Dân tộc Kháng là dân tộc thiểu số ở Việt Nam, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me, ngữ hệ Nam Á, cư trú lâu đời ở Tây Bắc Việt Nam. Tại tỉnh Điện Biên, người Kháng sống tập trung thành bản ở một số xã thuộc huyện Mường Nhé, Mường Chà, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Tủa Chùa.
Hiện nay, đồng bào vẫn lưu giữ các nét văn hoá truyền thống như nhà ở, trang phục, phong tục tập quán và các trò chơi dân gian. Các trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Kháng, tỉnh Điện Biên khá phong phú, được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được diễn ra trong các dịp lễ hội, ngày Tết, ngày vui của bản.
Trước hết, xin kể đến trò chơi Tung còn (tọt cón): đây là trò chơi dân gian, dễ chơi, phù hợp với tất cả mọi người, tuy nhiên chủ yếu thu hút nam nữ thanh niên tham gia đông đảo. Trò chơi được diễn ra trên một khoảng đất trống, rộng, bằng phẳng, khi chơi tung còn người chơi chia thành hai hàng đứng quay mặt vào nhau, khoảng cách giữa các hàng là 20-25m, trước mặt mỗi đội chơi có sẵn một đường kẻ thẳng giới hạn để khi tung còn, người chơi không được vượt qua vạch. Chính giữa hai đội chơi dựng một cây còn làm bằng tre cao khoảng 7m, phần trên cùng của ngọn tre được gắn một vòng tròn uốn từ thanh tre vót mỏng, vòng tròn có đường kính khoảng 60cm, xung quanh quấn giấy màu sắc sặc sỡ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và giúp người chơi dễ dàng quan sát. Quả còn được làm bằng các lớp vải quấn lại với nhau, có dạng hình cầu hoặc hình thoi, xung quanh gắn các tua vải dài nhiều màu sắc, chính giữa gắn một sợi dây dùng để tung. Theo quan niệm của đồng bào, tung còn không chỉ để vui chơi, giải trí sau thời gian lao động vất vả mà còn mang ý nghĩa cầu mong mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở, giao hòa giữa âm dương, trời đất. Hiện nay, trò chơi tung còn của đồng bào dân tộc Kháng đã và đang được thế hệ trẻ phát huy, gìn giữ và trở thành môn thể thao được nhiều người ưa thích.
Đẩy gậy (Xụ Điểng): Là trò chơi mang tính đối kháng giữa 2 cá nhân với nhau, trò chơi được diễn ra trên một khoảng đất rộng và bằng phẳng, trên sân kẻ một vòng tròn khoảng 3m, dụng cụ để chơi là một thanh tre hoặc gỗ dài khoảng 1,7m – 2m; khi chơi 2 người sẽ dùng hết sức đẩy cây gậy về phía đối phương cho đến khi đối thủ ra khỏi vòng tròn. Ngày nay đẩy gậy không chỉ là một trò chơi mà còn được coi là một bộ môn thể thao được đưa vào thi đấu chính thức tại các kỳ đại hội.
Trò chơi Đi cà kheo
Đi cà kheo: Đây là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt, kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Để làm chủ được đôi cà kheo đòi hỏi người chơi phải tập luyện. Cây cà kheo được làm bằng tre, độ cao của bệ đặt chân cách mặt đất khoảng từ 30 cm – 50 cm. Khi chơi có thể chia làm hai đội để thi đấu với nhau như: thi chạy; thi đi lên, xuống dốc… Nếu ai ngã hay trượt chân trong quá trình di chuyển khi đang thi đấu hoặc không kịp thời gian thi đấu là người thua cuộc.
Đánh cù (Tỏi sảng): Đây là trò chơi chỉ dành cho nam giới, dụng cụ là một quả cù hình chóp, được các chàng trai người Kháng đẽo từ gỗ. Cù được quay bằng một sợi dây dài khoảng 2m, một đầu sợi dây buộc vào một thanh gỗ nhỏ dài khoảng 40cm. Các chàng trai dân tộc Kháng đánh cù vừa để vui chơi, giải trí, đồng thời cũng thể hiện sự tập trung, khéo léo và sức mạnh của người đàn ông.
Trò chơi Đánh cầu lông gà
Đánh cầu lông gà (Tặp cầu lông): Đây là trò chơi có từ lâu đời của dân tộc Kháng được lưu truyền qua nhiều thế hệ, họ sử dụng một tay vợt bằng gỗ, cầm khá chắc và đầm tay, dùng lực của cổ tay để đánh trúng quả cầu làm bằng lông gà. Quả cầu lông gà làm từ đế cao su, gắn chắc chắn với 3 chiếc lông gà và thêm vào trên đế là các vòng tròn nhựa, để tạo độ rỗng và lực nảy khi đế tiếp xúc với mặt gỗ của tay vợt. Quả cầu được đánh qua đánh lại cho đến khi bên nào không đỡ được, quả cầu bị rơi xuống đất thì bên đó sẽ bị thua. Đây là trò chơi đơn giản, dễ chơi, góp phần rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai của người chơi. Vì vậy, trong các ngày hội, ngày lễ của đồng bào thì trò chơi đánh cầu lông gà là một trong những trò chơi thu hút đông người tham gia với đủ thành phần, lứa tuổi.
Trò chơi Kéo co
Kéo co (Hạc sai): Đây là trò chơi dân gian phổ biến của rất nhiều dân tộc, trong lễ hội của dân tộc Kháng kéo co được xem là trò chơi hấp dẫn và sôi nổi nhất, thể hiện tình đoàn kết, sức mạnh của tập thể thu hút được nhiều người tham gia. Trò chơi diễn ra trên một khoảng sân rộng và bằng phẳng, số lượng người tham gia từ 20-30 người chia thành 2 đội. Việc chuẩn bị cho trò chơi kéo co rất đơn giản chỉ cần một sợi dây dài và chắc, trên đoạn dây đánh dấu 3 điểm (một điểm ở chính giữa sợi dây và 2 điểm còn lại cách điểm chính giữa 2-2,5m). Khi chơi hai bên cùng nhau kéo trong tiếng hò reo phấn khích, vui tươi của những người đứng xem, cổ vũ.
Các trò chơi truyền thống của dân tộc Kháng tồn tại và trải dài cùng lịch sử của dân tộc. Ngày nay, trước quá trình hội nhập và phát triển, sự giao lưu, tiếp biến văn hoá, với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường dẫn tới những đổi thay trong các trò chơi của các dân tộc nhưng đồng bào dân tộc Kháng tại tỉnh Điện Biên vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của trò chơi dân gian trong đời sống, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, phát huy giá trị của di sản văn hoá.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch