Chị Nguyễn Thị Tập – khu 3, Hoàng Xá, từ nhỏ đã quen với nghề đan lát truyền thống của làng nghề.
(XTDL) – Vào “Tháng Tri ân”, chọn đúng ngày 27, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Phú Thọ thành lập đoàn công tác đi khảo sát các điểm du lịch mới có thể đưa vào khai thác, theo chân đoàn khảo sát chúng tôi đã “hành quân” đến huyện Thanh Thủy mang theo hy vọng về một chuyến đi thành công với nhiều điểm đến sẽ được “khai phá”.
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là xã Hoàng Xá. Sở dĩ Hoàng Xá được chọn để khảo sát vì địa phương này sở hữu một khu chợ quê đầu mối, nhà thờ cổ đã hơn trăm năm tuổi và làng nghề truyền thống đan lát Ba Đông. Với hơn 400 quầy hàng các loại, chợ Hoàng Xá như một “Trung tâm thương mại” thu nhỏ không chỉ trong khu vực huyện và các vùng lân cận mà hàng hóa từ đây còn được phân phối lên cả các tỉnh Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La.
Sầm uất là thế, nhưng chợ Hoàng Xá vẫn mang đậm dấu ấn của một khu chợ quê với những lều quán thấp nhỏ, những món quà quê dân dã, những hàng hóa nhiều màu sắc và đặc biệt là những nông sản và các sản phẩm không thể pha lẫn của địa phương là rổ, giá, dần, sàng, chúm tôm, cua… bằng tre, nứa – những sản phẩm gần như không còn thấy ở các chợ thành phố. Nhu cầu mua sắm là một phần tất yếu của những chuyến đi và chính sự dân dã, nét quê mà không nghèo nàn hay sơ sài của khu chợ quê Hoàng Xá sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng biệt, thu hút du khách ghé về trong các dịp nghỉ cuối tuần ở Thanh Thủy.
Cùng với chợ quê, ghé thăm nhà thờ cổ và các hộ dân của làng nghề đan lát Ba Đông cũng hứa hẹn một trải nghiệm thú vị cho du khách khi về với Hoàng Xá. Một giáo đường trầm mặc trong ngôi nhà thờ cổ có phần u tịch tạo nên một cảm giác thanh thản đến lạ lùng phù hợp cho những ai muốn tìm một chốn tĩnh lặng để trốn chạy sự tấp nập của phố thị ồn ã. Đặc biệt, chứng kiến cảnh những người già, em nhỏ thoăn thoắt luồn từng nan tre với vẻ mặt an nhiên, bình thản mới thấu hiểu và thêm nể phục sự kiên nhẫn, chịu thương chịu khó của người làng nghề.
Đã ngoài 70 tuổi, nhưng cụ bà Nguyễn Thị Gián – Khu 9 Hoàng Xá, vẫn ngày ngày cần mẫn ngồi từ sáng đến khuya để đan chúm tôm giao cho thương lái. Ngồi cặm cụi cả ngày tưởng đến “gãy cái sống lưng” và hoàn thiện được gần 200 sản phẩm mỗi ngày nhưng cụ Gián cũng chỉ thu nhập được khoảng hơn 2 triệu/tháng. Vất vả thế nhưng cụ Gián và con cháu chưa bao giờ nghĩ đến việc bỏ nghề vì “đây là nghề của ông bà Tổ tiên để lại”. Không chỉ là trải nghiệm những kỹ thuật đan lát truyền thống, về với làng nghề Ba Đông du khách sẽ có cơ hội lắng nghe, chia sẻ rất nhiều những câu chuyện phía sau những chiếc rổ, giá, dần, sàng, chúm tôm, cua để ý thức và trân trọng hơn cuộc sống của chính mình.
