Nếu ai đã từng một lần đến ngôi làng nhỏ nằm giữa khu vực Di chỉ khảo cổ Xóm Rền chắc hẳn đã được nghe qua câu chuyện về di cốt người Việt cổ và những di vật được tìm thấy nơi đây. Di chỉ khảo cổ Xóm Rền là một minh chứng về sự tồn tại của một thời kỳ với những giá trị văn hoá – xã hội – lịch sử vô cùng quý giá. Người dân Gia Thanh ngày nay vẫn ngầm tự hào về vùng đất của họ bởi lịch sử lâu đời được xác định từ giai đoạn cuối đồ gốm, đầu thời đại đồng thau thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Qua hệ thống di vật khai quật được, trong đó nổi bật là bộ Nha chương bằng đá và Đai lưng đồng (những vật biểu trưng cho quyền lực người đứng đầu bộ lạc), các nhà khảo cổ học đoán định đây là một trung tâm chính trị ở giai đoạn đầu thời đại đồng thau, giai đoạn chuẩn bị cho sự hình thành Nhà nước của các Vua Hùng. Công dân Xóm Rền khi ấy không những có kỹ nghệ chế tác đá, làm đồ gốm mà còn có nghề đan lát, dệt vải. Sự hình thành nghề thủ công tại ngôi làng vốn đã có lịch sử và truyền thống lâu đời nhường ấy!
Trải qua quá trình hình thành, xây dựng, thay đổi và phát triển hàng nghìn năm, vùng đất xưa kia nay là xã Gia Thanh thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ đã khoác trên mình diện mạo mới, song vẫn phảng phất đâu đó nét cổ xưa được tìm thấy ở sự tài hoa của những bàn tay nghệ nhân như được kế thừa lại từ cha ông ngàn năm trước. Nghề làm nón thủ công tại Gia Thanh có lẽ vì thế mà hình thành, lưu truyền và tồn tại đến nay.
Nghề làm nón lá ở Gia Thanh mới chỉ có truyền thống gần 100 năm. Mỗi chiếc nón lá đã và đang góp phần bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân trong xã. Cũng giống như nhiều vùng nón trên quê hương Đất Tổ, có lợi thế về vùng nguyên liệu và người dân chăm chỉ, cần cù, vừa đảm đương đồng ruộng, lại tranh thủ làm nón lúc nông nhàn, làng nón Gia Thanh nhờ đó mà vẫn được gìn giữ, truyền nghề và ngày một phát triển. Những chiếc nón lá vừa trắng vừa nhẹ, vừa bay vừa bền trong những năm qua đã theo các nhà buôn đi khắp nơi, còn được mang đến cho cả du khách quốc tế thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm làng nghề. Bà con làng nghề hôm nay phấn khởi, tự hào được thể hiện sự tài hoa, khéo léo qua những sản phẩm do chính mình tạo ra, càng phấn khởi hơn khi những chiếc nón không chỉ tạo ra giá trị kinh tế, mà còn góp phần làm giàu thêm giá trị văn hóa đặc trưng của vùng Đất Tổ.
Đến làng Rền và dạo quanh làng nghề, thấp thoáng thấy trong những ngôi nhà đây đó những bà, những mẹ, những chị cùng em miệng cười nói còn tay thoăn thoắt đưa kim, người lữ khách sẽ thấy yên bình đến lạ. Dù trưa hè hay đêm đông, người phụ nữ làng Rền vẫn miệt mài đưa nốt những mũi khâu còn dang dở để kịp mang tới buổi chợ phiên những chiếc nón mà khách hàng đã đặt, hay đơn giản chỉ là thói quen công việc như thế. Ngày nay, cuộc sống hiện đại đã thiếu dần đi những đồ dùng xưa, nhưng nghĩ về chiếc nón, dường như ai ai cũng nhận thấy bên cạnh giá trị sử dụng thì ý nghĩa bản sắc văn hóa và biểu tượng truyền thống là những giá trị cần được gìn giữ lưu truyền hơn cả. Có lẽ cũng chính bởi vậy mà sức sống của làng nghề được tiếp thêm. Tuy vậy, để phát huy được giá trị của làng nghề, cần có những đóng góp tích cực hơn nữa từ không chỉ bản thân các làng nghề mà từ mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt, từ những hoạt động mang tính quảng bá giới thiệu và trao đổi thương mại như du lịch, hội chợ làng nghề… Những năm gần đây, thực hiện xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, du lịch làng nghề gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hoá địa phương được xác định là một sản phẩm không chỉ thu hút khách du lịch, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương mà còn có ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống và các giá trị văn hoá dân tộc, làng nghề nón lá xóm Rền xã Gia Thanh đã trở thành một điểm đến được ưa chuộng, đặc biệt đối với du khách quốc tế. Chiếc nón từ làng đã đi khắp mọi miền đất nước theo các chương trình quảng bá xúc tiến du lịch của tỉnh và được du khách chọn mua về làm quà tặng. Tour du lịch tham quan làng nghề xóm Rền sẽ mang đến cho du khách trải nghiệm các quy trình làm nên chiếc nón lá, hiểu sâu hơn về đặc điểm riêng của chiếc nón lá Phú Thọ. Đặc biệt, du khách sẽ có dịp tìm hiểu về một thời kỳ lịch sử thông qua những hình ảnh ghi lại các cuộc khai quật khảo cổ và hình ảnh các di vật tại nhà văn hoá khu (các di vật nay được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương) – chứng tích về một làng nghề từng tồn tại nơi đây./.
