Lễ Xên bản (cúng bản) ngành Thái đen tỉnh Điện Biên

Dân tộc Thái, ngành Thái đen ở tỉnh Điện Biên có nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu như: Lễ cầu mưa, lễ lên nhà mới, lễ Xên bản, Xên mường… Trong đó lễ Xên bản (lễ cúng bản) là một lễ hội quan trọng, có ý nghĩa với đồng bào Thái từ xưa đến nay. Lễ Xên bản diễn ra tại Đông xên bản nơi có gốc cây to cổ thụ, là địa điểm linh thiêng để ma bản, ma thổ địa cư ngụ.

Lễ Xên bản được tổ chức theo chu kỳ hàng năm vào tháng 03 âm lịch, diễn ra với mục đích xướng báo các vị thần linh, ma nước, ma núi, ma rừng, ma thổ địa… về hưởng thụ đồ lễ, bảo vệ và phù hộ cho dân bản được bình an, ấm no, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm của cuộc sống, hỏi thăm sức khỏe nhau, tạ ơn các vị thần cai quản bản mường và cầu xin các vị thần linh trong năm mới phù hộ cho dân bản mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bội thu, bản làng yên vui, no ấm, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để mọi người hàn gắn những rạn nứt, mâu thuẫn, tu chỉnh bản thân, chuộc lại lỗi lầm, góp phần cho bản làng được yên vui hơn, đồng thời cùng nhau tham gia vào các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc, cùng hòa mình vào không khí rộn ràng, tươi vui của ngày hội.

Chuẩn bị mâm lễ cúng Xên bản

Mâm chủ áo (chẩu xửa) gồm:

Một áo của chủ áo (chẩu sửa): Có thể lấy áo của trưởng bản là người có uy tín, được dân bản lựa chọn làm áo chủ lễ (áo người giữ bản đại diện cho người dân trong lễ Xên bản);

Một đĩa trầu cau: Để các thần dùng khi làm lễ;

Búa, đe, kìm: Đặt cạnh mâm chủ áo để đánh thức “Y khí” dậy đúc khuôn cho chủ tạo mới của bản;

Bung thóc: Để dâng các thần nuôi ngựa, nuôi rồng;

Một cái chài: Buộc đầu chài trên cao và thả xuống (xặng lẩu khắt) tượng trưng hàng rào lưới chặn ma;

Một thanh giáo (hók): Phần cán giáo cắm vào bung thóc, lưỡi giáo quay lên trên có ý nghĩa bảo vệ sự bình yên cho dân bản;

Chum rượu cần: Sau khi Mo làm lễ mời các vị thần xong, mo mời các già mường, già bản uống rượu và rượu cần để lấy khí thế, sức mạnh, chiến thắng ma tà trước khi ra rừng cúng (Đông xên).

Mâm lợn: Dâng các ma Then và tất cả các thần linh trên trời, dưới trần. Mâm được lót lá chuối gồm: sườn nướng, thịt nướng, thịt trộn gia vị, 01 bát tiết canh, 02 gói xôi, 06 chén rượu, 06 đôi đũa đặt quanh mâm.

Mâm gà dâng ma cổng bản (tu xửa):

Gà dùng để dâng lễ không được cắt tiếtdùng dây lạt để treo vật hiến tế. Theo quan niệm cho rằng không được cho tiết chảy ra ngoài thì ma mới được ăn tươi và vui lòng chấp nhận.

Mâm lễ gồm có: Một con gà, một gói xôi, 02 chén rượu, đặt hai chiếc ta leo ba nhánh (ta leo xam kha) bên cạnh mâm gà và hai gánh nhỏ, một bên là sọt đựng hạt bông, một bên là sọt đựng thóc (trấu).

Mâm vịt: Lễ vịt dâng thần thuồng luồng nơi vũng sâu, sông suối. Vật hiến tế được cắt tiết, mổ phanh, luộc chín để làm mâm lễ dâng ma đất ma nước, thần rắn rết…

Diễn trình nghi lễ

Cúng mâm chủ áo (chảu xửa).

