Kho tàng văn hóa tinh thần ở Lào Cai vô cùng phòng phú, đặc biệt là âm thanh da diết của tiếng sáo và điệu múa khèn Mông đắm đuối đã lưu lại trong tâm trí rất nhiều du khách, góp phần tạo nên sự đa dạng sắc màu cho văn hóa Việt Nam.
Người Mông quan niệm “con trai không biết thổi sáo, khó lấy vợ. Con gái không biết đánh đàn môi, dễ ế chồng”. Ai đó lại nói, là con gái chớ nghe trai Mông thổi khèn. Tiếng sáo tiếng khèn Mông nó đắm đuối, mê say lắm đấy!
Người Mông có nhiều nhạc cụ khác nhau như: Sáo, khèn, đàn môi, gậy sinh tiền… trong đó sáo là nhạc cụ gắn bó trong cuộc sống hàng ngày nhiều nhất. Tiếng sáo là công cụ của các chàng trai để bảy tỏ tình cảm với cô gái mình yêu thương, là nhạc cụ góp vui cho các lễ hội truyền thống, là nguồn cảm hứng trong sinh hoạt và lao động vất vả. Người Mông quan niệm “con trai không biết thổi sáo, khó lấy vợ. Con gái không biết đánh đàn môi, dễ ế chồng” đấy là một trong những lý do khiến hầu hết các chàng trai ngươi Mông đều biết thổi sáo. Nhưng quan trọng hơn là tiếng sáo đã gắn liền với cuộc sống của những chàng trai từ lúc chưa lọt lòng, rồi lại được sinh ra và lớn lên trong âm thanh quen thuộc của những người đi trước. Nên tiếng sáo đã thấm nhuần vào trong tâm thức tự bao giờ.
Cây sáo của người Mông ở Lào Cai có nhiều điểm khác biệt so với cây sáo trúc ở miền xuôi hay xa hơn là ở các quốc gia khác. Điểm khác biệt nhất là trong cây sáo của người Mông có một bộ phận gọi là lam hay lưỡi gà. Là một lá đồng mỏng như tờ giấy được uốn giống hình lưỡi gà, đặt giữa miệng cây sáo. Lam tạo ra sự nhạy cảm của âm vực khi ngân lên, tạo ra những âm thanh đặc trưng và khác biệt của tiếng sáo người Mông. Cây sáo truyền thống của người Mông được làm từ cây nứa dày hoặc trúc chỉ dài khoảng 20cm, đường kính khoảng 0,7cm và khoét từ 2 đến 4 lỗ. Nhưng sau này đã được cải tiến nhiều, có thể dài đến 45cm và đường kính 2cm để tạo thêm được những âm thanh trầm bổng khác nhau và có thể kết hợp chơi cùng các nhạc cụ hiện đại. Nói đến sáo Mông Lào Cai không thể không nhắc đến NSND Lương Kim Vĩnh, người được coi là “vua sáo”. Ông là người đã gắn bó phần lớn quãng đời với cây sáo, với 22 năm trời miệt mài tìm hiểu, mày mò về kỹ thuật làm sáo, chơi sáo, cải tiến sáo Mông. Ông cũng là người góp công lớn giới thiệu hình ảnh và âm thanh độc đáo của cây sáo Mông tới thế giới thông qua các cuộc thi lớn, quảng bá nét độc đáo của nhạc cụ truyền thống người Mông và gặt hái cho mình nhiều giải thưởng danh giá.
Ngày nay, nếu bạn đi du lịch ở Lào Cai (Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương…) bạn sẽ dễ dàng bắt gặp các quầy nhỏ bán sáo trong các phiên chợ vùng cao. Cây sáo Mông được thiết kế đẹp mắt, nhìn kiểu dáng có vẻ khác lạ, nhưng kỹ thuật chế tạo và âm thanh đặc trưng vẫn được gìn giữ. Nếu bạn là người chơi sáo, đam mê về sáo, hãy đến với chợ phiên Bắc Hà và tìm đến quầy sáo của nghệ sĩ trẻ Thào A Lìn – Một trong những “truyền nhân” của NSND Lương Kim Vĩnh. Tại đây bạn sẽ được tìm hiểu kỹ hơn về các loại sáo, lắng nghe âm thanh từ những cây sáo khác nhau và lựa mua cho mình một cây sáo ưng ý.