Dưới đây là Chùm ảnh ghi lại những hoạt động tại Làng nghề nón lá Gia Thanh trong thời gian vừa qua:
* Làm nón lá – Nghề thủ công thu hút chủ yếu lao động nữ, đặc biệt phụ nữ cao tuổi.Tại Làng nghề nón lá Gia Thanh, có nhiều gia đình có từ 2 đến 3 thế hệ trực tiếp thực hành, gìn giữ nghề truyền thống.
* Mỗi công đoạn để làm nên chiếc nón hoàn toàn thủ công đòi hỏi sự khéo léo vô cùng của đôi bàn tay người thợ!
Lựa chọn nguyên liệu: nguyên liệu chính để làm nón thường có sẵn trong vườn nhà của nhiều vùng. Phú Thọ là vùng đất nổi tiếng với cây cọ, nón lá cọ cũng được ưa dùng ở nhiều nơi! (Du khách quốc tế nghe giới thiệu về cây cọ và nguyên liệu làm nón lá tại Làng nón Gia Thanh)
Giẽ lá và là lá: công đoạn đơn giản nhưng quyết định chất lượng, độ phẳng của mặt nón lá.
Làm vành nón: từ những nan tre được vót tròn, nhẵn người thợ khéo léo uốn thành vòng tròn khép kín ướm theo kích thước của khuôn, rồi nhẹ nhàng xếp lên khuôn. Nón lá ở Phú Thọ thường có 16 vành, con số biểu trưng cho sự viên tròn như trăng 16!
Quay lá: là việc xếp lá lên khuôn sao cho đều, kín mà không bị dầy. Nón lá Phú Thọ thường có 3 lớp: lớp lá trong, lớp mo tre (làm chiếc nón dầy dặn và cứng cáp hơn), lớp lá ngoài. Đây được coi là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo nhất của tay nghề người thợ. Mặt nón lá có đều, đẹp, phẳng và kín hay không được quyết định ở khâu này |
Chằm (khâu) nón: là công đoạn vừa quyết định tính thẩm mỹ lẫn chất lượng của chiếc nón. Chiếc nón được may với kỹ thuật của thợ lành nghề phải là chiếc nón có những mũi khâu ngắn, thẳng đều tăm tắp theo vòng tròn vành nón, khi soi nhìn dưới ánh nắng thấy lỗ kim nhỏ, không có ánh sáng lọt qua.
Một cụ bà ở Làng nghề vừa chằm nón vừa chỉ cho khách du lịch thấy mũi kim được điều khiển như thế nào ở mỗi mặt trong và ngoài chiếc nón!
Làm nhôi (để buộc quai nón): là công đoạn hoàn tất việc may nón.
* Các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại Làng nón Gia Thanh:
Hướng dẫn viên giới thiệu về chiếc nón “3 lớp” của Phú Thọ khiến du khách trầm trồ!
Nhận quà tặng, ghi hình với bà con làng nghề cũng là một trải nghiệm khó quên với nhiều khách du lịch quốc tế.
Con đường dẫn vào làng nghề cũng có đủ thứ khiến người khách “bị hấp dẫn” (tìm hiểu về trái thanh long, cây cau và lá giầu với tục ăn trầu của người Việt)
Trải nghiệm các công đoạn làm nón luôn hết sức thú vị, hấp dẫn du khách. Đôi khi tự tay đưa mũi khâu rồi, người khách vẫn không tưởng tượng được để có một chiếc nón hoàn chỉnh lại cần nhiều công đến thế!
Tự tay trải nghiệm một khâu của quy trình làm nón thật sự thích thú lắm, mặc dù hơi khó!
Thăm và tìm hiểu về đời sống của người dân nơi làng quê Việt.
Phòng khách, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà, vừa để đón tiếp khách, vừa là nơi thờ Tổ tiên – Truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam!
Mỗi người dân xóm Rền đều là một vị chủ nhà mến khách và thân thiện!
Chụp hình lưu niệm với nghệ nhân làng nghề
Bài và ảnh: Lê Xuân Hương- Trung tâm TTXT Du lịch.