Mâm chủ áo đã chuẩn bị đầy đủ, mo tiến hành làm lễ, mo bỏ khăn đội đầu ra, quỳ xuống trước mâm lễ chắp hai tay lạy ba lạy, rồi tiến hành xướng lễ, tay cầm búa thỉnh thoảng gõ vào đe tạo nên tiếng vang với ý nghĩa đúc khuôn cho tạo bản, tạo mường. Lời xướng lễ:

“Dậy đi mặt Đe nhỏ Y Khí, dậy đi hồn Búa thiêng, dậy đúc sắt đúc đồng trong khuôn, đúc thành chủ thành tạo cai quản mường bản đừng lụi, sắp lụi có ống bầu đựng nước hồi sinh treo cổ, chiếc trâm thiêng có dây bạc quấn chặt búi tó, gậy ” Da Mom ” sống lâu, sống lâu để đội nón trống gậy, sống lâu để tập hợp toàn dân đoàn kết dựng mường, mạnh như lửa cháy rừng lan rộng, cháy lên tận núi đá rừng sâu, tạo mường ta được tạo mường cạnh cùng chung sức, người muôn mường tự nguyện đến hầu hạ, con trai Mọi (Mường) đến cày ruộng lúa, thanh niên Lào đến cày ruộng mạ, đuổi voi, ngựa vào ở chung sân, giống lúa thấp đi cấy ruộng cao, thóc đầy sọt đến làm lễ” rượu khắt”, chặt cọc dựng mắc chài, phận làm Mo làm Nghè mường trần đừng lụi, sắp lụi có ống bầu đựng nước hồi sinh treo cổ, chiếc trâm thiêng có dây bạc quốn chặt búi tó, gậy “Da Mom” sống lâu, sống lâu để đội nón chống gậy, sống lâu để tập hợp toàn dân đoàn kết dựng mường”

Sau khi mo xướng lễ xong tất cả cùng nhau uống rượu cần trước khi cúng đông xên, để lấy khí thế trước khi làm lễ tại nơi rừng thiêng (đông Xên),

Xướng báo đông xên

Lễ được diễn ra tại Đông xên, đây là nơi linh thiêng của dân bản (thường mỗi năm được tổ chức Xên bản một lần). Trước khi làm lễ thầy mo sẽ tiến hành thắp nến xướng báo chủ Đông xên để báo mời các thần linh trên trời, các thần linh dưới trần gian đến dự lễ với dân bản mường, đồng thời xin phép được phát dọn địa điểm dân bản sẽ làm lễ…

Lời xướng lễ báo Đông xên mời các vị thần:

– Xướng báo các thần linh:

