Nà Hẩu là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, là nơi định cư lâu đời của các dòng họ người Mông. Từ nhiều đời nay, cứ vào cuối tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm, người dân Nà Hẩu lại làm lễ cúng rừng với mong muốn rừng được bảo vệ và phát triển tốt hơn.
Lễ cúng rừng ở Nà Hẩu được thầy mo thực hiện với những nghi thức tâm linh.
|
Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tích tự nhiên là 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung che chở cho cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây từ ngàn đời nay.
Theo quan niệm của người Mông, những cánh rừng xanh, rừng cấm, rừng thiêng gần bản là nơi chở che dân bản tránh gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng. Giữ cánh rừng luôn tươi tốt cũng chính là giữ cho dân bản luôn bình an, no ấm. Vì vậy, không một người dân nào tự ý vào phá rừng trái phép. Với ý niệm đó, tín ngưỡng thờ thần rừng của đồng bào Mông như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ. Bởi vậy, ở thôn, bản nào của xã cũng có một khu rừng cấm, rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, bản – nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm”.
Đã thành lệ của thôn, của bản, cứ vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm, các bản, làng trong xã lại tụ họp về khu “rừng cấm, rừng thiêng” để cùng tổ chức Lễ cúng thần rừng. Những nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ được diễn ra ở cửa rừng – địa điểm có nhiều cây cổ thụ lớn. Lễ vật cúng thần rừng gồm một con gà trống lông trắng, một con gà mái lông đen, một con lợn đen, rượu, xôi, hương, giấy bản…
Theo quy ước của bản, của thôn, cúng rừng xong thì cấm rừng ba ngày. Quy ước, hương ước của từng bản, từng thôn cũng quy định trong năm các hộ dân phải bảo vệ rừng thật tốt, không được chặt cây xanh trên rừng để giữ nguồn nước. Luật tục người Mông quy ước, bất cứ ai vi phạm rừng cấm cũng đều bị xử phạt.
Không quá phức tạp như các điều luật khác, luật tục của đồng bào đơn giản nhưng rất hiệu lực, mang lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ rừng. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, diện tích rừng nguyên sinh, đặc dụng trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được các nhóm hộ nhận khoán bảo vệ không bị tàn phá, không để xảy ra cháy rừng. Những cánh rừng ngày một xanh tốt thêm từ ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên theo hướng thân thiện với rừng và môi trường sống, đưa tỷ lệ che phủ rừng của xã hàng năm đạt gần 90%.
Ông Vũ Xuân Bá – Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: Với đặc điểm, khí hậu và hệ sinh thái rừng phong phú đa dạng, xã cũng đang xây dựng kế hoạch để thu hút các nhà đầu tư khai thác làm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần mở mang ngành nghề, dịch vụ phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân trong xã. Đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tuy nhiên, để làm được việc này đòi hỏi sự giúp đỡ từ các cấp các ngành cũng như nỗ lực của địa phương, nhất là sự đồng thuận cao của chính mỗi người dân. Quyết tâm giữ rừng của chính quyền và người dân nơi đây đã góp phần kịp thời phát hiện các vụ tàng trữ, vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Những cánh rừng thiêng, rừng nguyên sinh đã và đang được bảo tồn cùng với nét đẹp cúng rừng của người Mông Nà Hẩu.
Thanh Tân