Mùa Xuân là mùa của lễ hội, khắp các vùng miền trên đất nước Việt Nam nói chung và Phú Thọ nói riêng bắt đầu bước vào mùa lễ hội rộn ràng, sôi nổi, thu hút đông đảo người dân và du khách tham dự, trẩy hội.
Phú Thọ là vùng Đất Tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam, hiện còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, với gần 260 lễ hội đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, trong đó tháng Giêng đã có tới gần 150 lễ hội được các địa phương tổ chức. Một số lễ hội đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước phục vụ nhu cầu tâm linh của các tầng lớp nhân dân và cũng để đón du khách thập phương về tham quan, chiếm bái.
Ngay từ những ngày đầu tháng Giêng tại các cửa đền, miếu thờ Vua Hùng của các làng Xoan cổ Kim Đức, An Thái đã diễn ra lễ hội hát Xoan để tưởng nhớ công ơn của các vua Hùng đã truyền lại điệu hát cho thôn dân và mong Vua ban phúc, ban cho “nhân khang vật thịnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”. Lễ hội hát Xoan là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện nét đặc trưng văn hóa thời đại Hùng Vương, là dịp để cộng đồng cư dân miền quê di sản bày tỏ những ước vọng to lớn và mang ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh hướng về cội nguồn dân tộc. Với vị thế là một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hát Xoan và những lễ hội Xoan thực sự là những hoạt động văn hóa đầy bản sắc của vùng đất cội nguồn linh thiêng.
Lễ hội mở cửa rừng của người Mường, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, với ý nghĩa mở ra một mùa săn bắt, hái lượm mới; cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đồng thời thể hiện ước nguyện, khát vọng của con người về một cuộc sống ấm no, sung túc đủ đầy, bản làng hòa thuận vui vẻ. Lễ hội mở cửa rừng của người Mường không chỉ thuần túy là ngày hội khai năm, mà còn là ngày hội của cả bản làng, chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của cộng đồng, giúp con người sống gắn bó với nhau hơn trong môi trường văn hóa bản Mường.
Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ diễn ra từ mùng 7 – 9 tháng Giêng tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, đây là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, có ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc cho lớp lớp con cháu muôn đời. Tháng Giêng về với Tổ Mẫu đã trở thành tập quán, nét đẹp văn hóa của các thế hệ người Việt Nam. Ngày nay, đồng bào ta dù đi xa tới đâu vẫn có một nơi để trở về. Đó là nơi mẹ Âu Cơ đã để lại dải lụa đào rồi bay về trời. Hình ảnh người mẹ nhân từ của dân tộc vừa nhắc nhở mỗi chúng ta luôn khắc ghi đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa tiếp thêm sức mạnh cho dòng giống Tiên Rồng giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất tổ tiên truyền lại. Cũng trong ngày mùng 7 tháng Giêng, cùng với Lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, cả tỉnh có 8 nơi khai hội trong đó phải kể đến lễ hội Hạ Điền của người Mường (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn), lễ hội giã bánh giầy Trúc Phê (thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông), hội vật đuổi giải làng Vĩnh Mộ (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao), Hát Ghẹo trong lễ hội đền chùa Nam Cường (xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông) và lễ hội đền Sồi của người Mường (xã Yến Mao, huyện Thanh Thủy)…
Lễ hội rước Chúa Gái làng Vi – làng Trẹo (Lễ hội làng He) thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội rước Chúa Gái là hình thức nguyên sơ của Lễ hội Đền Hùng trước cách mạng tháng Tám, mang đậm nét văn hoá dân gian vùng Đất Tổ. Lễ hội tái hiện cảnh đưa dâu công chúa Ngọc Hoa về núi Ba Vì với Tản Viên. Sau phần Tế lễ tại Đình Cả do các cụ cao niên của hai làng Vi, Trẹo (làng He xưa) thực hiện, phần hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian, trình diễn bách nghệ khôi hài, tùng dí…
Rước Vua về làng vui Xuân được tổ chức vào mùng 9 tháng Giêng âm lịch tại Đình Cả, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao. Đình Cả là nơi thờ thần núi và thờ vọng các Vua Hùng thứ 16, 17, 18, đó là Hùng Tạo Vương, Hùng Nghi Vương và Hùng Duệ Vương – những người đã có công xây dựng và giữ nước. Vào dịp đầu năm mới, nhân dân tổ chức ra bãi rước đón Vua về làng ăn Tết. Tại đây, chủ tế đại diện cho các quan viên và dân làng làm lễ khấn vái, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì an khang thịnh vượng, may mắn tốt đẹp, mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới. Cầu cúng xong, mọi người chờ bao giờ thấy có gió nổi, cờ bay có nghĩa là các vị thần linh đã bằng lòng chấp thuận lời cung thỉnh của dân làng, dân làng lại sửa lễ và các quan viên làm lễ tế, rồi rước kiệu về đình.
