Các porter góp phần phát triển du lịch Yên Bái

Tại Yên Bái, cùng với việc phát triển du lịch mạo hiểm, nhiều người dân địa phương đã tìm được công việc có thu nhập tốt khi tham gia làm porter (người khuân vác đồ kiêm nấu ăn, phục vụ khách du lịch).

                                       Ngày càng có nhiều du khách yêu thích du lịch mạo hiểm leo núi.

Nâng cao thu nhập cho người địa phương

Tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 2 đỉnh núi được du khách yêu thích là Tà Xùa, Tả Chù Nhì. Trong đó, đỉnh Tà Xùa khó chinh phục hơn nhưng lại thu hút khách du lịch với rừng rêu, “sống lưng khủng long” và biển mây.

Trước đây, đường lên đỉnh Tà Xùa vô cùng vất vả do đường trơn trượt và những dốc dựng đứng. Tuy nhiên, thời gian gần đây chính quyền địa phương đã bắt đầu mở đường mòn, trang bị dây cáp ở khu vực nguy hiểm để du khách có thể thuận lợi, an toàn hơn. Nhờ đó loại hình du lịch mạo hiểm cũng được phát triển hơn.

Anh Giàng A Thanh (SN 1996, dân tộc Mông, trú tại bản Tà Xùa, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái) từ một nông dân đến nay đã trở thành porter được nhiều khách du lịch biết tới.

Anh Thanh cho biết mình làm porter từ khoảng 10 năm trước. Lúc đầu, khách du lịch thuê anh xách đồ cho một vài người muốn trải nghiệm leo núi. Sau đó, anh Thanh coi đây là công việc chính của gia đình. Cả hai vợ chồng anh Thanh đều tham gia làm công việc này.

Nhờ kinh nghiệm nhiều năm làm việc, hiện tại anh Thanh có thể tự làm “tour” theo nhu cầu của khách. Tùy theo lộ trình của khách mà anh đưa ra các mức giá khác nhau: Nếu đón khách tại chân núi thì giá 1,3 triệu đồng/người; khách đi từ Hà Nội thì giá 2,5 triệu đồng/người (bao gồm ăn và ngủ lán trên núi); còn khách chỉ thuê dẫn đường thì 500 nghìn đồng/ngày.

Một chuyến leo núi kéo dài 2 – 3 ngày đã mang lại thu nhập khá cho gia đình anh Thanh, thay vì trước đây chỉ trông chờ vào nương lúa, ngô.

Hai vợ chồng anh Giàng A Thanh cùng tham gia làm porter tại địa phương. 

Tại xã Bản Công (huyện Trạm Tấu), nhiều thanh niên cũng tham gia làm porter để ổn định kinh tế gia đình. Em Giàng A Lầu (SN 2005) chia sẻ bản thân thích công việc này vì được trò chuyện với khách, học hỏi thêm nhiều kiến thức. Em mong muốn sau này sẽ trở thành người dẫn đường chuyên nghiệp.

Quảng bá du lịch

Công việc của các porter không chỉ là gùi đồ, dẫn đường, họ còn trò chuyện với du khách, chia sẻ về văn hóa, sản vật của quê hương. Trên đường leo núi, các porter hào hứng chỉ cho du khách về các loài cây, chim, thú trong rừng hay kể về phong tục, tập quán của người dân bản địa.

Các porter cũng tìm kiếm những cung đường lạ, đẹp để khách trải nghiệm.Theo chia sẻ của anh Giàng A Thanh, anh và anh trai của mình còn tự mày mò tìm các đường mới, ví dụ như leo đỉnh Tà Chì Nhù còn có lối đi qua Nậm Khắt của huyện Mù Cang Chải, du khách có thêm trải nghiệm thú vị khi qua những rừng táo mèo bung trắng hoa dịp tháng Ba.

Đặc biệt, các porter cũng là những người thường xuyên “review”, quảng bá du lịch, thu hút du khách tới quê hương mình trên các kênh mạng xã hội. Nhiều khách sau một lần leo núi lại tiếp tục chinh phục thêm các ngọn núi khác và giới thiệu bạn bè.

Trang cá nhân của anh Thanh và các porter khác thường xuyên đăng tải những hình ảnh đẹp về Tà Xùa, Tả Chù Nhì, Lùng Cúng… Anh Thanh cho rằng mạng xã hội giúp truyền thông du lịch leo núi Yên Bái mạnh mẽ hơn, nhiều người tìm đến anh thông qua mạng xã hội.

Leo núi là du lịch mạo hiểm, vì vậy porter cũng phải đảm bảo an toàn cho khách và chính mình. Anh Thanh cho biết, nhiều đoàn đông khách nên anh và mọi người phải phân công công việc, đặc biệt chú ý hỗ trợ du khách. Nhiều du khách không thể bám đoàn vì thể lực, nhóm porter phải chú ý liên tục giữ cự ly không quá xa, tránh lạc, luôn có người dẫn đầu và người chốt.

Nhiều porter ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu còn cập nhật xu hướng, tích cực thay đổi tư duy, xây dựng nhiều mô hình dịch vụ du lịch hấp dẫn như hợp tác xã dịch vụ du lịch, homestay… Ví dụ, anh Thanh đã liên kết với các cơ sở dịch vụ du lịch ở chân núi cho khách nghỉ ngơi trước và sau leo núi, giúp họ có trải nghiệm tuyệt vời nhất.

Anh Phạm Hữu Tình (trú tại TP.HCM, là một người leo núi chuyên nghiệp) chia sẻ, anh thích thuê porter địa phương hơn các công ty du lịch bởi họ có nhiều kinh nghiệm đi rừng, leo núi. Chỉ với 1 con dao, những porter không bao giờ bị lạc bởi đi tới đâu họ cũng đánh dấu. Những porter này đều chất phác, thật thà, sẵn sàng hỗ trợ khách du lịch, không ngại khó, ngại khổ.

(Theo Vietnamnet)

 

Để lại Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.