Rời Hoàng Xá, đoàn chúng tôi tiếp tục tiến về đền Lăng Sương thuộc địa phận xã Trung Nghĩa – nơi thờ thân mẫu của Đức Tản Viên Sơn Thánh – con rể của Vua Hùng thứ 18 để dâng hương tưởng nhớ các vị tiền nhân thuở lập quốc. Theo lịch trình, chúng tôi lên xe về Yến Mao khi vừa chính ngọ. Được biết tại Yến Mao, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh đã “đặt hàng” một bữa ăn với các món truyền thống của đồng bào Mường và một chương trình biểu diễn cồng chiêng để khảo sát, đánh giá. Đã quá trưa, ngồi bên mâm cơm với đủ các món: Gà nướng ống nứa, rau rừng sôi, nộm thịt ba chỉ măng chua, cá trắm nhồi gia vị hấp, sôi ngũ sắc… mỗi thành viên của đoàn khảo sát bị chinh phục bởi chính hương vị đậm đà của từng món ăn, nhẩn nha tìm tòi từng gia vị lạ trong những món ăn truyền thống của vùng quê ven sông Đà này.
Theo mô tả của ông chủ nhà và cũng là cán bộ văn hóa xã Trịnh Quốc Thuận, mỗi món ăn là cả một nghệ thuật chế biến đòi hỏi sự tỉ mỉ, cầu kỳ mà không thể tìm thấy ở các quán hàng bình thường. Đúng là không thể bình thường được. Khi phải lặn lội hơn chục cây số từ phố huyện lên tận Yến Mao chỉ để thưởng thức một bữa ăn thì bữa ăn đó chắc chắn phải là nghệ thuật của ẩm thực. Chúng tôi không khỏi tiếc nuối khi biết vì thời gian gấp gáp nên anh Thuận còn lỡ một số món không thể tiếp đoàn dù đã chuẩn bị như: Chim rừng quay, rau sắn sào lăn… Nếu những món ăn thực sự hấp dẫn thì màn múa cồng chiêng của đồng bào Mường Yến Mao lại chưa thực sự được như ý. Dù đã đặt lịch là sẽ thử nghiệm một “liveshow” cồng chiêng hoàn chỉnh như phục vụ một đoàn du khách, nhưng màn biểu diễn hôm ấy chưa thể nói là có thể làm say đắm lòng khách du lịch.
Sau khi tiếp nhận những góp ý nghiêm túc có phần khắt khe của đồng chí Trưởng đoàn khảo sát – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Phùng Thị Hoa Lê, đội trưởng đội văn nghệ cồng chiêng Yến Mao hứa sẽ lên kế hoạch tập luyện nghiêm túc để xây dựng được một chương trình biểu diễn hoàn chỉnh có thể phục vụ du khách về Yến Mao. Theo chia sẻ của bà Phùng Thị Hoa Lê: “Ẩm thực và văn hóa truyền thống luôn là những điều mà khách du lịch, nhất là khách quốc tế muốn được trải nghiệm vì đó chính là cách gần nhất để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống nơi du khách ghé thăm”.
Không gì thoải mái hơn là sau một ngày chạy show đằng đẵng với các điểm đến cuối cùng được thả mình trong dòng nước khoáng nóng để thư giãn, thả lỏng mình. Mọi mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí là cả sự nóng bức đều được thả trôi theo dòng nước ấm. Khép lại một ngày bận rộn với nhiều điều thú vị nhưng cũng nhiều điều còn trăn trở. Để có thể trở thành một “điểm đến” tiềm năng, sẽ còn rất nhiều việc phải làm ở cả Hoàng Xá và Yến Mao. Tuy nhiên nói như anh cán bộ Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Thanh Thủy: “Từ những “dấu chân” đầu tiên của các anh chị hôm nay, hy vọng sẽ hình thành nên con đường cho các điểm đến du lịch mới của huyện”. Vâng. Chúng tôi cũng hy vọng rồi đường sẽ hình thành từ những dấu chân khảo sát ngày hôm nay.
Nguồn: Kim Thư – baophutho.vn