Lễ hội giã bánh giày đình Mộ Chu Hạ – phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì được tổ chức vào mùng 9, mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công lao của Vua Lê Đại Hành trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Tương truyền, trong công cuộc chống quân Tống của nhân dân ta, một lần Thập đạo tướng quân Lê Hoàn cho quân sĩ rút lui đến làng Mộ Chu Hạ thì trời tối, người ngựa đều mệt mỏi. Vua cho quân sĩ nghỉ ngơi, sáng hôm sau dân làng giã bánh giày dâng Vua để mang theo làm lương thực (hôm đó là ngày mùng 10 tháng Giêng), nhờ những chiếc bánh giày ấy mà quân sĩ sung sức đánh giặc. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, bánh giầy làng Mộ Chu Hạ vẫn được người dân gìn giữ nguyên vẹn về hình dáng, hương vị và được dâng lên các Vua Hùng trong lễ Giỗ Tổ hằng năm. Tục giã bánh giày truyền thống làng Mộ Chu Hạ đã trở thành nét đẹp văn hoá, truyền thống trên quê hương đất Tổ.
Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Đây là lễ hội độc đáo có một không hai của người dân xã Tứ Xã nhằm tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được người dân ở đây trân trọng, gìn giữ. Lễ hội gồm ba phần: Mở đầu là hội trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” (sĩ, nông, công, thương) hay còn gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” với các trò diễn như: đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua xuân – bán xuân và dạy học; tâm điểm của lễ hội và cũng là linh hồn của Trò Trám là “lễ mật” diễn ra lúc sang canh đêm 11, rạng sáng 12 tháng Giêng – thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu cầu cho nhân dân được bình an, hạnh phúc, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở; sáng 12 tháng Giêng diễn ra lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Lễ hội cướp phết Hiền Quan được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13 tháng giêng âm lịch hàng năm tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông. Đây là lễ hội nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa – một nữ tướng có công chiêu mộ binh sĩ, xả thân giúp Hai Bà Trưng đánh giặc Hán. Thông qua đó, giáo dục lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và truyền thống bất khuất của người Việt trong công cuộc dựng nước. Hội Phết Hiền Quan đã trở thành truyền thống, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Hội diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ thuở xưa với khí thế hào hùng của dân tộc ta trong quá trình dựng và giữ nước những năm đầu công nguyên. Năm nay 2023, hội Phết chỉ diễn ra phần tế lễ tại đình theo nghi thức truyền thống, không tổ chức đánh trận phết. Do thực tế chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn, an ninh trật tự.
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa tại đàn Tịch Điền, phường Minh Nông, thành phố Việt Trì. Đây là lễ hội duy nhất mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam, gắn liền với thời đại Hùng Vương. Lễ hội gồm 2 phần. Phần lễ với các nghi thức từ Cáo yết, cúng Thần Nông, hoạt động tế lễ, đặc biệt là phần tái diễn “Vua Hùng dạy dân cấy lúa” được lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phường Minh Nông cùng nhân dân tiến hành đầy đủ, trang nghiêm. Phần hội gồm hoạt động thi cấy lúa của các đội và trò chơi dân gian với sự tham gia của người dân, du khách thập phương. Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa mang tính đặc trưng, tiêu biểu khởi thủy của nghề trồng lúa nước Việt Nam gắn liền với thời đại Hùng Vương; tạo điểm nhấn về hoạt động lễ hội trong tiến trình xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Lễ hội đền Du Yến, xã Chí Tiên, huyện Thanh Ba. Đền Du Yến thờ bà Nguyễn Thị Hạnh (Hạnh Nương), nữ tướng của Hai Bà Trưng, có công đánh giặc Đông Hán. Tương truyền, Hạnh Nương là người thông minh tài sắc văn võ song toàn. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, bà đã chọn 92 nghĩa binh từ trang Bổng Châu về cùng với Hai Bà Trưng. Là người cầm quân đánh đâu thắng đấy nên Hai Bà Trưng đã tặng phong cho bà là Ngọc Loan công chúa và phong chức là Trưởng lĩnh Tiền quân. Sau khi đánh tan giặc Tô Định, nữ tướng Nguyễn Thị Hạnh trở về thăm quê hương, chính tại nơi đây bà đã mở yến tiệc khao quân, ban thưởng cho dân làng. Nơi đây về sau dân làng lập đền thờ gọi là hành cung Du Yến (ngày nay là đền Du Yến xã Chí Tiên). Từ đó, cứ vào dịp rằm tháng Giêng hàng năm dân làng lại mở hội cầu tế để tưởng nhớ đến công ơn của bà và cầu xin mưa thuận gió hoà nhà nhà được ấm no hạnh phúc. Lễ hội Đền Du Yến năm 2023 được tổ chức cả phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức gồm năm bước: Lễ Rước nước, lễ Mộc dục, lễ Cáo yết, lễ Rước kiệu, lễ dâng hương và Tế thần. Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Hội thi Giã bánh giầy; thi đấu bóng chuyền hơi nữ, bóng chuyền nam, cờ tướng… Trong đó độc đáo nhất là Lễ rước nước từ sông Hồng và múa cánh tiên (múa tiên).