Xin mời ông khai đất dựng bản, ông phá hoang rừng rậm làm ruộng, xin mời tạo cắm, vía rồng thiêng làm to chức lớn, xin mời… xin mời các thần đến, mời ngồi chiếu kẻ sọc, mời ngồi chiếu kẻ ngang, vào ngồi mâm cho đủ, xin mời các thần ngồi, xin mời các thần ăn. Không nói không biết mặt, không xưng không biết tên, tạo là chủ áo này, việc muôn dân không thuận, cá ngoài sông không lên biển cũ, dân trong mường không đồng tâm cùng chủ, cá Chép không lên theo dòng nước, tấm vải khít mường bản không dầy , ong làm tổ trên vách đá không san sát như xưa, năm nay chưa được ba vạn tổ, sang năm không được ba vạn đàn, người mường xa không được cầm tiền đến mua, hàng ngày không được cân tiền, hàng trưa không được cân sáp ong, tạo nói không ai góp lời hay, nàng nói không ai thêm lời, làm nương bông không tốt, làm nương lúa không xanh, chim đuôi cụt cắn lá, chuột đuôi dài cắn cây, chim nhỏ cắn ngọn, không nhiều bông như quả “Cọ”,không nhiều hạt như quả me, không được thóc nhiều bồ nhiều bịch đầy ắp, không được thóc trăm bồ trăm bịch đầy kho, không được nhiều bồ thóc để nuôi dân, dân no mường mới mạnh, chiếc chiêng đồng mới kêu, tiếng vang đến mường Mẹt, tiếng bay tận mường xa, vang khắp bản khắp mường, đầy ắp cả núi non, cánh đồng to mọc đầy cỏ dại, hổ báo kêu đầu nguồn cuối bến .“Ha” lớn vào cửa cấm bản mường, chủ áo cưỡi nhiều voi nhiều ngựa còn kêu mệt kêu mỏi, tạo ngồi tựa gối hoa còn kêu rét, cánh tay tạo ôm vợ còn kêu đau, phận làm dân trong mường không yên, không tốt cả tạo, không khoẻ cả vua cả nàng. Ông Ho Luông, ông Pọng Cang, ông già bà lão, ông mo, ông chang, nghìn người tài, vạn người giỏi, trẻ nằm võng, bé trong địu. Lợn gà, trâu bò, dê chó không mạnh khoẻ như miếng đất xấn bằng lưỡi mai ngọt, nốt chân trâu chân bò thả sức bước qua. Dân mường bình yên vô sự, nàng mường là người tốt thông minh, bê mâm lễ đỏ đen ra quản, mời Mo thiêng Mo già đến bói, bói xem ma “Lúng ta” nhiều đẳm, nơi xa xôi bên nội nhiều đường; ma rừng không được ăn không vượt rừng đến nói, ma “ha” không được ăn không qua đất Thuận Châu, Sơn La đến làm hại, các thần linh ở trên lầu nhìn xuống, ở trên cao dõi theo. Tạo (x) là chủ áo này, tay trái kiếm về, tay phải kiếm được, được lợn lớn về lễ, lợn đực to về mổ, mổ làm mâm ,sắp làm lễ, lễ lợn to, tế lợn tốt. Đến tế nơi đông xên chẩu bản, rừng thiêng dân xin dọn, rừng cấm dân xin phát, mo tôi thắp nến thưa, mo già thắp nhang báo, mời các thần hãy xuống, ăn mâm lễ chua thơm, ăn lễ ngọt mát dạ, lễ chua ngọt xâu 05 xâu 08, ăn nến cả khoanh, ăn hương cả nắm, ăn bát thóc đầy, ăn bát gạo trắng, tỏi cả nắm, cau cả rổ, xôi cả gói, cái gì cũng có, mời các thần đến, mời các thần ăn, con lợn đen lợn tốt, con lợn béo lợn to, mang đến mổ cho các thần ăn thịt, ăn no phù hộ cho chủ áo. Áo tốt áo nhuộm chàm đen nhánh, áo tơ đẹp trả lại cho người, áo lụa dài tre lại cho chủ, áo đến chủ đến tạo sống lâu thọ lâu. Tốt cả tạo, khoẻ cả vua cả nàng Cả con dâu con rể trong nhà, ông Pọng Cang, ông Xen, Ho Luông, các bô lão, ông mo, ông chang.Nghìn người tốt, vạn người giỏi, trẻ nằm võng, bé trong địu; lợn gà, trâu bò, dê chó được mạnh khoẻ như miếng đất xắn bằng lưới mai ngọt, được tốt đẹp như lời mo xướng, gặp may mắn như ý mo ban, ơn các ông.

Xướng lễ Xên bản

Mâm lễ chuẩn bị xong, mo vào quỳ trên chiếu trước mâm lễ, chắp tay lạy 03 lạy. Xướng mời từng vị thần lên thụ lễ, mo tung hai thanh tre dài 12 cm xuống chiếu: Nếu hai thanh tre rơi xuống cùng úp hay cùng ngửa là thần linh đó chưa nhận lễ, nếu hai thanh tre một úp, một ngửa nghĩa là các vị thần linh đã chấp nhận thụ lễ. Sau khi các vị thần được mời đã chấp nhận thụ lễ, người giúp việc mo có nhiệm vụ gắp thêm thức ăn, mỗi thứ một ít vào mâm khi đã mời được vị thần đó thụ lễ, thêm nước canh, rót thêm rượu (sắp mâm mới cho từng vị thần), cứ thế xướng mời đủ hết các vị thần mới thôi. Việc mời các vị thần đến thụ lễ tại Đông xên đã xong, những người đến tham dự tại Đông xên được phép hưởng lộc cầu may, mọi người cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn được may mắn, lời mời xướng lễ Xên bản:

Xin mời xin mời, phận nhỏ tôi xin mời, án nhá cai quản khu vực dưới, án nhá cai quản khu vực trên, trời rộng lớn gói gọn trái đất. Các thần linh cai quản núi  Mường Thanh, ông thần núi Bố hốm, ông thần núi chom chảnh, ông thần núi Chom xưa, ông thần núi Pom khoang, ông thần núi Huổi hó, ông thần núi quản pú vắng. mời các ông lên nhà thiêng mường bản tế lễ. Lên ngồi chiếu kẻ dọc, lên ngồi cót kẻ ngang ( thầy mo tung que bói), xin que úp ngửa với các ông. Các ông lên rồi  cho 01 que úp 01 que ngửa, được rồi! ơn các ông. Không nói không biết mặt, không xưng không biết tên, tạo (x) là chủ áo này, có phước to mạnh giỏi, tạo cao sang như thỏi bạc trắng, như chùm xà tích trong bem, sinh ra để làm chủ làm tạo, bây giờ việc muôn dân không thuận, cá ngoài sông không lên tụ bến cũ, dân trong mường không đồng tâm cùng chủ, cá chày, cá chép không lên theo dòng nước, tấm vải khít mường bản không dầy, ong làm tổ trên vách đá không san sát như xưa, năm nay chưa được ba vạn tổ, sang năm không được ba vạn đàn người mường xa không được cầm tiền đến mua, hàng ngày không được cân tiền, hàng trưa không được cân sáp ong, tạo nói không ai góp lời hay, nàng nói không ai thêm lời, làm nương bông không tốt, làm nương lúa không xanh, chim đuôi cụt cắn lá, chuột đuôi dài cắn cây, chim nhỏ cắn ngọn, không nhiều bông như quả “Cọ”,không nhiều hạt như quả me, không được thóc nhiều bồ nhiều bịch đầy ắp, không được thóc trăm bồ trăm bịch đầy kho, không được nhiều bồ thóc để nuôi dân, dân no mường mới mạnh, chiếc chiêng đồng mới kêu, tiếng vang đến mường Mẹt, tiếng bay tận mường xa, cánh đồng to mọc đầy cỏ dại, cuối mường mọc cà dại cà gai, hổ báo kêu trên nguồn ngoài bến. “Ha” to vào cửa cấm bản mường, nàng mường là người tốt thông minh, bê mâm lễ đỏ đen ra quản, mời mo thiêng mo già đến bói, bói xem ma lúng ta nhiều đẳm, nơi xa xôi bên nội nhiều đường, ma rừng không được ăn không băng qua rừng đến nói, ma “Ha” không được ăn không vượt mường xa đến làm hại, các thần linh trên trời nhìn xuống, ở trên cao rõi theo, nhìn thấy lúa ngoài nương ngoài ruộng, nhìn thấy dân trong mường trong bản. Tạo (x) là chủ áo này, tay trái kiến về, tay phải kiếm được, được lợn lớn về lễ, lợn đực to về mổ, mổ làm mâm, xắp làm lễ, lễ lợn to, tế lợn béo, mời ông đến, mời ông ăn, uống cả rượu xá lếc xá u, rượu xá thú xá thuổi, rượu cất uống ngon, rượu trắng uống nồng, rượu ủ trấu mường trần uống thơm, uống men đừng buốt óc, uống rượu đừng đâu đầu, nước men bôi lên tóc, bôi lên mắt lên mũi cho tỉnh, uống rượu xong mời ông ăn thịt, có con lợn đực lợn đen, con lợn béo lợn tốt, đến mổ làm mâm, xắp làm lễ, mời ông ăn nhé, ăn cả đầu cả đuôi, ăn cả cằm cả lưỡi, thịt trộn tỏi ăn ngon, sườn nướng vàng thơm phức, sườn nướng than thơm lừng, nước luộc thịt của quý, nước canh thịt ăn ngon, xôi trong pốk ăn mềm, xôi trong cóng ăn dẻo, món ăn trong mâm trong bàn