Chùa Xuân Lũng (Phổ Quang tự), xã Xuân Lũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10 tháng 7 năm 1980.
Hiện nay, trong tòa Chính điện còn lưu giữ được 01 hiện vật vô cùng độc đáo, đó là Bàn thờ Phật bằng đá. Đây là hiện vật đã gắn với lịch sử của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XIV, do Sử Đài Điển ngự thư Đô chính thủ Nguyễn Lạp, tên tự Đạo Không cư sĩ, cùng Thái học Điển trù Tiểu chi hầu Nguyễn Chiêu, tự là Ngộ Không cư sĩ và vợ là Nguyễn Thị Sửu, tên tự là Bà Công Tín cung tiến, hoàn công vào ngày 12 tháng 2 năm Đinh Mão, niên hiệu Xương Phù năm thứ 10 (1387).
Tổng thể bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng
Đây là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá độc đáo của nghệ nhân dân gian. Bàn thờ Phật bằng đá có kết cấu 5 tầng được lắp ghép từ nhiều phiến đá theo hình chữ Công tạo nên sự liên kết vững chãi. Từ loại chất liệu đá xanh nặng nề, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời cổ vật độc đáo, thành công kỳ diệu cả về kỹ thuật, mỹ thuật và cả sự triết lý tư tưởng: Thực và phi hiện thực “Cá hóa rồng”, “Độc long”, “Sư tử vờn hoa”… Đặc biệt là hình tượng con rồng với đặc điểm độc đáo của nghệ thuật thời Trần với đề tài “Cá hóa rồng”.Đây cũng là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ.Đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại, gắn với các đồ án chạm khắc trang trí này.Đồng thời hiện vật này đã thể hiện sự kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ với những họa tiết hoa văn trang trí gắn với thế giới Phật giáo để mô tả hình ảnh cuộc sống cư dân miền trung du, Tây Bắc Việt Nam như hươu cặp hoa hải đường tạo nên bức tranh sinh động vừa linh thiêng nơi cửa Phật, vừa phản ánh cuộc sống hiện thực và nét đặc trưng của vùng Trung du Bắc bộ và đất Tổ Hùng Vương. Đây là nét đặc biệt riêng có, không tìm thấy ở các các hiện vật cùng thời.
Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng là một hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật; có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Theo đó, những đặc điểm về kỹ thuật chế tác, nghệ thuật tạo hình, hoa văn, phong cách trang trí trên Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng được xác định là căn cứ đặc biệt quan trọng trong việc nghiên cứu đối sánh, phân tích để đoán định niên đại, phong cách nghệ thuật tạo tác bàn thờ Phật thời Trần nói riêng và di sản văn hóa – nghệ thuật thời Trần nói chung.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, ngày 25/12/2021, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ, Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đây là niềm tự hào và vinh dự lớn đối với tỉnh Phú Thọ – vùng đất cội nguồn của dân tộc, đồng thời cũng đặt lên vai trách nhiệm to lớn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải ngày càng thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vùng đất Tổ trong giai đoạn hiện nay./.
* Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đã có 05 bảo vật quốc gia được công nhận, đó là:Trống đồng Đền Hùng, Bộ khóa đai lưng bằng đồng, Sưu tập nha chương, Tượng Mẫu Âu Cơ và Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng.
Tất Thắng- Sở VHTTDL