Nhạc cụ thứ hai cũng rất gắn bó và nổi tiếng cùng với người Mông, đó là khèn Mông. Khèn Mông đã gắn bó cùng đời sống tinh thần người Mông từ xa xưa, nổi tiếng khắp nơi qua hình ảnh những điệu múa khèn truyền thống trong phiên “chợ tình” Sa Pa. Khèn vừa là nhạc cụ để tạo ra những âm thanh có sức quyến rũ kỳ lạ, vừa là đạo cụ để biểu diễn trong các điệu nhảy hay bài múa của các chàng trai cô, gái người Mông. Với người Mông, khèn là nhạc cụ giúp kết nối giữa cõi trần gian và thế giới tâm linh, cũng là phương tiện để giao lưu, kết nối cộng đồng, giao duyên tình tự. Theo câu chuyện truyền miệng của người Mông, nguồn gốc chiếc khèn Mông kể về một gia đình có 6 người con, ai cũng có năng khiếu hát hay, thổi sáo giỏi. Khi cùng nhau thổi, tiếng sáo cất tạo ra những âm điệu thanh thoát, lúc trầm lúc bổng vang vọng khắp non cao. Nhưng khi không ở cùng nhau, thì tiếng sáo lại rời rạc, thiếu sức sống. Cuộc sống lớn lên, họ đều có gia đình riêng và sinh sống cách trở. Nên họ đã nghĩ đến việc tạo ra một nhạc cụ kết hợp nhiều yếu tố lại với nhau. Người anh cả nghĩ ra cái bầu, anh thứ hai nghĩ ra ống thổi dài, 4 người còn lại nghĩ ra những ống thổi tiếp theo. Tất cả là 6 ống, tượng trưng cho 6 anh em. Đó là chiếc khèn Mông ngày nay.
Khèn Mông gắn bó với cuộc sống người Mông từ trong nhà, ngoài ngõ đến trên nương, ngoài ruộng hay ở những chợ phiên truyền thống, trong các lễ hội…Có một điều đặc biệt là chỉ đàn ông được chơi nhạc cụ này. Vậy nên ngay từ khi còn nhỏ các cậu bé đã được làm quen với kỹ thuật chơi khèn, múa khèn, để đến khi 9-10 tuổi là đã thành thạo các kỹ năng. Để tìm được nguyên liệu và làm được chiếc khèn tốt cũng lắm công phu. Các chàng trai phải đi vào tận trong rừng sâu mới tìm được ống trúc ưng ý. Ống trúc không được già quá cũng không được non quá. Trúc được phơi sương và hong trong nắng, trong bóng râm, từ hai đến ba tháng. Khi đem ra để làm, họ phải lau bằng nước chanh hoặc cơm mẻ để trả lại mầu vàng óng tự nhiên của thân trúc. Phần đai quấn quanh ống được làm bằng dây gai. Dây gai được sấy trên gác bếp, ngâm vào nước cho dẻo mềm, dai không khác gì da thuộc, nhưng lại có ưu điểm mềm mỏng, dễ thắt nút. Mầu của dây gai đen nâu nổi bật trên nền trúc vàng óng, mầu gỗ vàng…
Khèn Mông là nhạc cụ khá độc đáo, khi bạn thổi hơi ra hoặc hít vào đều có thể tạo ra âm thanh. Hình ảnh quen thuộc của các chàng trai người Mông trong các bài múa là dáng người khom khom kết hợp các động tác nhún nhảy, quay người hay lộn vòng trên nền đất, xoay chân, đá gót…Hình ảnh sôi động, động tác uyển chuyển hay lảo đảo như người say men của các chàng trai bên cạnh các thiếu nữ xúng xính trong váo áo truyền thống, tay cầm ô hòa quyện trong những điệu nhảy, bài múa tạo lên khung cảnh trữ tình.
Tiếng sáo, điệu khèn từ lâu đã làm say lòng, ngất ngây lữ khách khi du lịch Lào Cai, gắn kết nhiều tâm hồn đồng điệu trong không gian âm nhạc đặc trưng của vùng núi cao – đó là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, đặc biệt là với cộng đồng các dân tộc thiểu số Lào Cai, góp phần làm cho Lào Cai ngày càng đẹp càng say hơn trong ánh mắt, nụ cười của du khách phương xa.
Thành Tuân