ăn ngon, xôi trong ép ăn thơm ăn ngọt, cái gì cũng có, thứ gì cũng đủ, ăn cả miếng cau ngon khéo bổ, miếng trầu ngon khéo têm, ăn cả hương cả nến hoa rừng, ăn cả 30 quả chanh chua, 03 nghìn quả mận chát, ăn cả gà to bằng con công, gà cao bằng con ngỗng, ăn cả cổ cả cánh, ăn cả buồng gan bằng lá cây, ruột gà bằng lá hành, ăn cả nước canh gà của quý, nước luộc gà ăn ngon, ăn với miếng xôi nương xôi ruộng, miếng xôi ruộng xôi dẻo, gạo giã kỹ trắng ngần, ăn xuống cổ xuống họng cho no, uống cả rượu thơn lừng mường trần ủ trấu, ăn xong lấy cả tấm vải mới chưa cắt, xúc vải mới chứa dùng, lấy cả vòng bạc trắng, lấy cả nén bạc to, ăn xong, lấy xong thần ở dưới giúp sức, then trên trời phù hộ, phù hộ tạo chủ áo, áo tốt áo nhuộm chàm đen nhánh, áo tơ đẹp trở lại với người, áo dài đen trở lại với chủ, áo đến chủ đến tạo sống lâu thọ lâu.Tốt cả tao, khoẻ cả vua cả nàng, cả con dâu con rể trong nhà, ông Pọng Cang, ông Xen, ông Ho Luông, các bô lão, ông mo ông chang, nghìn người tốt, vạn người giỏi, trẻ nằm võng, bé trong địu, lợn gà, trâu bò, dê chó, được mạnh khoẻ như miếng đất sắn bằng lưỡi mai ngọt. Phù hộ dân trong bản trong mường, lá trên cây đừng rơi, lá tre xanh đừng rụng, cho tốt đẹp cả bản. An khang cả mường, làm nương thành nương lúa bông dầy, làm ruộng thành ruộng tốt bông to, con sâu đừng cắn bông, cào cào đừng cắn lá, nhện đen đừng dăng tơ trên ngọn, tằm trời đừng làm kén thân cây. Thuận lợi khi làm đòng, gặp may khi lúa trổ, mưa phùn khi ra bông, khi mường người cầm liềm đi hái, dân mường ta cũng được cầm liềm đi hái, khi mường người cầm đòn đi gánh, dân mường ta cũng được cầm đòn đi gánh, gánh về đổ bồ to đầy ắp, gánh về đổ bồ mường bồ bản đầy ngọn, ngày ngày được cân tiền, ngày ngày được cân sáp ong. Xin then ở trên trời giúp sức, ở trên cao phù hộ, phù hộ cho dân bản dân mường, ăn rồi, lấy rồi,cơm ăn xong nhớ kỹ, canh ăn xong tạc dạ. Đừng cố chấp nhắc lại việc cũ, đừng trách người làm mo, đừng hại ông chủ áo, ăn rồi lấy rồi hãy về nơi cũ ông ở nhé , ông ăn xong mời lính hầu mâm lễ của ông đến ăn, còn có con lợn đực lợn đen, con lợn béo lợn tốt, mổ làm mâm, xắp làm lễ.Mời ông ăn nhé, ăn cả đầu cả đuôi, ăn cả cằm cả lưỡi, thịt trộn tỏi ăn ngon, sườn nướng vàng thơm phức, sườn nướng than thơm lừng, nước luộc thịt của quý, nước canh thịt ăn ngon. Xôi trong pốk ăn mềm, xôi trong cóng ăn dẻo, ăn cả miếng cau ngon khéo bổ. Miếng trầu ngon khéo têm, ăn cả hương cả nến hoa rừng, ăn cả 30 quả chanh chua, 03 nghìn quả mận chát, ăn cả gà to bằng con công. Gà cao bằng con ngỗng, ăn cả cổ cả cánh, ăn cả buồng gan bằng lá cây, ruột gà bằng lá hành, ăn cả nước canh gà của quý, nước luộc gà ăn ngon, ăn với miếng xôi nương xôi ruộng, miếng xôi ruộng xôi dẻo. Gạo giã kỹ trắng ngần, ăn xuống họng xuống cổ cho no, uống cả rượu thơm lừng mường trần ủ trấu,  ăn rồi hãy về chốn cũ ông nằm,về với nơi ông ở nhé…

