ĐBP – Làm cách nào tạo dấu ấn cho du lịch Điện Biên? Câu hỏi đặt ra không mới song theo ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH – TT và DL) thì “đáp án” cho câu hỏi đó là vấn đề “dễ mà lại rất khó”; nhất là với mục tiêu xây dựng du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, Điện Biên là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của vùng Trung du miền núi Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung. Điện Biên có nguồn tài nguyên du lịch khá phong phú, đặc biệt là các loại hình du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái; trong đó nổi bật là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, thực tế du lịch Điện Biên chưa “cất cánh”, chưa đóng góp lớn vào GRDP của tỉnh cũng như chưa thực sự tạo được dấu ấn đối với du khách đến tham quan, tìm hiểu. Và điều đáng suy ngẫm là sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và ngành du lịch, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thực sự tạo sức hút đối với du khách đến với Điện Biên.
Lý giải cho thực trạng này, ông Đoàn Văn Chì cho rằng, một trong những nguyên nhân mang tính quyết định đó là cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông (đường đến các điểm, khu di tích) do thiếu nguồn lực đầu tư. Do đó, cùng với việc tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt phân khu chi tiết Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ – Pá Khoang; khu du lịch sinh thái hang động Pa Thơm để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, Sở VH – TT và DL đã tham mưu cho tỉnh phối hợp với Bộ VH -TT và DL triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hỗ trợ tín dụng. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2017 bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Á Châu, ngành du lịch Điện Biên được đầu tư hơn 170 tỷ đồng để nâng cấp tuyến từ TP. Điện Biên Phủ đến Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng (huyện Điện Biên) và xây dựng Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Thông tin du lịch. Cùng với 145 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó, 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 5 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao; 6 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao; 2 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, 1 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa) sẽ là điều kiện thuận lợi góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để du lịch Điện Biên có thêm lực “hút”.
Nhằm phát huy cao nhất giá trị của quần thể di tích quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ để phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh, ngành VH – TT và DL tiếp tục thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phục dựng một số di tích thành phần thuộc di tích quốc gia đặc biệt – di tích chiến trường Điện Biên Phủ: Khu trung tâm đề kháng Him Lam, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ – giai đoạn II. Lập và triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo, tu bổ và phục dựng các di tích Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (giai đoạn II), Trận địa bao vây tấn công của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; khôi phục bản Thái cổ; đồi Độc Lập. Triển khai đầu tư các dự án: Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (tại đồi E2), Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ; đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trên đồi A1 và cứ điểm khu đề kháng Him Lam; khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (tại Mường Phăng); đầu tư xây dựng địa điểm tổ chức xên Mường Thanh tại TP. Điện Biên Phủ; tượng đài Thanh niên xung phong tại huyện Tuần Giáo…
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Không chỉ cần được đầu tư cơ sở hạ tầng, để du lịch Điện Biên phát triển với những dấu ấn riêng, rất cần có sản phẩm du lịch đặc trưng mang bản sắc văn hoá Điện Biên. Như chúng ta đã biết, lâu nay, sản phẩm du lịch Điện Biên còn đơn thuần… Du khách đến rất khó để tìm được quà tặng nào mang đậm bản sắc Điện Biên; nhiều người đã thẳng thắn nói rằng, sản phẩm quà tặng du lịch Điện Biên cứ na ná Sơn La, Lai Châu, Lào Cai. Do vậy mà yêu cầu xây dựng, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng Điện Biên đã, đang đòi hỏi mỗi người làm công tác văn hoá của tỉnh nói riêng và mỗi người dân nói chung một tâm huyết, tình yêu với Điện Biên lớn hơn, để sáng tạo ra sản phẩm đặc trưng hoặc làm những sản phẩm truyền thống phải thực là “made in Điện Biên”.
Tìm hiểu thực tế này, được biết, căn cứ vào điều kiện thực tiễn, nguồn lực đầu tư, ngành du lịch Điện Biên đưa ra giải pháp tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng của Điện Biên, đó là: Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, Tượng đài kéo pháo, Tượng đài tại Công viên mừng chiến thắng Mường Phăng để tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch. Ngành cũng đầu tư kinh phí duy trì nhiều lễ hội, như: Lễ hội Đền Hoàng Công Chất – Thành Bản Phủ, Lễ hội Đua thuyền đuôi én, Lễ hội Hoa ban… Từ năm 2014 đến nay, Lễ hội Hoa ban trở thành hoạt động thường niên, đặc trưng được tổ chức nhằm phục vụ du lịch địa phương phát triển. Để tạo điểm nhấn cho Lễ hội Hoa ban được tổ chức năm 2017, ngoài các hoạt động truyền thống như nhiều năm trước, cuộc thi Người đẹp Hoa ban lần đầu tiên được tổ chức và cuộc thi xe đạp thồ tái hiện lại cảnh người dân, dân công hỏa tuyến vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ để du khách được trải nghiệm, tìm hiểu hứa hẹn sẽ tạo được điểm nhấn, tạo sức hút đối với du khách khi tham gia…
“Đổi mới tư duy phát triển du lịch” – ông Đoàn Văn Chì đã cho biết như thế và lý giải rằng, thời gian tới cách làm du lịch của Điện Biên sẽ đi vào thực chất hơn khi nhà quản lý đặt mình vào vị trí du khách để xem khách cần gì thì đáp ứng. Điện Biên cũng sẽ tận dụng cơ hội quảng bá du lịch Điện Biên bằng cách thu hút việc tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia, khu vực để xây dựng Điện Biên thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Minh Thùy