Điện Biên để tìm hiểu, khám phá vùng đất “Mường trời – Mường Thanh – Điện Biên” đầy thơ mộng và hùng vĩ, hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc trong sự thân thiện, hiếu khách của đồng bào các dân tộc nơi đây, chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng, trải nghiệm khó quên.