toan canh xen ban
Toàn cảnh làm Lễ Xên Bản (cúng bản)

Cắm ta leo cổng bản: Sau khi xướng lễ xong, thầy mo chỉ đạo hai người đã được phân công trước gánh hạt bông, trấu và ta leo ra cắm, gác hai cổng bản. Trước khi cắm ta leo có lời:

“Ta leo vàng leo bạc đến cắm

                        Cọc vàng bạc đến chèn đến ngăn

                        Đến cắm 04 phương bản , chèn chặt 04 góc mường

                        Ma và người đừng qua đường này nhé”

Người gác cổng tay cầm quả còn đồng thời có nhiệm vụ kiêng không cho người trong ra, ngoài không được vào, trường hợp đặc biệt cần phải ra hoặc vào thì người gác cổng lúc này đứng bên trong sẽ tung quả còn. Những người cần vào hoặc cần ra sẽ phải bắt được quả còn do người gác cổng tung, nếu bắt được thì mới được vào hoặc ra.

Lễ tụ hồn cho chủ áo và cả bản (cọp xửa tạo, xú khuân tếng bản).

Theo quan niệm áo của chủ áo (chẩu xửa) và hồn chủ áo cùng với các hồn người giúp việc mo là thay mặt dân bản đi làm việc lớn, đầy ý nghĩa cho dân bản. Họ hành trình theo ông mo vào cõi thần linh, phục vụ các thần linh trên trời và dưới trần gian… Để cầu may, cầu phúc về cho dân bản, nay công việc đã hoàn thành tốt đẹp trở về nhà thì áo chủ tạo trả lại cho chủ tạo, hồn người nào nhập lại vào hồn người ấy, do vậy phải có lễ nộp áo cho chủ áo và tụ hồn cho cả bản.

Sắp mâm lễ ở nhà chủ áo, mâm lễ gồm: Một con lợn, xương sườn nướng, phèo nướng, một bát tiết canh, hai gói xôi, một bát nước canh, chén rượu, đũa đặt xung quanh mâm, một vòng bạc chụp vào mõm con lợn để chụp hồn, giữ hồn, một đĩa trầu cau, đồng bạc trắng hoặc tiền gíây đặt vào mâm để kê hồn chủ áo và cả dân bản (vì lễ này là tụ hồn cho cả bản). Bên cạnh đặt mấy chiếc bàn để bà con trong bản ngồi.

tu hon
Lễ tụ hồn cho chủ áo và cả bản

Vị trí ngồi: Phía đầu mâm thẳng đầu lợn có chụp vòng bạc là vị trí của chủ áo ngồi, phía cuối mâm đối diện chủ áo là ông mo ngồi để xướng lễ, tiếp đến hai bên là bà con trong bản ngồi nghe mo xướng và hưởng lộc lễ. Khi ông mo xướng đến mời ăn, uống thì chẩu xửa gắp ăn và uống đồng thời mọi người ngồi quanh mâm lễ nâng chén chúc cho chủ áo, gia đình chủ áo và dân bản được mạnh khỏe, chăn nuôi được phát triển, mùa màng được bội thu.

Lời tụ hồn tạo và dân bản:

Ngắt lá non, trải lá ngọn, tung lời hay tiếng tốt trước mặt, không nói, không biết việc, không xưng không biết tên, Chủ áo này phước làm to mạnh giỏi. Tạo căm lên ngồi giường, ngồi phản nói mệt, nằm kề gối hoa thêu bảo rét, ôm ấp vợ yêu thương bảo ốm bảo đau, làm dân bản sống cảnh không yên, nay có mâm lễ lợn to, đến mời hồn mời vía chủ áo, mời tạo lên ngồi giường nhận lễ, mời tạo lên ngồi trên uống rượu. Hồn chủ áo dân bản tôn kính, Mang họ Căm tên mạnh giỏi. Ăn xong: gạt việc xấu tại mâm trầu, mâm cau, gạt điềm gở tại mâm cơm, mâm lễ, báo lên hồn vòm cổ nơi thiêng, khoác túi sách cổ kim làm tạo, ăn lợn lớn bằng chuông, ăn lợn to bằng lỏng, ăn cả đầu lợn to có vòng bạc trắng, lợn đực lớn có nén bạc thiêng…  Mo mường gom hồn vào đã đủ, chén rượu nhỏ mo dỗ hồn ngủ, đã ngủ, lùa hồn vào nhập thân cho khoẻ, kéo hồn nhập vào tạo sống lâu, thọ lâu, hồn khớp nhập vào khớp nơi nối, hồn nhập đầu hết đau, hồn nhập thân hết ốm. Từ đây tạo bản luôn mạnh khoẻ, hãy sống lâu thọ lâu hồn ơi.

