Thị xã Phú Thọ nằm ở bờ hữu ngạn sông Thao, là tỉnh lị cũ của tỉnh Phú Thọ, đã có lịch sử hơn 100 năm tuổi nhưng vẫn giữ được những nét bình yên, cổ kính vốn có… Đây là một vùng đất còn lưu giữ và bảo tồn rất nhiều di tích mang đậm những giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, ghi lại nhiều dấu ấn lịch sử của thời đại. Một trong những di tích nổi bật phải kể đến là chùa Thắng Sơn, tọa lạc ven tả ngạn sông Thao, thuộc phố Cao Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Chùa Thắng Sơn có tên chữ là Thắng Sơn tự, xưa nhân dân thường gọi là chùa Mè. Chùa được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII dưới thời vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786), thuộc làng Phú An , cách bờ sông Thao khoảng 30km. Chùa nằm trên thế đất cao hơn mặt đường 1,5m, có hệ thống 7 bậc chạy dài theo cổng và tường rào hai bên. Cửa chùa quay theo hướng Đông Nam, cổng tam quan quay theo hướng Tây Nam, bên kia đường là dòng sông Thao có nhiều thuyền bè neo đậu. Khi xưa người dân xuống thuyền để lên chùa phải đi qua bẩy hàng bậc đá xanh. Nơi đây nhân dân thường gọi là Bến Đá, nơi này trước đây từng là bến neo đậu của thuyền bè đưa người dân thập phương đến chùa lễ Phật.
Cổng tam quan chùa
Chùa có tổng diện tích là 2808m2. Mùa xuân năm Nhâm Dần (1782), chính điện được làm xong với tổng diện tích 168m2. Cổng tam quan được xây dựng vào năm Ất Tỵ (1785), cổng giữa hai tầng treo quả chuông, hai bên cổng phụ có đắp tượng hai ngài Hộ Pháp. Những năm giặc Pháp – Nhật chiếm đóng thị xã, chùa được dùng làm nơi hội họp của cán bộ Việt Minh và còn là nơi cất giấu, chăm sóc thương binh. Sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên Đán năm 1962, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi ngôi chùa cùng 147 nóc nhà của người dân, chỉ còn lại duy nhất quả chuông nằm trên gác hai cổng Tam quan. Năm 1963, 1964, quả chuông được bảo quản tại Phòng Văn hóa thị xã. Cuối năm 1964 đến năm 1970, quả chuông được sử dụng để làm chuông báo động cho nhân dân thị xã mỗi khi có máy bay địch đánh phá. Sau này, chuông được chuyển vào đền Trù Mật để bảo quản. Vào thời kỳ đó, do điều kiện đất nước phải thực hiện công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứ nước, nền kinh tế còn trong thời kỳ bao cấp còn gặp không ít khó khăn, vì thế ngôi chùa chưa thể được khôi phục lại.
Nhà Tam Bảo
Nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân và góp phần phục hồi các giá trị văn hóa dân tộc. Được sự quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện từ những người con của quê hương thị xã Phú Thọ, cùng đông đảo tăng Ni, Phật tử trong và ngoài địa bàn, ngày 17/4/2016 (Tức ngày 11/3 năm Bính Thân) chùa Thắng Sơn được khởi công trùng tu, xây dựng trên khuôn viên của ngôi chùa Thắng Sơn cổ, với tổng diện tích trên 1.800 m2. Công trình gồm các hạng mục chính gồm: Nhà Tam bảo, nhà Tăng, nhà Thư viện, nhà Thờ Tổ, nhà Thờ Mẫu, Gác Chuông, Gác Trống; hệ thống cổng, tường rào, sân vườn; hệ thống tượng và các hạng mục phụ trợ khác. Chùa được xây dựng theo kiến trúc chữ đinh, thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam vừa cổ kính vừa hiện đại. Công trình này đã đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của các Phật tử và nhân dân thập phương về chiêm bái, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và là điểm nhấn quan trọng, nét kiến trúc độc đáo của đô thị vùng trung du.
Chính điện
Chùa Thắng Sơn hiện nay đã trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh giàu ý nghĩa và giá trị tinh thần đối với nhân dân và phật tử thị xã Phú Thọ. Ngoài chùa Thắng Sơn, thị xã Phú thọ còn là một địa phương còn lưu giữ được rất nhiều di tích lịch sử như: Chùa Cây Thị (xã Phú Hộ) với hai “lão thị” nghìn năm tuổi vẫn ngày ngày quấn lấy thân đa tỏa bóng xanh mát, trấn giữ ngôi cổ tự linh thiêng mà thuở ấy Lý Nam Đế xưng vương; Đền Trù Mật (xã Văn Lung) xây dựng dưới thời Đinh Tiên Hoàng – thờ Sứ quân miền núi Kiều Thuận và thuộc tướng của ông là Ma Xuân Trường; chùa Bồng Lai (xã Hà Thạch) – một di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, với bệ tượng đất nung, hệ thống tượng thờ, bia và các di tích vật quý khác, biểu hiện cho sự rực rỡ của một thời đại lịch sử phật giáo huy hoàng trên đất nước ta… Đây chính là những tiền đề để thị xã Phú Thọ liên kết với các địa điểm tham quan nội tỉnh khác, phát triển loại hình du lịch văn hóa – tâm linh.
Thị xã Phú Thọ hôm nay vẫn đang ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, nhưng vẫn luôn bảo tồn được dáng vẻ của một thị xã miền trung du, bình yên, cổ kính. Chính những di tích lịch sử chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cùng với nhiều yếu tố huyền thoại, kết hợp với nền văn minh đương đại đã tạo nên một sắc thái văn hóa vừa truyền thống vừa hiện đại cho mảnh đất thị xã bên dòng Thao này.
Một số hình ảnh khác về chùa Thắng Sơn:
Gác chuông
Gác trống
Tượng Phật trong sân chùa
Nhà thờ Mẫu
Các Phật tử tụng kinh lễ phật trong chùa
Phương Thảo – Trung tâm TTXT Du lịch