Nhằm bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nghề thêu truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Nhóm khởi nghiệp học sinh, sinh viên nữ dân tộc thiểu số Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật tỉnh Điện Biên đã thực hiện dự án khởi nghiệp “Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên”
Hiện nay, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của cơ chế thị trường với rất nhiều loại sản phẩm tiện dụng, nghề thêu truyền thống của các dân tộc thiểu số đang dần mai một. Số bạn trẻ biết thêu rất ít và có biết cũng chỉ thêu được những hoa văn, họa tiết đơn giản trên trang phục do bà hoặc mẹ đã phác thảo nét vẽ. Nhận thấy thực tế đó, nhóm khởi nghiệp học sinh, sinh viên nữ dân tộc thiểu số Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật tỉnh Điện Biên đã có ý tưởng vừa gìn giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc mình, đồng thời tạo ra sản phẩm hàng hóa để những người trẻ thêm yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình và quảng bá văn hóa các dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Nhóm“ Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên” trình bày thuyết minh dự án.
Nhóm khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nữ dân tộc thiểu số đang theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên đã thực hiện dự án khởi nghiệp “Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên”, tham dự cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức.
Ban đầu hầu hết những sản phẩm thêu truyền thống là quần áo, váy, mũ, khăn piêu, thắt lưng nhưng, các em đã có ý tưởng thêu họa tiết, hoa văn của dân tộc mình lên túi xách. Với ý tưởng trên các em đã sử dụng nguồn nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên như vải, chỉ và được thêu tay tỉ mỉ, cẩn thận, sắc nét. Mỗi túi có họa tiết, hoa văn khác nhau nên đòi hỏi người thêu phải có kĩ năng, tính sáng tạo cùng niềm đam mê với nghề thêu của dân tộc, có tâm huyết giữ gìn nghề thêu của dân tộc mình.
Một số sản phẩm túi của nhóm ” Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”.
Về phát triển và quy mô dự án đã được nhóm thử nghiệm thực hiện từ tháng 4/2021. Phân khúc khách hàng sẽ tập trung vào khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Điện Biên, hoặc các khách hàng yêu thích đồ thêu truyền thống của đồng bào dân tộc. Sản phẩm sẽ được phân phối trực tiếp đến khách hàng hoặc gửi trưng bày, bán tại các điểm du lịch, hay tại một số nhà hàng, khách sạn ở thành phố Điện Biên Phủ.
Từ năm thứ 2 nhóm sẽ kết hợp với các bạn am hiểu về công nghệ thông tin lập trang Web giới thiệu sản phẩm; giới thiệu qua các trang mạng xã hội, hoặc liên kết với các trung tâm xúc tiến du lịch của các tỉnh trong cả nước để giới thiệu sản phẩm cũng như quảng bá cho nghề thêu tay truyền thống.
Dự án Câu lạc bộ khởi nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Điện Biên không chỉ góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mà còn góp phần tăng thêm thu nhập cho các bạn học học sinh, sinh viên nữ khi còn học tại trường, đồng thời gắn kết và tạo việc làm cho những phụ nữ biết thêu tại địa phương, tạo ra sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường.
ảnh: Một số hình ảnh về sản phẩm túi của nhóm ” Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên”.
Tác giả: Anh Ngọc