Người giúp việc mo gắp thêm thức ăn, mỗi thứ một tí trên mâm lễ mời dân bản tham dự tại Đông xên hưởng lộc cầu may, mọi người cùng chúc nhau sức khỏe, công việc làm ăn được may mắn.

Phần hội

Quan niệm dân tộc Thái, ở bất cứ đâu cũng đều có ma (phi), có thần (thớn) cai quản. Cho nên, để tiến hành khai hội cần phải có tiếng trống, chiêng vang lên với ý nghĩa báo cho các vị thần linh biết là trong bản có lễ hội, cầu mong các vị thần linh, ma bản, ma mường biết dân bản làm lễ Xển bản để về phù hộ, vui cùng dân bản… Trước đây, khi xong phần thủ tục lễ nghi xên bản mới đến phần khai hội vì phần hội kéo dài 3 ngày. Ngày nay việc tổ chức Xên bản được rút gọn lại chỉ tổ chức một ngày nhưng vẫn giữ được không khí náo nhiệt, vui tươi của ngày hội trong lễ cúng bản.

Hát dân ca

Các làn điệu dân ca Thái được bắt nguồn từ môi trường lao động, sản xuất, sinh hoạt và đặc biệt là trong các ngày có lễ hội. Phần lời ca vốn là những câu chữ được dân gian chắt lọc, gọt giũa thành những câu thơ giàu nhạc điệu, người nghe tìm được ở đó những kinh nghiệm sống, đối nhân xử thế… Khi lời hát cất lên thường làm cho người cảm thụ suy nghĩ, da diết và sâu lắng. Hát dân ca thường được tổ chức trong các  sinh hoạt cộng đồng, hội hè, lễ hội, đám hiếu hỷ. Trong lao động sản xuất, bà con cũng hát cho vơi bớt mệt nhọc, cho thỏa tâm tư nỗi niềm. Ngày nay, một số làn điệu hát truyền thống có nội dung, ý nghĩa mừng Đảng, mừng xuân, mừng đất nước đổi mới.

Ném còn

Trong các dịp lễ tết các trò chơi thường được diễn ra cùng một lúc tạo thành các nhóm nhỏ, trong đó có trò chơi ném còn cũng là trò chơi dân gian của nhiều dân tộc. Trò chơi ném còn phù hợp với nhiều đối tượng tham gia, nhưng chủ yếu nam nữ thanh niên là đối tượng tham ra nhiều hơn cả.

Quả còn được các chị em người Thái khéo léo tận dụng những mảnh vải vụn trong quá trình may vá để chắp lại với nhau tạo nên vỏ quả còn có nhiều màu sắc khắc nhau, ruột quả còn thường được nhồi hạt bông, thêm một ít hạt thóc tượng trưng cho mùa màng bội thu. Khi đã nhồi xong ruột cho quả còn, người phụ nữ khéo léo may lại cho quả còn được chắc và được đính thêm phần dây để làm đuôi quả còn dài khoảng 50cm để làm tay cầm trong động tác quay tung còn. Quả còn thường làm hình tròn, hơi dẹt có đường kính khoảng 10cm.

Trò chơi ném còn mang ý nghĩa phồn thực và được nam nữ thanh niên tham gia như một dịp trao duyên đầy ý nhị.

Chơi má lẹ

Má lẹ là một loại quả thuộc cây thân leo mọc trong rừng, quả to già, khi bóc ra mỗi quả có khoảng 04-05 hạt má lẹ, hạt dẹt có đường kính khoảng 04cm được phơi khô rất cứng và bền.

Cách chơi:

Chia làm 02 đội chơi số lượng người thường từ 02 người trở lên và phải đủ đôi.

– Xếp má lẹ thành một hàng ngang, kẻ một vạch ngang giới hạn khoảng cách giữa người chơi và hàng má lẹ khoảng 02- 03m, lần lượt từng đội chơi. Họ đặt quả má lẹ lên mu bàn chân để lắc lấy đà, chân còn lại làm trụ đứng vững, ngắm vào hàng má lẹ cho chính xác rồi dồn lực đẩy quả má lẹ trên mu bàn bắn thẳng vào hàng má lẹ cho hàng má lẹ đổ càng nhiều thì xác suất chiến thắng cho đội càng cao….

Múa sạp

Đây cũng là điệu múa dân gian truyền thống của nhiều dân tộc sinh sống trong tỉnh Điện Biên, được đông đảo mọi người tham gia hưởng ứng trong các dịp lễ hội. Dụng cụ dùng trong múa sạp là các nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên, thường là tre hoặc cây gỗ chọn những cây dài, thẳng và chắc. Để làm thanh vỗ nhịp người ta cắt những cây tre hoặc gỗ đã chọn thành 06 hoặc 08 đoạn có chiều dài khoảng 03m, đường kính khoảng 0,5cm vừa tầm tay cầm và 02 đoạn để to hơn một chút dùng để kê 02 bên. Đội hình vỗ nhịp sạp thường từ 06 đến 08 người (phải là số chẵn), chia sang 02 bên đều nhau, ngồi xổm đối diện nhau ở 02 bên thanh kê. 02 thanh kê được đặt song song, khoảng cách giữa 02 thanh kê khoảng 2,5m, những thanh vỗ nhịp được đặt kê lên 02 thanh kê để dư mỗi đầu thanh vỗ khoảng 2,5cm làm tay cầm. Cứ 02 người đối diện nhau cầm 02 đầu của 02 thanh vỗ nhịp, khoảng cách của những người ngồi cùng một hàng cầm thanh vỗ nhịp khoảng 50cm. Khi nhịp sạp vang lên được đông đảo mọi người tham gia không phân biệt nam hay nữ, già hay trẻ. Mọi người cứ thế nhịp nhàng uyển chuyển trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình di chuyển theo nhịp qua các thanh vỗ nhịp mỗi lúc càng trở nên sôi động hơn.

mua sap 1
Múa sạp trong Lễ xên bản

Múa xòe

Trong các dịp lễ hội, múa xòe là một tiết mục không thể thiếu của nhiều dân tộc sống trong vùng Tây Bắc, trong đó có dân tộc Thái cũng sử dụng múa xòe như một điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Múa xòe là một tiết mục được đông đảo mọi người tham gia, đây cũng là tiết mục thường được diễn ra cuối cùng nhất, thể hiện sự thành công của mỗi lễ hội, mọi người tay trong tay cùng chung nhịp xòe luôn tạo được nhiều cảm xúc cho những người tham gia, múa xòe còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, thể hiện sự thành công của lễ hội…

Múa xòe là tiết mục có số lượng người tham gia rất đông, nên địa điểm diễn ra thường là bãi đất rộng và bằng phẳng. Vòng xòe thường được diễn ra một cách tự nhiên, những người đến dự hội đều có thể tham gia, mọi người tay nắm tay nhau một cách thoải mái hòa cùng nhịp trống, nhịp chiêng cùng bước theo một nhịp, cùng xoay theo một vòng. Cứ như vậy người này nắm tay người kia nối tiếp nhau, vòng xòe mỗi lúc một rộng thêm. Khi số lượng người tham gia càng đông, vòng xòe đã đủ rộng, những người tham gia sẽ tạo thêm các vòng xòe mới, vòng trong nối tiếp vòng ngoài tạo thành các vòng xòe lồng vào nhau.

mua xoe 11
Múa xòe trong Lễ xên bản

Lễ Xên bản của dân tộc Thái, ngành Thái Đen diễn ra trong không khí vui vẻ, nhộn nhịp với những nét đẹp truyền thống được biểu đạt trong lễ và sự thành kính với các vị thần linh. Lễ Xên bản thể hiện được ước nguyện của đồng về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc và phát triển, tăng tính đoàn kết của cả cộng đồng các dân tộc miền Tây Bắc./.

Tác giả : Đình Hải, ảnh Xuân Thuận

 Nguồn : Bảo tàng tỉnh

Đánh giá bài viết

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Liên kết kênh thông tin các tỉnh

Show Buttons
Hide Buttons