Lễ hội đền Lăng Sương, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy. Di tích lịch sử Quốc gia Đền Lăng Sương có từ thời Thục An Dương Vương hiện thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn – con rể Vua Hùng thứ 18 – vị thần được coi là Thượng đẳng tối linh, đệ nhất phúc thần, đứng đầu “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Đây cũng là ngôi đền duy nhất hiện nay thờ cả gia đình Đức Thánh Tản gồm: Thân phụ Nguyễn Cao Hành; thân mẫu Đinh Thị Đen; dưỡng mẫu Ma Thị Cao Sơn; phu nhân Ngọc Hoa công chúa và hai bộ tướng là Cao Sơn, Quý Minh. Đền có hai ngày lễ chính trong năm: Ngày 15 tháng Giêng tưởng nhớ ngày sinh Thánh Tản và ngày 25 tháng 10 âm lịch là ngày Thánh Mẫu về trời. Theo tục lệ chiều ngày 14 tháng Giêng âm lịch sẽ tổ chức lễ cáo tế theo nghi lễ truyền thống và sáng ngày 15 tháng Giêng bà con nhân dân trong làng sẽ tổ chức tổ chức lễ rước nước từ sông Đà về đền Lăng Sương, sau đó sẽ tổ chức tế lễ theo nghi thức truyền thống.
Còn nhiều lễ hội sẽ tiếp tục được diễn ra từ nay đến hết mùa xuân trên khắp các địa phương của tỉnh, là điểm hẹn văn hóa, chờ đón nhân dân và du khách thập phương về miền quê di sản Phú Thọ:
Lễ hội rước voi đình Đào Xá, xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy diễn ra tại Đình Đào Xá – ngôi đình cổ được xây dựng vào thế kỷ XVII, nơi đây thờ Hùng Hải Công – ông được cử đến cai trị vùng Tam Giang, nơi hợp lưu của ba con sông lớn: Sông Đà, sông Hồng và sông Bứa. Do có công lớn dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú, Vua Hùng ban cho ông hai thớt Voi. Trước khi chia tay về xuôi giao lại trọng trách cai quản vùng Tam Giang cho ba con trai đã trưởng thành, ông đã dẫn đôi Voi về Đào Xá làm lễ tạ 3 lần rồi từ biệt. Tri ân công đức của ông, dân làng lập đình thờ và tôn ông làm Thành hoàng, hằng năm vào ngày 28 tháng Giêng âm lịch đều tổ chức Lễ hội rước Voi để tưởng nhớ đến ông. Theo đúng tập tục truyền thống, Lễ hội Rước voi Đào Xá năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ 17 đến 19/02 (tức từ 27 đến 29 tháng Giêng âm lịch). Phần lễ được tổ chức trang nghiêm, thành kính với các nghi lễ: Cáo hội, rước kiệu, rước voi từ Đình ra Đền Đào Xá đón long ngai; chuẩn bị cỗ thờ với xôi, gà, bánh mật, chè kho, cá chép, linh lang, ngũ quả; lễ tế truyền thống… Phần hội được tổ chức sôi động với các trò chơi dân gian: Nấu cơm thi, chọi gà, kéo co,…
Lễ hội Đình Thạch Khoán là lễ hội gắn với ngôi đình cổ duy nhất của người dân tộc Mường ở huyện miền núi Thanh Sơn nhằm tri ân công đức Thánh Tản Viên và các bậc tiền nhân đã khai phá, xây dựng nên mảnh đất này. Lễ hội đình được tổ chức vào ngày 24 và ngày 25 tháng Giêng hàng năm, gồm 2 phần: phần Lễ với hoạt động tổ chức rước kiệu, dâng hương theo nghi lễ truyền thống. Sau lễ rước là phần tế lễ cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đội tế gồm 22 người cao tuổi có con cháu thảo hiền, gia đình đoàn kết để xếp vào hàng quan viên cúng tế; phần Hội với hoạt động giao lưu văn hóa của các khu dân cư: thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giày, diễn tấu cồng chiêng, đâm đuống, liên hoan văn nghệ quần chúng và các trò chơi dân gian, hoạt động dân gian quần chúng: kéo co, ném còn, chơi đu, bịt mắt, thi đấu bóng chuyền… Lễ hội đình Thạch Khoán là một trong những lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang nét đặc trưng nhất trên Đất Tổ.
