Nếu như trước đây du khách đến với Điện Biên là bởi muốn được mục sở thị những mốc son lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nơi mà bao thế hệ cha ông ngã xuống, hy sinh một phần xương máu để làm nên lịch sử. Thì hôm nay, du khách đến Điện Biên không chỉ bởi những giá trị lịch sử ấy mà còn bởi sức hút của người Điện Biên mộc mạc, mến khách; những hoạt động văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc dân tộc mà không thể lẫn với bất cứ nơi đâu.
Du khách thăm quan du lịch tại di tích Đồi A1
Điểm chúng tôi lựa chọn tham quan đầu tiên đó là Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng – một trong những quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Dừng xe dưới chân núi Pú Đồn, chúng tôi ngược theo đường mòn dẫn vào rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ cao lớn tỏa tán lá xanh ngút ngàn… Ngước nhìn bầu trời lốm đốm qua những kẽ lá, tôi thấy mình lọt thỏm giữa không gian yên tĩnh và thiêng liêng đến lạ thường. Chững lại dưới một gốc cây cổ thụ, tôi nghe như lời thì thầm của ngàn gió từ trên cao vọng về lời vị Đại tướng Tổng tư lệnh năm nào dặn dò đoàn quân trước khi xung trận “Bác bảo thắng là thắng!”… Bỗng giọng nói cất lên từ phía sau khiến tôi giật mình như bừng tỉnh “Đấy là cây gỗ giổi! Cây có tuổi thọ nhất trong khu rừng này. Thời kháng chiến chống Pháp, bộ đội ta dùng để làm lán và cột chống hầm, các ban phục vụ chiến dịch đấy cô ạ!” – Lời của em bé chừng 10 tuổi, nước da đen nhẻm vừa nói vừa tiến lại phía tôi. Em nói nhà em bên kia suối, cạnh rừng già. Như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ, em giới thiệu cho tôi các dấu tích lịch sử, cả những cây thuốc quý ven rừng với giọng ngọng nghịu pha lẫn âm điệu người bản địa.
Cuối hành trình em đưa tôi đến một ngôi nhà sàn rất to, cạnh cánh đồng Mường Phăng. Đó là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân tộc Thái. Các chàng trai, cô gái đang dập dìu trong điệu múa xòe. Họ đón chào tôi như những người bạn của mình từ phương xa trở về.
Khi hoàng hôn buông xuống, cũng là lúc tôi phải nói lời tạm biệt các chàng trai, cô gái, người bạn mới của tôi để trở về thành phố Điện Biên Phủ. Người bạn nhỏ, một hướng dẫn viên du lịch nhí ban chiều chạy tới dúi vào tay một nắm lá và dặn hãm uống trước khi đi xe đường dài để đỡ mỏi mệt và say xe. Những nam thanh, nữ tú miền sơn cước bịn rịn hẹn tôi mùa ban sau trở lại.
Trở về thành phố Điện Biên Phủ, hôm sau chúng tôi tiếp tục tham quan các di tích lịch sử và các bản văn hóa ven thành phố. Khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc điệu xòe vang lên bên ngôi nhà sàn truyền thống – điểm hẹn sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của người Thái Điện Biên.
Dạo quanh khu Trung tâm thương mại thành phố, tôi quyết định mua một bộ váy cóm – trang phục truyền thống của người con gái Thái Điện Biên. Sau nhiều đắn đo, tôi đã chọn được cho mình một bộ ưng ý nhưng chủ cửa hàng lại nhất định không bán với lý do chỉ còn một bộ duy nhất, anh muốn giữ lại làm mẫu. Ngậm ngùi nuối tiếc, dạo thêm một vòng nữa quanh các cửa hàng lưu niệm, bán đồ thổ cẩm, song ấn tượng về bộ trang phục lúc đầu cứ mãi đọng lại trong tâm trí. Tôi quyết định quay lại với ý định cố gắng thuyết phục anh chủ cửa hàng thêm lần nữa. Và thật bất ngờ, dường như thấu hiểu thiện ý và tấm chân tình của một du khách xa dặm trường có mặt ở Điện Biên như tôi, cộng thêm bản tính nhiệt tình, hiếu khách, anh chủ cửa hàng đã tặng tôi mà không bán với lời hẹn “Mong sẽ có nhiều bạn Tây Nguyên đến với Tây Bắc với Điện Biên!…” Có lẽ, đây là món quà tôi ưng ý nhất trong suốt chặng đường trải nghiệm của mình, bởi không chỉ món đồ đẹp mà còn gửi gắm trong đó là cả tấm lòng của người Điện Biên mến khách.
Theo Cục Du lịch Quốc gia