Mùa xuân trên vùng Đất Tổ, tiếng trống hội như thúc giục lòng người tìm đến với các cửa đình, đền để hòa mình trong không khí các lễ hội truyền thống. Suốt từ tháng Giêng cho đến những ngày tháng Ba âm lịch Phú Thọ còn rất nhiều lễ hội đặc sắc khác như: Lễ hội đền Tam Giang, lễ hội đền Tiên, lễ hội rước ông Khiu bà Khiu, lễ hội đền Văn Luông và hội cướp bông, ném chài,… đặc biệt là lễ hội Đền Hùng – lễ giỗ Tổ của cả dân tộc Việt Nam. Lễ hội Đền Hùng đã trở thành một biểu tượng tinh thần, mang bản sắc văn hóa độc đáo, kết thành ý thức nguồn cội, nghĩa đồng bào và trở thành yếu tố nội lực tạo nên sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng Đất Tổ vừa mang tính tâm linh vừa có ý nghĩa nhân văn cao đẹp, khơi dậy lòng kính trọng đối với tổ tiên, với những vị thánh hiền đã có công với nước với dân, đồng thời phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa mang tính dân gian của đồng bào các dân tộc. Đến với lễ hội, ai ai cũng có tâm nguyện hướng thiện, giải tỏa những âu lo muộn phiền của cuộc sống và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Dù ở quy mô, cấp độ nào, các lễ hội truyền thống cũng luôn đảm bảo trang nghiêm, trọng thể phần lễ, vui tươi, lành mạnh, phong phú trong phần hội trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chính sự đa dạng của hoạt động văn hóa trong lễ hội làm cho không gian của lễ hội luôn mới mẻ, tươi vui.
Tham gia các lễ hội, người dân và du khách thập phương được quan sát, tiếp nhận và thưởng thức các giá trị văn hóa của cộng đồng, để từ đó họ ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông cho các thế hệ sau. Du lịch văn hóa được xác định là sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Thọ. Có lẽ chính bởi sự giàu có, độc đáo của nguồn tài nguyên quý giá này, trong đó các lễ hội đã làm nên màu sắc rất riêng của sản phẩm. Việc bảo tồn, khôi phục và phát huy có hiệu quả giá trị các lễ hội trong đời sống cộng đồng nhân dân đã góp phần tích cực vào phát triển du lịch cũng như phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Phú Thọ.
Dưới đây là chùm ảnh về các lễ hội mùa xuân: (Ảnh: Bích Ngọc và ảnh sưu tầm)
Lễ hội Hát Xoan tại miếu Lãi Lèn, Tp. Việt Trì
Lễ tế tại đền Mẫu Âu Cơ, Hạ Hòa
Giã bánh Giầy tại đình Mộ Chu Hạ, Tp, Việt Trì
Lễ rước lúa thần tại lễ hội Trò trám, Lâm Thao
Lễ hội Phết Hiền Quan, Tam Nông
Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Tp. Việt Trì
Lễ hội đền Du Yến, Thanh Ba
Lễ hội đền Lăng Sương, Thanh Thủy
Lễ hội đình Đào Xá, Thanh Thủy
Lễ hội đình Thạch Khoán, Thanh Sơn
Lễ hội rước chúa gái, Lâm Thao
Rước vua về làng vui Xuân, Lâm Thao
Lễ hội mở cửa rừng của người Mường, Yên Lập